Xã hội
BHXH Việt Nam: Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng
05:34 PM 18/11/2019
Sáng 18/11, tại Đà Nẵng, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị An toàn thông tin (ATTT) mạng ngành BHXH năm 2019. Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn dự và chủ trì hội nghị.
Trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ, với mục tiêu phục vụ đơn vị, NLĐ và người dân ngày một tốt hơn. BHXH Việt Nam đã xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT đáp ứng việc triển khai nhiều hệ thống phần mềm nghiệp vụ phục vụ hoạt động của Ngành, trong đó các hệ thống đều được triển khai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành đã tăng cường phối hợp trong việc đảm bảo ATTT mạng cho các hệ thống thông tin.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, hiện nay, các hệ thống thông tin của Ngành từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Hệ thống thông tin tập trung của BHXH Việt Nam thường xuyên có trên 20.000 tài khoản CCVC thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời, hệ thống cũng kết nối liên thông với trên 12.000 cơ sở KCB và khoảng 500.000 tổ chức, DN sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc. Mỗi năm, Cổng giao dịch điện tử nhận và xử lý hàng triệu lượt hồ sơ dịch vụ công. Đáng chú ý, từ đầu năm 2019 đến nay, có hơn 48 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến.
Với các hệ thống thông tin vận hành liên tục 24/7 đảm bảo sẵn sàng, liên tục phục vụ người dân, tổ chức, DN, ngành BHXH luôn chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn cho các hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT ngành BHXH với các cán bộ giám sát, vận hành và xử lý sự cố trực 24/7, BHXH Việt Nam cũng đã triển khai nhiều giải pháp phần mềm, phần cứng về ATTT. Đặc biệt, chủ động tham gia Mạng lưới Ứng cứu sự cố quốc gia, phối hợp với các cơ quan chuyên trách về ATTT trong phát hiện, xử lý sự cố ATTT như: Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam, Cục ATTT (Bộ TT-TT), Ban Cơ yếu Chính phủ…
Cũng tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển nhanh chóng của KH-CN, bên cạnh cơ hội phát triển cũng mang đến nhiều thách thức trong hiện tại và tương lai; đặc biệt xu thế tội phạm mạng, tấn công mạng đang ngày càng gia tăng cả về quy mô và mức độ tinh vi, phức tạp vào các hệ thống hạ tầng thông tin quan trọng của quốc gia, trong đó có hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam. “Vì vậy, ngay từ khi triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, BHXH Việt Nam luôn bám sát Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, cũng như xác định cấp độ của các hệ thống để thực hiện phương án bảo đảm an toàn phù hợp”- Phó Tổng Giám đốc nói.
Hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong top các nước bị lây nhiễm mã độc rất cao, gây ra những rủi ro lớn. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn về tương quan lực lượng và năng lực giữa tội phạm mạng và đội ngũ phòng thủ, lực lượng cán bộ ATTT trong Ngành còn ít và bị động khi đối phó với các sự cố; đồng thời quy trình hành động khi xảy ra các cuộc tấn công mạng còn chưa đầy đủ và hoàn hiện. “Do đó, việc triển khai các hoạt động, nội dung nhằm nâng cao nhận thức về tình hình ATTT cho các CCVC trong Ngành là rất quan trọng”- Phó Tổng Giám đốc chia sẻ thêm.
Giới thiệu ứng dụng chữ ký số trong co quan nhà nước
Hội nghị là dịp để đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành BHXH tăng cường trao đổi, cập nhật tình hình, phương thức phòng chống tấn công mạng, đảm bảo ATTT mạng; đồng thời vận dụng những kỹ năng, kiến thức đã tiếp nhận được góp phần giải quyết những tình huống, sẵn sàng ứng cứu các sự cố do tấn công mạng gây ra đối với hạ tầng thông tin do đơn vị quản lý, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng trước các cuộc tấn công mạng, bảo vệ hệ thống mạng, hạ tầng thông tin trong toàn Ngành.
Đề cập về tổng quan tình hình ATTT ngành BHXH, ông Lê Vũ Toàn- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) cho biết, trong thời gian qua, lãnh đạo Ngành luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt thực hiện công tác bảo đảm ATTT trong toàn Ngành. Điều đó được thể hiện qua việc BHXH Việt Nam đã xây dựng, ban hành các quy chế, quy định về bảo đảm ATTT, như: Quyết định số 836/QĐ-BHXH về việc ban hành quy định thiết kế hệ thống hạ tầng thông tin ngành BHXH; Kế hoạch số 3280/KH-BHXH ứng phó sự cố bảo đảm ATTT mạng trong ngành BHXH Việt Nam; Quyết định số 1337/QĐ-CNTT về việc phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin; Quyết định số 967/QĐ-BHXH về việc ban hành quy chế bảo đảm ATTT trong ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam… Đồng thời, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực CNTT và đảm bảo ATTT tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng cho CCVC trong Ngành cũng như diễn tập, ứng cứu kịp thời các sự cố ATTT mạng.
Cũng theo ông Toàn, hiện nay, BHXH Việt Nam đang triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo ATTT mạng tại trung tâm dữ liệu Ngành và tại BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cụ thể, tại trung tâm dữ liệu Ngành được trang bị hệ thống tường lửa, các hệ thống quản lý tài khoản đặc quyền, xác thực truy cập, rà quét lỗ hổng bảo mật và hệ thống phòng chống tấn công mạng. Tại BHXH các tỉnh, huyện tổ chức bảo đảm ATTT bằng các hệ thống tường lửa lớp biên, lớp lõi; hệ thống Web Proxy, Anti-Virus… cũng đang mang lại những hiệu quả tích cực trong việc bảo đảm ATTT.
Theo báo cáo, thời gian qua, đã có gần 2,4 triệu cuộc dò quét điểm yếu hệ thống Cơ sở dữ liệu của Ngành được ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, phát hiện, ngăn chặn 11.291 mã độc tấn công tầng Network và hơn 6.800 mã độc tấn công vào hệ thống; phát hiện 29.097 thư điện tử có virus trên hệ thống… Thời gian tới, Trung tâm CNTT sẽ đóng vai trò tham mưu cho lãnh đạo Ngành chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng công tác ATTT mạng bằng các phương tiện, phần mềm có chất lượng cao như: Giải pháp Web Isolate; giải pháp phòng chống APT trên thiết bị tường lửa; triển khai giải pháp Anti-Virus tập trung đợt 2…
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu sẽ được nghe các chuyên gia đến từ các đơn vị nghiệp vụ của Bộ TT-TT, Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục ATTT, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm về nhiều chủ đề liên quan tới công tác đảm bảo ATTT mạng, như: Một số vấn đề triển khai Luật An ninh mạng; kinh nghiệm triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin; triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan nhà nước; bảo đảm an ninh mạng trong tình hình hiện nay, các phương thức thủ đoạn và bảo vệ các hệ thống thông tin; Luật An ninh mạng và quy định bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; các nguy cơ mất an toàn và biện pháp phòng chống, ứng cứu sự cố ATTT mạng; bảo đảm ATTT cho Chính phủ điện tử…

Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 18-19/11/2019.

T.Quyên

 

 

Từ khóa: