Xã hội
BHXH Việt Nam: Thu trên 68.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2018
11:59 AM 28/03/2018
(LĐXH) - Lũy kế 3 tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thu 68.718 tỷ đồng. Trong đó, thu bảo hiểm xã hội là 48.209 tỷ đồng; thu bảo hiểm thất nghiệp là 3.245 tỷ đồng; thu bảo hiểm y tế là 17.264 tỷ đồng.
Chiều 27/3, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 3/2018. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Trong tháng 3/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,68 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,8 triệu người; BHYT là 80,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Đào Việt Ánh phát biểu tại Hội nghị
Về số thu, trong tháng 3, BHXH Việt Nam đã thu đạt 30.779 tỷ đồng; lũy kế 3 tháng đầu năm 2018, toàn Ngành thu 68.718 tỷ đồng, trong đó thu BHXH là 48.209 tỷ đồng; thu BHTN là 3.245 tỷ đồng; thu BHYT là 17.264 tỷ đồng.
Lũy kế đến hết tháng 3/2018, số chi BHXH, BHYT, BHTN trong toàn Ngành là 68.279 tỷ đồng. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách là 11.073 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH đạt 34.472 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN đạt 1.732 tỷ đồng và ước chi khám chữa bệnh BHYT đạt 21.002 tỷ đồng.
Trong tháng 3, BHXH Việt Nam đã giải quyết các chế độ BHXH cho 879.155 lượt người. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2018 đã giải quyết cho hơn 2,1 triệu lượt người. Trong đó, có 28.306 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 125.382 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 2.039.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Phó Chánh văn phòng BHXH Việt Nam thông tin về việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam còn phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 26.195 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 2.060 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Lũy kế 3 tháng đầu năm, giải quyết cho 81.068 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 5.345 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Về đóng BHXH cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người Việt Nam đi lao động nước ngoài, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết), khoản 2 Điều 2 Luật BHXH quy định: Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ tiền đóng BHXH. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề xuất sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp giải thể, phá sản thì tiền đóng BHXH được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác.
Cũng theo đại diện BHXH Việt Nam, tính đến thời điểm cuối tháng 3, BHYT đã chi trả cho 24,775 triệu lượt KCB, trong đó số lượt ngoại trú chiếm 91%, nội trú chiếm 9%, với tổng số tiền là 12.577 tỷ đồng, vượt khoảng 18% quỹ KCB BHYT được sử dụng. Như vậy tổng chi ngoại trú chiếm khoảng 40,3%, số chi nội trú chiếm khoảng 59,7%. Tổng số cơ sở ký hợp đồng trực tiếp trên Hệ thống thông tin giám định BHYT (tính đến thời điểm 26/03/2017) là 2.316 cơ sở.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo thống kê, tính đến ngày 21/3/2018, hệ thống thông tin giám định BHYT cũng đã tiếp nhận 33,48 triệu lượt khám chữa bệnh; chi phí đề nghị thanh toán 16.462 tỷ đồng, tăng 14,59% so với cùng kỳ năm 2017; chi khám chữa bệnh BHYT tăng 18,69%.
Hiện nay, theo dữ liệu trên Hệ thống giám sát của BHXH Việt Nam đã có 63/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt quỹ KCB được sử dụng. Trong đó, 9 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng vượt quỹ KCB khoảng 30% gồm: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long. Theo thống kê của Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc,  nhiều cơ sở KCB chưa thực hiện liên thông dữ liệu hàng ngày, nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh chỉ gửi dữ liệu đề nghị thanh toán vào cuối tháng. Một số cơ sở KCB có chi phí KCB lớn tại Hà Nội, Hồ Chí Minh gửi dữ liệu thiếu so với thực tế phát sinh, có bệnh viện dữ liệu gửi chỉ đạt khoảng 40% so với thực tế phát sinh.

Hà Giang

 

Từ khóa: