Bình Định nỗ lực giảm thiểu tai nạn lao động, đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho người lao động
(LĐXH)-Thời gian qua, tỉnh Bình Định thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp phát huy tinh thần tự giác, chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy, quy định, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng đầy đủ các trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra…
Theo báo cáo của 121 doanh nghiệp trong khu vực có quan hệ lao động, năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra 125 vụ tai nạn lao động làm bị thương và chết 127 người, trong đó chết 05 người (tăng 02 người so với năm 2018), bị thương nặng 9 người (giảm 3 người so với năm 2018).
Trong khu vực không quan hệ lao động, theo báo cáo của 11 huyện, thị xã, thành phố, năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ tai nạn lao động (trong đó có 01 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 01 người).
Mặc dù số vụ tai nạn lao động trong năm 2019 giảm so với năm 2018 là 24 vụ song số vụ tai nạn chết người lại tăng; công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đến với người lao động chưa được thường xuyên.
Phân tích cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn chủ yếu do nhận thức của một bộ phận không nhỏ các cấp, các ngành về công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) chưa được quan tâm đúng mức. Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều kiện sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp cho nên kinh phí triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ quá ít dẫn đến chất lượng hiệu quả chưa cao...
Mặt khác, bản thân người lao động do những khó khăn về kinh tế nên họ sẵn sàng làm việc trong bất cứ điều kiện, môi trường làm việc nào miễn là có thu nhập; nhận thức của người lao động về sự nguy hiểm và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của môi trường làm việc còn nhiều hạn chế, mặt khác sự thiếu thông tin cũng là một nguyên nhân, mà việc thiếu thông tin này có thể do các doanh nghiệp không thông báo chính xác về điều kiện, yêu cầu làm việc cũng như các cơ quan chức năng không thông báo kịp thời. Người lao động cũng do chủ quan, chạy theo năng suất nên đã vi phạm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích các phương tiện bảo vệ cá nhân trong những điều kiện làm việc cần phải bảo hộ, hoặc người lao động không tuân thủ quy trình biện pháp làm việc an toàn, chưa được huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Bên cạn đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp còn ít nên chưa có tính răn đe mạnh đối với các doanh nghiệp vi phạm. Công tác khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ quản lý hồ sơ sức khỏe của người lao động còn chưa được thực hiện tốt, việc huấn luyện sơ cấp cứu tại nơi làm việc cho người lao động và trang bị phương tiện sơ cứu cấp cứu tại chỗ còn thiếu và chưa được thực hiện nghiêm túc.
Nhằm hạn chế các vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra trong quá trình lao động trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định – cơ quan trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn lao động sẽ tập trung triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Theo đó, tiếp tục phối hợp với báo, đài phát thanh, truyền hình địa phương thường xuyên thông tin đến người sử dụng lao động và người lao động được biết về các chế độ, chính sách liên quan đến ATVSLĐ, các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trong làm việc, cải thiện điều kiện lao động.
Sở sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ của các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể cấp tỉnh, huyện và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ cấp xã. Đồng thời, tổ chức các lớp tuyên truyền, tư vấn pháp luật về Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành cho người quản lý phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và cán bộ Công đoàn trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Sở triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm; đặc biệt là đối tượng lao động không có hợp đồng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Sở cũng quan tâm hướng dẫn các doanh nghiệp khai báo máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ./.
Mỹ Hằng
Từ khóa:
-
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
03-01-2025 12:03 18
-
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
10-01-2025 11:07 44
-
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
07-01-2025 20:37 46
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
12-12-2024 15:34 57
-
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
30-12-2024 15:09 04
-
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
27-12-2024 14:32 31
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46