Xã hội
Bình Định: Thực hiện hiệu quả nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo
03:24 PM 28/09/2023
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định đã chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện.
Với số vốn được phân bổ, tỉnh Bình Định sẽ tập trung phát triển hạ tầng khu vực miền núi và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất
Trong giai đoạn 2021- 2025, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Định là 933.782,5 triệu đồng (bao gồm cả vốn bổ sung Đề án huyện nghèo thoát nghèo theo Quyết định 880/QĐ-TTg), trong đó: Ngân sách Trung ương: 756.884 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển, kinh phí 348.396 triệu đồng; vốn sự nghiệp, kinh phí 408.488 triệu đồng); Ngân sách đối ứng của địa phương: 97.427 triệu đồng (đối ứng vốn đầu tư phát triển, kinh phí 50.592,4 triệu đồng; đối ứng vốn sự nghiệp, kinh phí 46.835,5 triệu đồng) và nguồn huy động: 79.470,7 triệu đồng (đầu tư phát triển, kinh phí 21.153,3 triệu đồng; sự nghiệp, kinh phí 58.317,4 triệu đồng).
Tổng kinh phí đã giải ngân tính đến tháng 8/2023 là 120.012,4 đồng, đạt 28,77% kế hoạch vốn (vốn trung ương và đối ứng địa phương: 118.110,1 đồng, đạt 28,45% kế hoạch vốn phân bổ, huy động 1.902,3 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn). Trong đó: Ngân sách Trung ương đã giải ngân 112.799,7 triệu đồng, đạt 30,25% kế hoạch vốn phân bổ (vốn đầu tư phát triển đã giải ngân 74.430,5 triệu đồng, đạt 36,61%, vốn sự nghiệp đã giải ngân 38.369,2 triệu đồng, đạt 22,61%); Vốn đối ứng của tỉnh đã giải ngân 5.310,4 triệu đồng, đạt 12,58% kế hoạch vốn phân bổ (vốn đầu tư phát triển đã giải ngân 4.971,4 triệu đồng, đạt 17,24%; vốn sự nghiệp 339 triệu đồng, đạt 2,5%); Các nguồn vốn hợp pháp khác: 1.902,3 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định, nguồn vốn được phân bổ theo cơ chế bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý, tạo quyền chủ động cho các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Ưu tiên bố trí vốn cho địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; số hộ nghèo, hộ cận nghèo cao góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các địa bàn trong toàn tỉnh. Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ nguồn vốn của Chương trình.
Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đảm bảo tỷ lệ vốn góp, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Người dân, đối tượng thụ hưởng khi tham gia dự án cùng tham gia đóng góp vốn đối ứng bằng tiền, hiện vật, ngày công để tăng tính trách nhiệm, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được hỗ trợ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Bình Định cũng đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án, chính sách của Chương trình. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện chương trình. Thực hiện cơ chế đặt hàng xây dựng, hình thành, nhân rộng và phát triển dự án mô hình giảm nghèo nông nghiệp, phi nông nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo. Đảm bảo hiệu quả, đúng mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình... Khuyến khích thực hiện hỗ trợ dự án theo hình thức tổ nhóm do người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện tham gia, có đối ứng dự án (tiền, hiện vật, ngày công ...). Có cơ chế thu hồi, luân chuyển một phần kinh phí của Nhà nước để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Với sự quan tâm chỉ đạo, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Định đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022, toàn tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều 9,04% với 39.827 hộ, trong đó: Tổng số hộ nghèo là 19.805 hộ, chiếm tỷ lệ 4,5%; Tổng số hộ cận nghèo là 20.022 hộ, chiếm tỷ lệ 4,54%. Đối với huyện nghèo An Lão, có tỷ lệ nghèo đa chiều 43,47% với 4.127 hộ, trong đó tổng số hộ nghèo: 2.829 hộ, chiếm tỷ lệ 29,8%; Tổng số hộ cận nghèo: 1.298 hộ, chiếm tỷ lệ 13,67%. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo toàn tỉnh còn 7,24% với 31.899 hộ, giảm 1,8% so với năm 2022 (7.928 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo), trong đó: Tổng số hộ nghèo: 15.679 hộ, tỷ lệ 3,56%; Tổng số hộ cận nghèo: 16.220 hộ, tỷ lệ 3,68%. Huyện nghèo An Lão còn tỷ lệ nghèo đa chiều 33,57 % với 3.187 hộ, giảm 9,9% so với năm 2022, trong đó: Tổng số hộ nghèo: 2.345 hộ, tỷ lệ 24,7%; Tổng số hộ cận nghèo: 842 hộ, tỷ lệ 8,87%.
Trên cơ sở kết quả đạt được, tỉnh Bình Định đặt ra mục tiêu thời gian tới là thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều. Tỉnh sẽ tích cực kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các Dự án giảm nghèo đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Riêng UBND huyện An Lão đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã bố trí cụ thể từng danh mục và thực hiện các hoạt động duy tu bảo dưỡng theo quy định, góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững mà tỉnh đã đặt ra./.
Thu Hương
 
Từ khóa: