Xã hội
Bình Định: Triển khai công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024-2025
03:07 PM 05/05/2024
(LĐXH) - Nhằm tạo đột phá công tác giảm nghèo bền vững, sáng 04/5/2024, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025. Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Văn Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, lãnh đạo các địa phương của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo. Sở LĐTBXH là cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo về Chương trình MTQG về giảm nghèo đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động, đề xuất triển khai cụ thể từng dự án, chính sách của Chương trình.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Từ đó, giúp cho nhân dân, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của các chủ trương, chính sách giảm nghèo, nỗ lực phấn đấu lao động sản xuất từng bước tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng với chính quyền các cấp đã tập trung tuyên truyền và tham gia giám sát, đánh giá kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững tại cơ sở, phát hiện những tồn tại, hạn chế đề nghị các cơ quan, cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời cho người dân; huy động nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tham gia vào công tác giảm nghèo bền vững với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ cho tỉnh đến năm 2023 là 415.157 triệu đồng. Tính đến hết năm 2023, tỉnh Bình Định đã thực hiện giải ngân được 158.081,9 triệu đồng, đạt 38,77% kế hoạch vốn.
Qua 3 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững, đời sống của nhân dân tại các vùng nghèo, vùng khó khăn đã được cải thiện nâng cao, đã có 26.792 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin. Kết quả đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh chiếm 6,15% với 27.160 hộ nghèo, hộ cận nghèo, giảm 2,89% tỷ lệ nghèo đa chiều với 12.667 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước (tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cuối năm 2023 còn 3,13% so với cả nước là 2,93%); và chưa đạt theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là giảm 1,5% - 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão vẫn còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi là 20,68%).
Tham luận tại hội nghị, nhiều đại biểu là lãnh đạo các địa phương, sở ngành đã chia sẻ những giải pháp giảm nghèo bền vững; hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần giảm nghèo bền vững; tín dụng chính sách giúp người nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo; giới thiệu một số mô hình, điển hình trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững... Đồng thời, các đại biểu đã đề xuất những nội dung, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình trong thời gian tới.
Tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, các cấp chính quyền trong triển khai công tác giảm nghèo thời gian qua; đồng thời khẳng định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân. Quan điểm về công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2024-2025 là phải quyết liệt, triệt để, chi tiết, cụ thể các giải pháp trên cơ sở nhận diện các nguyên nhân nghèo. Trách nhiệm của các cơ quan, các địa phương là phải bám sát các giải pháp đã đề ra, xây dựng kế hoạch cụ thể, có phân kỳ cho từng đầu việc một, có báo cáo tiến độ cho từng tháng, từng quý. Cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, trong đó chủ trì là Sở LĐTBXH. Ngân hàng CSXH đồng hành cùng với các địa phương tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn tỉnh về vốn vay.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia công tác giảm nghèo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nỗ lực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch giảm nghèo. Nâng cao vai trò của người dân, cộng đồng dân cư trong việc giám sát tình hình thực hiện các chương trình MTQG nhằm phát huy sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Chương trình. Cùng với đó, tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Bình Định đã trao Bằng khen khen thưởng đối với 11 tập thể và 15 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023, đồng thời góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới./.
Hồng Phượng
 
 
Từ khóa: