Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao thành tích của Trung tâm Lao động ngoài nước trong năm 2019
(LĐXH) Sáng ngày 20/12/2019, tại Trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Lao động ngoài nước đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Bộ và toàn thể cán bộ, viên chức Trung tâm.
Báo cáo tổng kết năm 2019, đồng chí Hà Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước nhấn mạnh, trong điều kiện nền kinh tế xã hội vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Bộ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo Bộ, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị có liên quan, tập thể cán bộ, viên chức của Trung tâm Lao động ngoài nước đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác năm 2019 đã đề ra. Đối với việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn, Trung tâm đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch, một số nhiệm vụ vượt chỉ tiêu như: Chương trình EPS xuất cảnh đạt 156,2%; Chương trình IM Japan xuất cảnh đạt 133,8%; Chương trình điều dưỡng Đức xuất cảnh đạt 104%. Các Chương trình được triển khai ngày càng công khai, minh bạch thông qua việc thông tin, truyền thông kịp thời, đầy đủ; thủ tục hành chính được cải cách, thuận lợi cho người lao động; xử lý kiên quyết những trường hợp lao động có dấu hiệu môi giới, trung gian, gian lận khi dự thi tiếng Hàn hoặc thi chương trình IM Japan... nên trong 3 năm qua, nhất là năm 2019 không có đơn thư khiếu nại của người lao động.
Các chương trình đào tạo điều dưỡng viên (hợp tác với Đức), chương trình đưa thực tập sinh của Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản từng bước ổn định, chất lượng tuyển chọn được nâng cao; quy trình tuyển chọn từng bước được hoàn thiện; công tác thông tin, tuyền truyền về các chương trình được triển khai đồng bộ, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trung tâm đã phối hợp tổ chức thành công các kỳ thi tiếng Hàn và đánh giá năng lực dành cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc không để xảy ra sai sót, không phát hiện tiêu cực. Công tác xử lý hồ sơ, nhập thông tin máy tính, rà soát hồ sơ không đạt điều kiện được triển khai kịp thời, chính xác, đầy đủ. Tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của Chương trình EPS đều đã giảm mạnh, đạt và vượt cao so với chỉ tiêu, kế hoạch đã thống nhất với phía Hàn Quốc: tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm còn 19,87% (trong khi cam kết giảm là 30%); số lao động cư trú bất hợp pháp trong năm giảm 1.896 người, đạt và vượt 122,5% chỉ tiêu (số cam kết giảm trong năm 2019 là 1.548 người).
Bên cạnh đó, công tác đào tạo đã có những chuyến biến rõ rệt, hệ thống các bài giảng, giáo trình, giáo án được chuẩn bị bài bản, chu đáo trước mỗi giờ giảng; đội ngũ giáo viên Việt Nam và người nước ngoài nhiệt tình, tâm huyết, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo tiếng và bồi dưỡng kiến thức cần thiết được hầu hết các đối tác và các công ty tiếp nhận đánh giá cao. Quy trình quản lý, tổ chức xuất cảnh ngày càng chặt chẽ, kịp thời phát hiện những tiêu cực, vi phạm từ phía người lao động như tráo người, sử dụng hộ chiếu giả, bỏ trốn ngay tại sân bay của Hàn Quốc,... Văn phòng Quản lý lao động đã kịp thời nắm bắt thông tin người lao động tại Hàn Quốc, các sự việc phát sinh để đề xuất phối hợp nhanh chóng, hiệu quả. Công tác hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động và thực tập sinh về nước đã mang lại hiệu quả thiết thực, số người lao động về nước được giới thiệu việc làm với thu nhập ổn định ngày một tăng, giúp người lao động có thể lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương nơi người lao động cư trú. Trong số những lao động hoàn thành Chương trình về nước đã có không ít người thành công trong việc phát triển sự nghiệp tại Việt Nam. Năm 2019, số lượng người lao động hết hạn hợp đồng, nộp hồ sơ rút tiền ký quỹ tăng cao (gấp gần 07 lần so với năm 2018), tuy nhiên, thời gian thanh lý hợp đồng đã từng bước được rút ngắn, công tác tiếp nhận, rà soát và kiểm định thông tin tiếp tục được hoàn thiện và chuẩn hóa.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính được Trung tâm tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đạt hiệu quả thiết thực, mọi thủ tục, giấy tở, văn bản liên quan đến công tác tuyển chọn, đào tạo, phái cử đều được công nghệ hóa, công khai thông báo trên trang website của Trung tâm; công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Trung tâm tại Trụ sở chính và tất cả các Cơ sở đào tạo của Trung tâm được thực hiện thông qua hệ thống Webcam trực tuyến 24/24h; ứng dụng hệ thống chấm công tự động đối với cán bộ, viên chức của Trung tâm; vận hành hệ thống ứng dụng APP kết nối trực tuyến với người lao động nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người lao động trong những trường hợp khẩn cấp, người lao động cần được trợ giúp.
Nhờ những nỗ lực kể trên, quan hệ hợp tác giữa Trung tâm và các đối tác HRD Korea, IM Japan, Vivantes ngày càng được củng cố, tốt đẹp; Trung tâm và các Văn phòng Đại điện thường xuyên trao đổi, định kỳ họp triển khai công tác phối hợp. Khi có vấn đề phát sinh, các bên trao đổi kịp thời, thẳng thắn, cùng thảo luận để tìm hướng giải quyết thỏa đáng các vấn đề phát sinh. Đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động của trung tâm đoàn kết, cố gắng, tận tâm, trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao; tình hình nội bộ trung tâm từng bước ổn định; công tác đảng, đoàn thể được triển khai toàn diện và đạt kết quả thiết thực.Sau khi lắng nghe báo cáo công tác năm 2019 của Trung tâm Lao động ngoài nước và ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả mà Trung tâm đã đạt được trong năm 2019, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao. Chất lượng các chương trình có chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là chương trình EPS có nhiều người đăng ký dự thi và tỷ lệ chọi cao, tỉ lệ bỏ trốn ở lại Hàn Quốc theo Chương trình EPS giảm mạnh. Trung tâm đã chú trọng đổi mới khâu quản trị, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, phổ biến các chương trình, chính sách dành cho lao động tham gia các chương trình lao động ngoài nước. Chỉ số hài lòng của người thụ hưởng, đối tác và doanh nghiệp tương đối cao. Đặc biệt, Bộ trưởng đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong nội bộ Trung tâm, đoàn kết hơn, phong cách lãnh đạo thay đổi theo chiều hướng tích cực, phân bố và quản lý vai trò, trách nhiệm cho lực lượng cán bộ, công nhân viên chức đông đảo một cách công khai, minh bạch. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần cho những thành công mà Trung tâm Lao động ngoài nước đã đạt được trong năm 2019.
Thêm vào đó, Trung tâm Lao động ngoài nước cũng cần kết hợp chặt chẽ với Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng chương trình giúp đỡ đối tượng lao động trở về Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng, chủ động kết nối với những người lao động này, trong trường hợp cần thiết có thể đào tạo lại, giới thiệu họ với các doanh nghiệp trong địa bàn, tránh trường hợp người lao động khi trở về nước lâm vào tình trạng thất nghiệp, không được quan tâm, chú ý. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc quản lý người lao động trong cả quá trình từ khi tuyển chọn, đào tạo, đưa họ đi nước ngoài và trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng để dễ dàng nắm bắt hồ sơ, thông tin người lao động, tạo điều kiện tốt nhất để họ có việc làm ổn định, đảm bảo chất lượng cuộc sống. Tiếp tục chăm lo, xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lao động xuất khẩu để sớm đồng bộ hóa với các chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cải thiện chất lượng nhân lực ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào. Bộ trưởng cũng chỉ đạo giao cho Vụ Kế hoạch tài chính phối hợp với Trung tâm để sớm nhất tháng 2/2020 có thể khởi công xây dựng Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lao động xuất khẩu tại Đông Anh.
Cuối cùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ tại Trung tâm, cần tăng cường hơn nữa gắn kết nội bộ giữa các đơn vị chức năng, tự chủ cán bộ và tổ chức, lựa chọn người giỏi, người tài theo đúng các chỉ tiêu đã đề ra. Đánh giá cán bộ công tâm, khách quan, dân chủ, đúng quy trình. Thủ trưởng đơn vị phải là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Bộ trưởng, đảm bảo công khai, minh bạch về tài chính, tự chủ về mặt tài chính, báo cáo các cơ quan chức năng có thẩm quyền về chính sách chi tiêu nội bộ để có các bổ sung, chỉnh sửa hợp lí.
Minh Ngọc
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48