Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Gắn xuất khẩu lao động với dạy nghề và việc làm
(LĐXH)- Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Cục Quản lý Lao động ngoài nước tổ chức vào chiều 08/01/2020.
Tham dự còn có đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức và người lao động của Cục.
Báo cáo kết quả công tác, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết: Năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp vượt mức 120.000 lao động/năm, nâng tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài lên khoảng 650 nghìn người tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Một số thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Một số thị trường ở Châu Âu có nhu cầu ngày càng cao trong việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam như: Nga, Rumani, CHLB Đức, Ba Lan, Latsvia, Áo...
Riêng đối với thị trường CHLB Đức, tính đến hết năm 2019, đã có hơn 1.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang Đức học tập và làm việc, được phía Đức đánh giá cao. Trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại CHLB Đức từ ngày 23 - 27/9/2019, phía Đức cho biết, Luật nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực từ ngày 01/03/2020, sẽ cho phép các doanh nghiệp Đức được tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài EU trong một số lĩnh vực như: xây dựng, điện, cơ khí, nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật y tế, điều dưỡng. Dự kiến trong năm 2020, Bộ Lao động - TBXH sẽ ký với cơ quan lao động của CHLB Đức Thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại CHLB Đức với 12 - 13 ngành nghề mà phía bạn đang có nhu cầu.
Nhiều doanh nghiệp phái cử Việt Nam đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, khai thác hợp đồng và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài
Về công tác cấp và cấp đổi giấy phép, trong năm, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy phép của 112 doanh nghiệp và đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ cấp mới cho 63 doanh nghiệp. Hiện tổng số doanh nghiệp phái cử Việt Nam có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là 421 doanh nghiệp.
Đặt lợi ích người lao động lên trên hết
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chúc mừng và đánh giá cao những kết quả mà toàn thể cán bộ, công chức và người lao động Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã đạt được trong năm 2019 như: số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm tiếp tục tăng cao hơn so với năm trước; số doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được phát triển; tỷ lệ lao động ở lại cư trú bất hợp pháp giảm đáng kể;công tác thanh tra, kiểm tra tốt, số lượng doanh nghiệp vi phạm giảm so với 2018; thị trường và ngành nghề tiếp nhận lao động ngoài nước tiếp tục được củng cố và mở rộng…
Liên quan đến xây dựng thể chế, Cục cần tập trung cao cho việc hoàn thiện Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời sửa đổi quy định về hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nuớc theo hướng đào tạo, bồi dưỡng hỗ trợ doanh nghiệp.
"Tăng cường công tác hậu kiểm gắn với đó là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý phát sinh liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Gắn xuất khẩu lao động với dạy nghề và việc làm. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính nhằm minh bạch hóa các điều kiện cấp giấy phép. Đặc biệt là phải đặt lợi ích người lao động lên trên hết" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Trần Thắng
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48