Thời sự
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Toàn ngành đã quyết tâm rất cao với nhiều cách làm sáng tạo
06:37 AM 05/08/2022
(LĐXH)- “Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, song với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, toàn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã nỗ lực rất lớn, với quyết tâm cao bằng những cách làm sáng tạo để hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ, trọng trách trong 7 tháng qua” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đánh giá.
Chiều ngày 04/8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị giao ban tháng 8 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị. Tham dự có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Văn Hồi cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. 
Phổ quát khá tốt các chính sách an sinh xã hội
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong 7 tháng năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Quang cảnh hội nghị
Cụ thể, đối với các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tính đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành gần 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho trên 728 nghìn lượt người sử dụng lao động, gần 50 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Riêng Nghị quyết số 68/NQ-CP đã hỗ trợ tổng kinh phí là trên 43,7 nghìn tỷ đồng cho 381,6 nghìn lượt người sử dụng lao động, trên 36,97 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, có 37 địa phương đã giải ngân hỗ trợ gần 479 tỷ đồng (bằng 7,26% tổng kinh phí dự kiến) cho gần 718.400 lao động.
Trong 7 tháng năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình 05 đề án theo tiến độ được giao, gồm 02 Nghị định, 03 quyết định (Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 quyết định).
Về lĩnh vực lao động việc làm, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 51,4 triệu người. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm là 50,3 triệu người. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ước đạt 66,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao một số kết quả hoạt động của ngành
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhận xét: Thời gian qua chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh quốc tế diễn phức tạp, nhiều vấn đề khó lường cùng khó khăn trong nước đã ảnh hưởng đến lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, toàn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã nỗ lực rất lớn, với quyết tâm cao bằng những cách làm sáng tạo để hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ, trọng trách trong 7 tháng qua.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản tham mưu cấp Chính phủ, Trung ương cơ bản hoàn thành, ban hành được một số văn bản tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong giải quyết chính sách. Các chính sách được Bộ triển khai thời gian vừa qua đem lại hiệu quả rất lớn, thiết thực cho người dân. Từ Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, đến các chính sách hỗ trợ gạo, cứu trợ đột xuất… để thấy được chính sách ban hành rất kịp thời và xử lý linh hoạt. Cùng với đó, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ. Về cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định, có thiếu cục bộ nhưng không nhiều.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phạm Quang Phụng báo cáo kết quả công tác 7 tháng năm 2022
“Đặc biệt, các chính sách an sinh xã hội được phổ quát khá tốt. Trong đó, các hoạt động kỷ niệm 75 ngày Thương binh - Liệt sĩ được tổ chức sâu rộng, thiết thực, trang trọng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc; huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung tay chăm lo chu đáo cho các đối tượng người có công và được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Lần đầu tiên các cơ sở nuôi dưỡng người có công được phân công các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, tặng quà. Công tác sửa sang bia mộ, nơi thờ tự cũng được quan tâm thực hiện tốt” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như giảm nghèo được triển khai bài bản, người cao tuổi, trẻ em, bình đẳng giới, các đối tượng yếu thế được chăm lo chu đáo. Hoạt động của các cục, vụ, thanh tra Bộ, đơn vị sự nghiệp, đơn vị báo chí, các trường, bệnh viện… có nhiều nỗ lực.
Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi trao đổi về lĩnh vực người có công
Nhận thức của các đơn vị về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã có những chuyển biến ban đầu theo chiều hướng tích cực, nhất là trong việc thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ, trong đó Bộ đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu trẻ em với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể được duy trì tốt. Phân cấp phân quyền đang được đánh giá, chú trọng hơn. Vai trò của công tác kiểm tra, giám sát ngày càng quan trọng.
Công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan báo chí, Tạp chí của ngành có nhiều đổi mới và tiến bộ…
Tập chung cao độ phát triển thị trường lao động
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý các đơn vị về tình hình xây dựng thể chế, chính sách còn chậm, việc “thay tên đổi họ”, xin bổ sung, rút văn bản còn nhiều. Một số nhiệm vụ triển khai hiệu quả chưa cao như chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà tại các khu vực công nghiệp, khu chế xuất. Đến nay, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động ở nhiều địa phương vẫn còn chậm, mới đạt 5,4% so với dự kiến nhu cầu hỗ trợ. Hiện vẫn còn 29 địa phương chưa giải ngân được đồng nào.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Hà Xuân Tùng phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Công tác chăm lo cho trẻ em cần được toàn diện hơn, không chỉ ăn no, mặc ấm cho các cháu mà còn là vấn đề không gian, đời sống tinh thần. Tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, trẻ em tử vong vì sự vô cảm, vì sự xuống cấp của đạo đức xã hội ở một số đối tượng vẫn còn diễn ra. Mặc dù việc tuyên truyền, tổ chức hội thảo nhiều, nhưng tỉ lệ trẻ bị bạo hành, đuối nước chưa giảm.
Cùng với đó, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Công tác phối hợp giữa nhà thầu và chủ đầu tư chưa tốt, chưa quyết liệt. Còn tình trạng gây khó dễ cho nhà thầu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn, lao động thiếu ở một số địa bàn, thiếu cục bộ ở một số ngành. Trong năm nay lực lượng lao động nhảy việc tương đối nhiều, hầu hết tình trạng nhảy việc xảy ra liên quan đến thu nhập thấp. Người lao động có quyền lựa chọn môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập tốt hơn. Lực lượng lao động có điều chỉnh, trở về làm việc ở quê hương nhiều hơn, gắn với gia đình.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam thông tin về giải pháp hạn chế tình trạng đuối nước và bạo hành trẻ em
Về nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các đơn vị rà soát lại 5 nhiệm vụ trọng tâm, 19 chỉ tiêu, 15 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 73 nhiệm vụ cụ thể theo Quyết định số 18/QĐ-LĐTBXH ngày 10/01/2022 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, tập trung toàn lực vào thực hiện 3 văn bản cần hoàn thiện, gồm: Nghị quyết Trung ương 7, khóa XIII về chính sách xã hội 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và Hồ sơ sửa đổi Luật Việc làm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, chúng ta phải tập trung cao độ phát triển thị trường lao đông. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và đặt nền móng cho vấn đề lao đông trong nhiệm kỳ này. Trước mắt, từ nay đến cuối tháng 8 chuẩn bị tốt Diễn đàn quốc gia về việc làm, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Đây là cơ hội thể hiện và truyền tải thông điệp về tranh thủ lợi thế dân số vàng để đạt được các mục tiêu đột phá.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các đơn vị tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Trình phê duyệt, tổ chức triển khai 03 quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức lập theo Luật Quy hoạch gồm: hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; cơ sở trợ giúp xã hội; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, tập trung cải cách thể chế và phát triển thị trường lao động và chiến lược phát triển nhân lực, giảm nghèo; xây dựng chính sách an sinh xã hội và tập trung thực hiện chuyển đổi số, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy…

Trần Thắng

 

Từ khóa: