Lao động
Cà Mau: Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay giải quyết việc làm
02:38 PM 14/12/2022
(LĐXH) - Những năm qua, nhằm góp phần giữ ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều biện pháp giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Một trong những biện pháp thiết thực đó là tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích người nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Là đơn vị giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Cà Mau luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng. Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền những ưu đãi của nguồn vốn vay đến người dân, ngân hàng CSXH tỉnh Cà Mau còn tiến hành thẩm định, giải ngân cho vay thuận lợi, nhanh chóng các dự án vay vốn. Cùng với các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, nước sạch, vệ sinh môi trường..., hàng trăm tỷ đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
Mô hình nuôi tom càng xanh giống tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau
Giai đoạn 2016 – 2021, nguồn vốn nhận uỷ thác tại địa phương chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện 03 chương trình cho vay là: cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài đi làm việc theo hợp đồng và cho các hộ trong khu dịch vụ làng nghề khu du lịch đất Mũi vay vốn để xây dựng nhà ở với tổng số 1.875 hộ được vay vốn với số tiền 236.712 triệu đồng. Tính đến 31/12/2021, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh là 175.148 triệu đồng với 5.824 lượt khách hàng còn dư nợ, bao gồm chương trình cho vay giải quyết việc làm là 161.248 triệu đồng với 5.510 lượt khách hàng còn dư nợ; Dư nợ cho vay người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng là 9.259 triệu đồng với 259 khách hàng; Dư nợ chương trình cho vay nhà ở khu du lịch Dịch vụ làng nghề Đất Mũi là 4.601 triệu đồng với 50 lượt khách hàng.
Nhìn chung, nguồn vốn vay đã góp phần tạo việc làm mới và tăng thêm việc làm  cho người lao động; hỗ trợ người lao động, người thất nghiệp, người thiếu việc làm tự tạo việc làm tại địa phương. Qua đó, từng bước nâng cao điều kiện sống của những hộ có thu nhập thấp; góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã nông thôn mới, đặc biệt là tại các xã vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thu hẹp khoảng cạch chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa người nghèo và cộng đồng dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, thúc đẩy nhanh kết quả hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thủ tục cho vay ngày càng đơn giản hoá nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc an toàn tín dụng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi bố trí kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển sản xuất, chăn nuôi, đầu tư các ngành nghề có thế mạnh của địa phương. Thông qua việc vay vốn và đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, người nghèo và các đối tượng chính sách khác được làm quen với sản xuất hàng hoá; có điều kiện tiếp cận và áp dụng KHKT về trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến, nâng cao năng lực sử dụng nguồn vốn đẻ nâng cao trình độ quản lý kinh tế cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Thông qua guồn vốn vay, đã có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi cá sấu tại huyện U Minh, mô hình nuôi tôm càng tại huyện Thới Bình; nuôi sò tại huyện Cái Nước; trồng hoa màu tại huyện Phú Tân và kinh doanh mặt hàng lưu niệm, hàng thuỷ, hải sản phục vụ du lịch tại Khu du lịch Làng Nghề, Khu du lịch Đất Mũi Cà Mau…
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Cà Mau cho biết, bám sát Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 của NHCSXH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng định hướng, kế hoạch hoạt động của NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh NHCSXH Cà Mau quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Theo đó, tỉnh phấn đấu mục tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; Nâng cao hiệu quả hoạt động tại điểm giao dịch xã, đồng thời tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của NHCSXH. Bên cạnh đó, phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hệ thống NHCSXH tỉnh trở thành một ngân hàng hiện đại, vừa làm tốt chức năng tín dụng ưu đãi của Nhà nước vừa phát triển nhiều dịch vụ tài chính đối với người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác.
Hà Giang
 
Từ khóa: