Xã hội
Các chương trình, hành động hướng tới những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em
10:21 AM 28/05/2020
(LĐXH) - Thực hiện Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em" từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019. Ngày 27/5/2020, Quốc hội nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Theo đó, kết quả giám sát cho thấy, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đạt được những kết quả quan trọng: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã hội nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em được tăng cường. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em được chú trọng; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em từng bước được củng cố, kiện toàn; Kinh phí bố trí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng từng bước được quan tâm hơn…

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, báo cáo của Đoàn giám sát đã đúc kết tổng hợp từ công tác giám sát rất nghiêm túc, khoa học, được tiếp thu, hoàn thiện kỹ lưỡng, đã cho thấy thực trạng thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em đặt trong tương quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mối quan hệ hợp tác quốc tế, cũng như trong tổng thể công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Báo cáo đã phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại và phân tích bối cảnh, tình hình mới, từ đó đề ra các giải pháp, khuyến nghị rất cụ thể với các cơ quan trong cả hệ thống cũng như với toàn xã hội. Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, các khuyến cáo của Đoàn giám sát, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Quốc hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, để trẻ em Việt Nam được sinh ra, được sống và trưởng thành trong một môi trường có điều kiện tốt nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Để trẻ em sẽ kế tiếp các lớp cha anh trở thành chủ nhân của đất nước, đưa đất nước phát triển như câu nói “con hơn cha là nhà có phúc” mà mọi người Việt Nam đều thuộc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Trẻ em Việt Nam được sinh ra, được sống và trưởng thành trong một môi trường có điều kiện tốt nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta và truyền thống tốt đẹp của dận tộc ta"

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập một số điểm vắn tắt mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan chú ý trong quá trình thực hiện công tác, đặc biệt là trong việc chuẩn bị Chương trình Hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030 như sau:

Thứ nhất là trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án cần đặc biệt chú trọng các chỉ số, các tiêu chí, các giải pháp liên quan tới chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở tất cả các bộ, ngành. Đặc biệt cần có các chương trình, đề án và dự án cụ thể đối với các vấn đề về giới và với trẻ em ở vùng núi, vùng dân tộc ít người và nhóm trẻ em yếu thế. Đối với công tác trẻ em cần đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục bên cạnh bảo vệ. Trong công tác bảo vệ cần đặc biệt chú trọng phòng xâm hại bên cạnh việc chống.

Thứ hai, từ yêu cầu phòng như nói trên thì cần tiếp cận theo mô hình quản lý rủi ro và đưa ra các quyết định, giải pháp dựa trên phân tích dữ liệu. Muốn vậy, cần phải xác định hệ thống hóa những nguy cơ và hình thành ngay cơ sở dữ liệu về trẻ em.

Thứ ba, cần phân tích những yếu tố có tính tập tục, thói quen không còn phù hợp. Ví dụ như là thói quen, yêu cho roi cho vọt, như là các đại biểu đã đề cập hay thói quen bao bọc trẻ em hơn mức cần thiết, từ đó dẫn tới hạn chế việc lắng nghe trẻ em, lắng nghe thì cũng nên nói. Bên cạnh đó, cần tập trung vào những tác động trái của công nghệ, của hội nhập như Internet, phim ảnh, du lịch… để có giải pháp bảo vệ trẻ em phù hợp.

Thứ tư, cần tăng cường sự phối hợp, không chỉ là phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng mà cần đặc biệt chú ý phối hợp với các tổ chức xã hội. Hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đều khắp không chỉ là của các cơ quan nhà nước mà của toàn xã hội.

Thứ năm, bên cạnh yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật, bảo vệ nạn nhân, những vụ việc đã được phát hiện, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để một mặt giảm thực chất các hành vi vi phạm xâm hại trẻ em. Mặt khác, tỷ lệ vụ việc vi phạm được tố giác xử lý phải được nâng lên. Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan hành chính, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm sát, Tòa án để mảng công tác này tiếp tục có những tiến bộ thực chất.

Điểm cuối là mặc dù pháp luật còn cần được tiếp tục hoàn thiện, các chương trình, đề án… cần được tiếp tục xây dựng như báo cáo đã khuyến nghị, nhưng quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Ngay trong giai đoạn thực hiện giám sát, bên cạnh Luật Trẻ em đã có 18 luật, 34 nghị định và chương trình, đề án cấp Chính phủ, cấp Thủ tướng Chính phủ và 32 văn bản của cấp bộ, ngành ban hành liên quan đến công tác trẻ em đã tương đối đầy đủ nên quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện và để thực hiện tốt thì những yếu tố như bộ máy ngân sách là rất quan trọng, nhưng quan trọng hàng đầu là nhận thức. Một khi người đứng đầu các cơ quan nhận thức sâu sắc, đầy đủ thì sẽ có giải pháp, sẽ ưu tiên nguồn lực. Vì vậy, các đề án, chương trình của Chính phủ tới đây phải xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan và nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu.

Thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững mà Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng với rất nhiều các chỉ tiêu, các tiêu chí liên quan tới trẻ em đạt mức cao hơn nhiều so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển. “Chúng ta không hài lòng đối với một số cơ quan, chính quyền chưa nhận thức tốt, chưa tập trung đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ trẻ em như báo cáo đã nêu. Nhưng chúng ta cũng không quên ghi nhận, tôn vinh phần đông các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành và rất nhiều cá nhân đã luôn nỗ lực dành cho công tác trẻ em nhiều tâm huyết”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả nhất nghị quyết giám sát mà Quốc hội sẽ ban hành và tin tưởng rằng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung, và công tác phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng nhất định sẽ đạt được kết quả tốt hơn, vững chắc hơn./.

 Trần Huyền

Từ khóa: