Xã hội
Vụ 'tu tiên' ở Đắk Lắk: Khi tâm linh thành mảnh đất màu mỡ cho lừa đảo
02:17 PM 25/02/2025
(LĐXH) - Chuyên gia tội phạm học cho biết, tín ngưỡng và tâm linh là chỗ dựa tinh thần của nhiều người, nhất là khi họ gặp khó khăn, mất mát. Kẻ gian lợi dụng điều này, giả danh thầy bói, pháp sư, người có "năng lực siêu nhiên" để thao túng tâm lý nạn nhân.

Chiêu trò “xuất hồn thành tiên” lừa hàng chục tỷ đồng

Liên quan đến vụ bắt vợ chồng lợi dụng tín ngưỡng lừa đảo gần 100 tỷ đồng, chiều 24/2, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan vợ chồng Nguyễn Anh Tuấn (39 tuổi), Nguyễn Thị Nhớ (37 tuổi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Cơ quan điều tra khám xét nơi ở của vợ chồng Tuấn và Nhớ.

Nhiều nạn nhân cho biết, để “tu tập đắc đạo”, họ được yêu cầu lên rừng núi tu hành theo hướng dẫn của vợ chồng Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Nhớ. Các đối tượng khẳng định, ai tu đúng cách sẽ “thành tiên, xuất hồn”, có thể sở hữu mọi thứ mà không cần lo lắng về vật chất.

Lợi dụng niềm tin này, Tuấn và Nhớ đã bán các vật phẩm với giá “cắt cổ”. Một nạn nhân kể lại, khi vợ anh mang thai em bé tuổi hổ, cặp đôi này phán rằng tuổi này sẽ phá gia đình, cần mua “la bàn địa chấn” để trấn yểm, với giá 5,3 tỷ đồng. Chưa dừng lại, họ còn ép nạn nhân mua “đầu hổ cổ 712 tuổi” từ núi Hy Mã Lạp Sơn với giá 1,1 tỷ đồng.

Một trong những vật phẩm vợ chồng Tuấn và Nhớ đem bán cho các bị hại chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng.

Một nạn nhân khác bị đe dọa rằng trước nhà mình có nhiều “vong nhi” theo bám, có thể khiến cô mang thai dù không quan hệ. Vì quá hoang mang, người này đã bỏ ra 800 triệu đồng mua “vật phẩm trấn yểm”.

Bằng những lời lẽ mê tín, vợ chồng Tuấn - Nhớ đã lừa đảo số tiền khổng lồ từ nhiều nạn nhân.

Tín ngưỡng và tâm linh – “mảnh đất màu mỡ” cho các chiêu trò lừa đảo

Theo Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học cho biết:"Tín ngưỡng, tôn giáo và tâm linh vốn là những khía cạnh sâu sắc trong văn hóa của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam. Con người thường tìm đến tâm linh khi đối mặt với khó khăn, mất mát hoặc những tình huống không thể lý giải bằng khoa học. Kẻ lừa đảo khai thác điểm yếu này bằng cách giả danh thầy bói, pháp sư hay người có “năng lực siêu nhiên” để tạo dựng lòng tin, từ đó kiểm soát hành vi của nạn nhân".

Trong vụ việc này, vợ chồng Tuấn và Nhớ đã khiến các nạn nhân tin rằng họ đang bị nguy hiểm bởi vong nhi, địa chấn, khiến nạn nhân sẵn sàng đánh đổi tài sản để 'thoát nạn'.

Những bị hại trong vụ án này không chỉ là nạn nhân của sự lợi dụng tín ngưỡng, mà còn bị thao túng tâm lý một cách tỉ mỉ. "Họ đã bị thuyết phục rằng việc mua 'pháp khí', 'la bàn địa chấn' hay 'đầu hổ cổ' là điều cần thiết để bảo vệ gia đình họ. Trong tâm trạng sợ hãi, họ đã không còn khả năng tư duy lý trí nữa", ông Hiếu nhấn mạnh.

Một trong hàng chục vật dụng được vợ chồng Tuấn và Nhớ thuê người đi chôn cất để thực hiện hành vi lừa đảo.

Vợ chồng Tuấn, Nhớ đã xây dựng hệ thống những người giả mạo, những lời dẫn dắt, những nghi lễ "phép màu" để khiến nạn nhân hoàn toàn tin tưởng. Họ cũng tạo ra sự khan hiếm giả tạo của các vật phẩm, thổi phồng giá trị, và khiến người mua càng tin tưởng vào sự "thiêng liêng" của chúng.

"Một khi đã rơi vào vòng kiềm soát tâm lý này, nạn nhân rất khó tự tháo gỡ. Họ trở nên phụ thuộc vào sư phụ, sư mẫu, sợ mất tài sản, sợ bị tổn thương nếu rời bỏ", chuyên gia Hiếu nhận định.

Ở các vùng quê hoặc khu vực dân trí thấp làm tăng nguy cơ lừa đảo

Đúng là niềm tin mù quáng vào tâm linh khiến nạn nhân dễ bị thao túng, nhưng nó chỉ là một phần. Còn nhiều yếu tố xã hội và văn hóa góp phần tạo điều kiện cho các vụ lừa đảo dạng này. "Văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam, thường coi trọng tín ngưỡng và các yếu tố tâm linh như 'giải hạn', 'trừ tà', 'cúng bái cầu an'. Điều này khiến nhiều người sẵn sàng chi tiền để 'tránh xui rủi'. Ngoài ra, ở các vùng quê hoặc khu vực dân trí thấp, người dân thường dựa vào lời truyền miệng thay vì kiến thức khoa học, làm tăng nguy cơ bị lừa đảo", ông Hiếu nhận định.

Căn nhà phục vụ việc tu tập đắc đạo.

Yếu tố tâm lý con người – “mong cầu sự bảo hộ”. Trong thời điểm khó khăn hoặc biến động lớn (dịch bệnh, thiên tai, mất mát trong gia đình), con người có xu hướng tìm đến những giá trị tâm linh như một cách “trấn an” bản thân. Sự thiếu tự tin vào khả năng tự giải quyết vấn đề khiến họ tìm đến các “lời khuyên siêu hình” thay vì sử dụng giải pháp thực tế.

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học cho rằng: "Lừa đảo dựa trên tín ngưỡng, tâm linh là một dạng tội phạm tinh vi, lợi dụng điểm yếu tâm lý và niềm tin sâu sắc của con người vào những yếu tố vô hình. Việc phòng ngừa loại tội phạm này đòi hỏi sự kết hợp giữa truyền thông, giáo dục và pháp luật, cùng với sự tỉnh táo và cảnh giác của mỗi người dân. Chỉ khi hiểu rõ cơ chế thao túng tâm lý mà kẻ lừa đảo sử dụng, cộng đồng mới có thể tự bảo vệ mình và tránh rơi vào bẫy của những chiêu trò lừa đảo tinh vi".

Trịnh Hải