Cần có chính sách thúc đẩy, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật
Sáng ngày 17/4, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức chương trình tọa đàm: “Cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật - Thực tiễn và kiến nghị”, với sự tham dự của 48 đại biểu là giám đốc, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT, đại diện cho hàng trăm cơ sở trong cả nước.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm là diễn đàn để các đại biểu NKT chia sẻ kết quả hoạt động thực tiễn của đơn vị, cơ sở
Đây là diễn đàn để giám đốc, chủ cơ sở là NKT chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của đơn vị, những khó khăn gặp phải, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thuế, vốn, đầu ra của sản phẩm, mở rộng thị trường... Qua đó, kiến nghị các cơ quan chức năng sớm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, văn bản pháp luật, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp với tính đặc thù của cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Vấn đề việc làm cho thương binh và NKT còn khả năng lao động luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh của thương binh đã được nhà nước thành lập nhằm tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho các đồng chí thương binh và con em các gia đình chính sách. Đây là những mô hình đầu tiên của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của thương binh và NKT ngày nay. Trong cơ chế mới, nhiều thương binh, bệnh binh, NKT đã tự tin, mạnh dạn đứng ra thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ không những chăm lo cuộc sống gia đình mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người khác, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Hiện nay, cả nước có gần 700 cơ sở sản xuất của thương binh và NKT, giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động, đảm bảo thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Chưa kể hàng trăm thương binh, bệnh binh, NKT khác là chủ kinh tế hộ gia đình làm ăn ổn định và hiệu quả. Riêng đối với Hiệp hội sản xuất kinh doanh của NKT, mỗi năm số các cơ sở thành viên đã đóng góp thuế cho ngân sách Nhà nước trên 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật hiện chưa nhiều; hầu hết quy mô nhỏ, chỉ với 10-15 lao động; vốn ít, công nghệ lạc hậu; mặt bằng sản xuất chật hẹp, sản xuất thủ công, sản phẩm tiêu thụ trong nước là chủ yếu, thị trường bấp bênh, không ổn định. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển của mô hình sản xuất kinh doanh đặc thù này như chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi thuê mặt bằng, thuê đất; chính sách tín dụng, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ cải thiện môi trường làm việc... nhưng nhìn chung, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi trên của các cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống. Do vậy, bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan tiếp nhận NKT vào làm việc thì cũng cần thúc đẩy phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT để tạo cơ hội việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.
Anh Nông Văn Chuân, Tổ hợp tác sản xuất chổi chít NKT Bình An (Bắc Kạn)
chia sẻ tại buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu NKT đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về quá trình vượt dốc đi lên, thành lập và phát triển doanh nghiệp, cơ sở. Đến từ mọi miền của đất nước, mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện, môi trường, tình trạng khuyết tật khác nhau, trong số đó có những người không một ngày đến trường, nhưng họ đều có chung ý chí, nghị lực bứt phá, vượt qua khuyết tật, luôn tiến lên phía trước.
Anh hùng Lao động Lê Mã Lương, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh của thương binh và NKT Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm
Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh do thương binh nặng 1/4 Trần Hồng Quang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới làm Tổng Giám đốc là một minh chứng cụ thể. Xí nghiệp được thành lập năm 1996 và là một trong số doanh nghiệp đầu tiên của thành phố Hải Phòng được công nhận là “Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ của thương bệnh binh và NKT”. Từ chỗ ngày đầu thành lập, chỉ có 35 đồng chí thương binh tham gia đến nay, xí nghiệp có tổng số lao động trên 200 người, trong đó 56% là thương bệnh bình, bộ đội xuất ngũ...
Tập đoàn Chân Thiện Mỹ là cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT tại Bắc Ninh, do Anh hùng Lao động Đoàn Xuân Tiếp thành lập năm 1996. Đến nay, Tập đoàn đã tổ chức đào tạo miễn phí được hàng trăm khóa học, trong đó tỷ lệ NKT chiếm 57%. Các nghề đào tạo phù hợp với NKT chủ yếu là tranh thêu, may mặc, chạm khắc đồ mỹ nghệ, gốm sứ, chế tác đá quý và đồ trang sức. Những sản phẩm làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của NKT đã được khách hàng nhiều nước trên thế giới đánh giá cao. Thu nhập bình quân của người lao động trong công ty đạt 7-8 triệu đồng/người/tháng. Công ty đã tạo việc làm cho gần 800 lao động. Hiện nay, ngoài đầu tư xây dựng Trường Đại học Kinh Bắc, công ty đang tiếp tục triển khai dự án gần 5.000 tỷ tại tỉnh Yên Bái để xây dựng Trung tâm đào tạo khu vực miền núi phía Bắc.
Chị Nguyễn Thị Hương (phường Long Thủy, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) tham luận tại tọa đàm
Chị Nguyễn Thị Hương (phường Long Thủy, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) bị liệt nửa người không đi được do di chứng của trận sốt nặng khi chưa đầy 4 tuổi. Bằng sự nỗ lực vượt khó, cần cù, chị đã mạnh dạn vay vốn mở dịch vụ ăn uống và cho thuê khung rạp. Hiện nay, dịch vụ nấu ăn của chị không những tạo nguồn thu ổn định cho gia đình hàng năm từ 200-300 triệu đồng mà còn đóng thuế cho ngân sách Nhà nước từ 60-70 triệu đồng. “Khi mình còn làm được việc gì có ích cho xã hội thì mình phải đóng góp một phần nhỏ thuế kinh doanh để giảm bớt đi gánh nặng cho xã hội và góp công sức nhỏ bé vào phát triển kinh tế của địa phương”, chị Hương chia sẻ.
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu NKT đã nêu lên những đề xuất, kiến nghị với các cơ quan, chức năng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT hoạt động, phát triển trong điều kiện thị trường hiện nay./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Những hình ảnh xấu xí ngày tiễn ông Táo chầu trời
22-01-2025 15:32 46
-
Xuân về trao yêu thương – Tết đong đầy cùng LC Foods
22-01-2025 15:32 36
-
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương: Bí quyết thành công nằm ở cái tâm và sự tử tế
22-01-2025 13:32 14
-
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
21-01-2025 09:12 36
-
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
21-01-2025 06:04 09
-
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
21-01-2025 06:03 43
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31