Cần có cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội
(LĐXH)- Ở Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho người làm nghề Công tác xã hội hoạt động và đó chính là khoảng trống cần được nghiên cứu, xem xét.
Theo số liệu của Sở LĐTB&XH Quảng Ninh: Hiện nay, chỉ tính các đối tượng yếu thế cần trợ giúp của Quảng Ninh là 175.758 người (gồm 24.880 đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi: 11.750 người; người tàn tật: 5.003 người; người mắc bệnh tâm thần: 1.747 người; 4.259 người hưởng trợ cấp chất độc hóa học và con đẻ của họ; 4.882 thương binh; 3.432 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 41.805 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và 78.000 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo).
Trước tình hình trên, đòi hỏi của thực tiễn là cần và rất cần có những dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp được thực, hiện bởi các Trung tâm Công tác xã hội, để có thể giải quyết các vấn đề này một cách khoa học và hiệu quả nhằm thúc đẩy an sinh xã hội.
Với nhận thức: phát triển kinh tế xã hội phải đảm bảo an sinh xã hội, một trong những giải pháp đảm bảo an sinh xã hội đó là triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề Công tác xã hội. Bên cạnh việc thực hiện các nội dung của Đề án, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện phát triển các hoạt động và các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội: Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh đã thành lập và đưa Trung tâm Công tác xã hội vào hoạt động từ năm 2010.
CTV công tác xã hội tư vấn trực tiếp tại cộng đồng trên địa bàn Quảng Ninh
Tuy nhiên, từ thực tế tại Quảng Ninh, ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, vẫn còn nhiều bất cập đối với người làm nghề, đó là ở Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho người làm nghề Công tác xã hội hoạt động và đó chính là khoảng trống cần được nghiên cứu, xem xét.
“Việc thực hành nghề công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay cũng đang bộc lộ những tồn tại bất cập như: Chúng ta đã có văn bản quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội (Trung tâm Công tác xã hội), nhưng chưa có các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm Công tác xã hội: Một trong những chức năng nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Công tác xã hội là chức năng can thiệp - hỗ trợ. Về lý thuyết, hoạt động can thiệp là hoạt động nhằm loại bỏ tức thời nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, giảm thiểu những tổn thương về thực thể và tinh thần cho thân chủ. Sau khi can thiệp và loại bỏ được nguy cơ, hoạt động hỗ trợ sẽ nhằm cung cấp cho thân chủ những dịch vụ phù hợp nhằm ổn định, phục hồi và tạo điều kiện cho sự phát triển chức năng xã hội của thân chủ” - ông Đặng Hữu Bình nêu vấn đề.
Theo ông Bình, thực tế cho thấy khi thực hiện nhiệm vụ can thiệp trong trường hợp khẩn cấp, ngoài việc tư vấn, kết nối với các cơ quan chức năng thì cán bộ công tác xã hội không thể làm gì hơn. Họ không thể trực tiếp can thiệp để chấm dứt ngay tức thì hành vi bạo lực đang diễn ra ngoài lời nói (mà lời nói thì lúc các đối tượng đang nóng nảy bực tức thường không có hiệu quả).
“Chúng tôi rất muốn có một quy định pháp lý đủ mạnh để nhân viên công tác xã hôi có thể ngăn chặn tức thì người gây ra bạo hành mà không cần đến giám định với tổn thương 11% sức khỏe để Công tác xã hội có đủ thẩm quyền thực hiện chức năng can thiệp mà không cần phải “năn nỉ” với các cơ quan chức năng trong trường hợp chưa cần thiết” - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh đề xuất.
Bên cạnh đó, việc kết nối với cơ quan chức năng và các đoàn thể cũng rất khó khăn và thiếu cơ sở pháp lý vì hiện nay chưa có văn bản nào quy định các cơ quan chức năng, các đoàn thể phải phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội để thực hiện các biện pháp hữu hiệu trong các trường hợp can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp. Việc các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội đã đề nghị các cơ quan chức năng cùng phối hợp để giải quyết, nhưng các cơ quan đó chưa hoặc không thực hiện thì cũng không có căn cứ pháp lý nào để buộc họ phải thực hiện.
Từ thực tiễn khi triển khai hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm, ông Đặng Hữu Bình cho rằng: Mặc dù Hiến pháp và các quy định pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình, nuôi con nuôi, trợ giúp pháp lý, giáo dục, y tế, lao động xã hội... đã tạo được nền tảng pháp lý cần thiết để phát triển nghề công tác xã hội, nhưng trong các văn bản đó không xác định được rõ đó là hoạt động của công tác xã hội; không chỉ rõ vị trí, vai trò, quyền hạn của người làm công tác xã hội trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, tức là chưa có hành lang pháp lý cho người làm nghề công tác xã hội hoạt động.
Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có văn bản nào quy định để phối hợp giữa hoạt động về công tác xã hội với các ngành chức năng liên quan như công an, y tế, các đoàn thể quần chúng, nhất là trong hoạt động can thiệp hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
Công tác xã hội là một lĩnh vực mới, nhận thức của cộng đồng và các nhà quản lý chưa đầy đủ nên sự phối hợp của một số cơ quan ban ngành nhất là trong trường hợp cần can thiệp - hỗ trợ khẩn cấp có lúc, có việc chưa kịp thời, đồng bộ. Đội ngũ cán bộ nhân viên công tác xã hội ở cấp cơ sở còn thiếu; trình độ và năng lực, kinh nghiệm thực tế của một số cán bộ, nhân viên chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế. Trong khi đó đang phải thực hiện việc tinh giản tổ chức biên chế cũng tạo những khó khăn không nhỏ trong việc phát triển nghề công tác xã hội.
“Để công tác xã hội thực hiện được đầy đủ chức năng nhiệm vụ và là một nghề chuyên nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành Luật thực hành nghề công tác xã hội, đồng thời xây dựng được hệ thống các văn bản Quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện. Trước mắt có văn bản quy định trong trường hợp can thiệp hỗ trợ khẩn cấp đối với các đối tượng có thể cho phép áp dụng một số điều quy định tại Chương III, quy định về hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, ngày 09/5/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em”- Ông Đặng Hữu Bình kiến nghị./.
Dương Thìn
Từ khóa:
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Ổn định việc làm trao cơ hội và động lực giảm nghèo cho người dân ở Kim Bôi
22-11-2024 18:20 18
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55
-
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
19-11-2024 19:05 09
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
- Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
- Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới