Cần có những giải pháp nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội
LĐXH - Ngày 29/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo quốc tế “Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”...
Tới dự và chỉ đạo Hội thảo có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Doãn Mậu Diệp; ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm... Ngoài những đối tượng đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), từ ngày 1/1/2018 sẽ bổ sung thêm đối tượng có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên. Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng có cơ hội tham gia BHXH tại Việt Nam. Về chính sách, lúc đầu chỉ có chính sách BHXH bắt buộc, đến 1/1/2008 có thêm chính sách BHXH tự nguyện, bắt đầu từ 1/1/2009 có thêm chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, chính sách BHXH đã từng bước được hoàn thiện, cho đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH ngày càng gia tăng.
“Tính đến hết năm 2016, có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi... Đến nay, đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng”, .
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cũng thừa nhận, chính sách BHXH cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như diện bao phủ BHXH của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới. Nhiều người lao động chưa được tham gia BHXH và được bảo vệ trước những rủi ro trong quá trình làm việc như ốm đau, tai nạn lao động, thất nghiệp... Nhiều người già không có lương hưu, phải tự lo hoặc sống phụ thuộc vào con cái...
Bên cạnh đó, hiện nay Quỹ bảo hiểm xã hội tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế thì nếu không có những điều chỉnh về chính sách thì quỹ hưu trí và tử tuất ở Việt Nam có thể mất cân đối vào năm 2034...
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp cho hệ thống BHXH ở Việt Nam. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đề án “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ LĐTBXH cho rằng, hiện mức trần đóng BHXH quá cao bởi mức tiền lương tháng đóng BHXH tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở (tương đương 6 lần mức tiền lương trung bình tháng đóng BHXH); mức đóng theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế nên ở mức không quá 10 lần mức lương tối thiểu (mức lương cơ sở) như một số quốc gia khác trong khu vực...
“Khoản thu BHXH hiện nay là khoản nợ tiềm ẩn trong tương lai, với sự mất cân đối đóng - hưởng, mức đóng càng cao, gánh nặng Nhà nước trong tương lai càng lớn. Số liệu thực tế qua nhiều năm đã chứng minh, tỷ lệ mức người đóng - hưởng ngày càng thu hẹp, bởi năm 2000 tỷ lệ là 30 người đóng cho 1 người hưởng, năm 2004, ở mức 19 người đóng cho 1 người hưởng, năm 2014 có 8,7 người đóng cho 1 người hưởng và năm 2020 tỷ lệ này chỉ là 6 người đóng cho 1 người hưởng”, ông Phạm Trường Giang cho biết.
Bên cạnh đó, việc nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là một gánh nặng lớn cho quỹ BHXH. Hiện nay, tuổi hưu trung bình là 54,2 tuổi (so với quy định 60 tuổi) và nữ là 52,6 tuổi (so với quy định cũ là 55 tuổi). Tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu (kỳ vọng sống sau tuổi hưu) là 79,5 tuổi, trong đó nam là 79 tuổi, nữ là 80 tuổi. Tính trung bình, thời gian hưởng là 25,3 năm (nam là 24,9 năm; nữ là 27,4 năm), trong khi tiền đóng BHXH chỉ đủ chi trả trong 10 năm. Trong khi đó, thời gian hưởng trung bình của mỗi người là 25,3 năm... Vì vậy, giải pháp đặt ra phải là giảm tỷ lệ người hưởng BHXH hoặc tăng mức đóng hoặc kéo dài thời gian lao động...
Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế ILO thì cho rằng có 4 phương án để mở rộng diện bao phủ BHXH là tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 đối với nam và nữ theo lộ trình cứ một năm tăng lên 1 tuổi và bắt đầu thực hiện từ 2018. Phương án 2 là tăng tuổi nghỉ hưu và giảm tỷ lệ thay thế (tính bằng tỷ số giữa người thụ hưởng và người tham gia BHXH) bằng cách sử dụng tỷ lệ tích lũy ở mức 1,5% mức đóng BHXH trong vòng 40 năm; phương án 3 là tăng tuổi nghỉ hưu, giảm tỷ lệ thay thế bằng cách áp dụng tỷ lệ tích lũy ở mức 1% đối với mỗi năm đóng góp, áp dụng cơ chế hưu trí toàn dân ở mức 50% lương tối thiểu khu vực Nhà nước; phương án 4 là tăng tuổi nghỉ hưu, áp dụng mô hình tài khoản cá nhân tượng trưng trong vòng 40 năm chuyển đổi từ năm 2018.
Bà Nguyễn Nguyệt Nga, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam nêu ý kiến, để mở rộng diện bao phủ BHXH, cần tiến hành theo nguyên lý “hái những quả thấp trước”, nghĩa là tăng tỷ lệ tham gia BHXH trong khu vực chính thức. Bên cạnh đó, hệ thống BHXH cần được hiện đại hóa theo hướng chuyển toàn bộ hệ thống sang quản lý hồ sơ điện tử, hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm...
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian tới, chúng ta cần có những giải pháp thay đổi căn bản trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH. Vấn đề BHXH có tính chất liên ngành do vậy hệ thống BHXH Việt Nam phải phù hợp với quy luật và xu hướng chung của thế giới. Việt Nam đang là nước có tình trạng già hóa dân số nhanh, điển hình của thế giới vì vậy phải chuẩn bị trước từ 15 - 20 năm. Bên cạnh đó, chính sách BHXH cần đồng bộ với các chính sách xã hội khác, đảm bảo đời sống thiết yếu cho người dân.
Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu: Cần phải thống kê chính xác số người trong độ tuổi lao động, hiện nay có một bộ phận người lao động chưa tham gia BHXH (20%), cần có đánh giá, kiểm tra lại; Tiếp tục mở rộng và đổi mới chính sách BH tự nguyện, coi người tham gia BHXH như khách hàng; Đổi mới công tác quản lý lao động và Quỹ BHXH, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; Cần có sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội để mở rộng đối tượng tham gia BHXH nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt là vai trò của địa phương, cần phải giao kế hoạch cụ thể tới từng đối tượng; Nâng cao công tác tuyên truyền để người lao động hiểu được quyền lợi của mình, trở thành “người giám sát trực tiếp”; Từng bước chuyển biến mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính.../.
N.Ngọc
Từ khóa:
-
Hà Nội thí điểm điều chỉnh giao thông tại nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi: Hiệu quả bước đầu
24-01-2025 08:00 50
-
Chợ hoa mỗi năm chỉ họp một lần: Đông khách ngắm, vắng người mua
23-01-2025 16:42 59
-
Cảnh giác chiêu lừa giả danh nhân viên đăng kiểm
23-01-2025 14:35 19
-
Hà Nội: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến bớt 'ngộp thở'
22-01-2025 11:40 44
-
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
22-01-2025 09:30 59
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31