Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi là một trong những điểm nóng giao thông tại Hà Nội, với mật độ phương tiện dày đặc. Theo Sở GTVT Hà Nội, lượng xe qua đây cao gấp 3,5 - 5 lần so với thiết kế; riêng tuyến Vành đai 3 trên cao quá tải gấp 9 lần.
Trước tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, Sở GTVT đã thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao này từ ngày 18/1. Phương án bao gồm bổ sung một đảo trung tâm để giảm xung đột giao thông dưới gầm cầu Vành đai 3, thiết lập 4 nút giao nhỏ có đèn tín hiệu để điều tiết dòng xe từ 4 hướng. Ngoài ra, 16 camera xử phạt nguội đã được lắp đặt nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Giải pháp này kỳ vọng mang lại sự thông thoáng và giảm ùn tắc cho khu vực trọng điểm.
Ghi nhận thực tế của PV, sau 5 ngày thí điểm, trong khung giờ cao điểm 8h sáng ngày 22/1 đã không còn tình trạng tắc nghẽn, các phương tiện chỉ gặp tình trạng ùn nhẹ khi dừng chờ đèn tín hiệu. Các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến người cũng không còn cảnh kẹt cứng kéo dài nhiều km như những ngày đầu thực hiện thí điểm.
Theo Thạc sĩ Vũ Trọng Thuật, giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải, trục đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển với hai chiều lưu thông và đường dẫn từ Vành đai 3 trên cao đang tạo nên những "nút thắt cổ chai", gây cản trở nghiêm trọng đến khả năng lưu thông của khu vực.
Lượng phương tiện qua nút giao này luôn ở mức cao, kể cả trong giờ thấp điểm, và tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm. Ý thức chưa tốt của một số người tham gia giao thông cũng góp phần làm tình hình thêm phức tạp.
“Phương án tổ chức giao thông thí điểm đã tập trung giải quyết các vấn đề: nâng cao năng lực thông hành; giảm thời gian trễ, cải thiện trật tự ATGT… trong đó năng lực thông hành là chỉ tiêu quan trọng và luôn được quan tâm hàng đầu. Ban đầu người dân khá bỡ ngỡ do phương án lưu thông mới không còn được cắt qua nút nên di chuyển khá chậm, nhưng chỉ sau vài ngày đã quen, việc xe không cắt qua nút sẽ giảm thiểu được xung đột giao thông từ các hướng, cải thiện an toàn”. - Thạc sĩ Vũ Trọng Thuật nói.
Dù tình trạng ùn tắc đã giảm, nhưng theo ý kiến của người đi đường, cần có các giải pháp lâu dài và bền vững hơn để giải quyết triệt để vấn đề tại ngã tư "khốn khổ" này.
Bà Lê Thu Lan, người dân sinh sống ngay ngã rẽ Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến chia sẻ rằng nút giao 4 tầng tại Thanh Xuân thường xuyên đông đúc và ùn ứ, đặc biệt vào dịp cuối tuần gần Tết khi người dân đổ về quê hoặc đi mua sắm. Tuy nhiên, bà có cái nhìn tích cực về phương án thí điểm. Bà cho rằng việc điều chỉnh tín hiệu giao thông vào sáng đầu tuần đã mang lại kết quả khả quan: "Hệ thống đèn giờ rất linh hoạt. Cao điểm, đèn xanh tăng thời lượng; thấp điểm, điều chỉnh hợp lý. Người dân rồi sẽ quen với nhịp mới thôi."
Đối với em Đào Phương Mai, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thường xuyên di chuyển từ Hà Đông đến trường bằng xe buýt, qua nút giao 4 tầng Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Mai cho biết, trước khi tổ chức lại giao thông, các phương tiện chỉ phải chờ đèn đỏ 2-5 phút. Tuy nhiên, khi thí điểm tổ chức lại giao thông, thời gian chờ tăng lên 10-20 phút. Đến sáng đầu tuần, sau khi thu hẹp bùng binh và điều chỉnh đèn tín hiệu, tình trạng ùn tắc đã cải thiện rõ rệt. Dù vậy, dòng xe vẫn ùn dài ở hướng Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến.
Mai đề xuất: "Nếu xe trên vành đai 3 hạn chế đi xuống trong giờ cao điểm, lượng xe vào nút giao này có thể giảm đáng kể."
Anh Cao Minh Hoàng, sinh sống gần nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, nhận định rằng các giải pháp tổ chức lại giao thông chỉ là cách tối ưu tình trạng hiện tại.
Anh cho biết: “việc phương tiện từ đường trên cao vành đai 3 đổ thẳng xuống nút giao có đèn tín hiệu, xe dồn thẳng vào góc ngã tư, gây ra tình trạng ùn ứ, thường xuyên tắc dài."
Theo anh, việc thay đổi thiết kế hiện tại rất khó vì đây là công trình lớn. "Chỉ có thể rút kinh nghiệm cho các tuyến đường vành đai trong tương lai. Còn hiện tại, xe từ đường trên cao nên được phân luồng theo giờ. Đổ xuống vào giờ cao điểm thì ùn tắc là không tránh khỏi."
Đưa ra giải pháp, anh đề xuất: "Nếu không thể xây tàu điện ngầm nhiều tầng do kinh phí hạn chế, có thể phát triển các tuyến giao thông trên cao nhiều tầng. Giải pháp này tiết kiệm và khả thi hơn."
Trịnh Hải
-
Hà Nội thí điểm điều chỉnh giao thông tại nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi: Hiệu quả bước đầu
24-01-2025 08:00 50
-
Chợ hoa mỗi năm chỉ họp một lần: Đông khách ngắm, vắng người mua
23-01-2025 16:42 59
-
Cảnh giác chiêu lừa giả danh nhân viên đăng kiểm
23-01-2025 14:35 19
-
Hà Nội: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến bớt 'ngộp thở'
22-01-2025 11:40 44
-
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
22-01-2025 09:30 59
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58