Lao động
Cần làm gì để đẩy mạnh truyền thông về xuất khẩu lao động?
10:59 AM 06/11/2019
(LĐXH) - Xuất khẩu lao động có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua xuất khẩu lao động (XKLĐ), người lao động đi làm việc ở nước ngoài có việc làm ổn định, thu nhập cao, được nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tiếp thu được những công nghệ tiên tiến, tác phong làm việc công nghiệp, hình thành nên đội ngũ lao động có trình độ tay nghề chuyên môn cao.
Xuất phát từ tầm quan trọng đó, việc tuyên truyền về xuất khẩu lao động đã được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp XKLĐ và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, trở thành một vấn đề thời sự; một đề tài tương đối “hot” trên các cơ quan báo chí.
Về phía các cơ quan quản lý và thực hiện chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trực tiếp là Cục Quản lý lao động (QLLĐ) ngoài nước và các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) và các doanh nghiệp XKLĐ trong suốt nhiều năm qua đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và các cơ quan báo chí nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến nhân dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hiểu biết đầy đủ về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động.
Việc tổ chức các Hội nghị truyền thông về XKLĐ như thế này là rất cần thiết để cung cấp thông tin và tăng cường trao đổi giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp XKLĐ và các cơ quan báo chí
Cục Quản lý Lao động ngoài nước là một trong những cơ quan đầu tiên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) có đơn vị chuyên trách về thông tin, tuyên truyền (ngay từ cuối những năm 1990, nay là Phòng Thông tin - Truyền thông) nhằm phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền kịp thời các thông tin về XKLĐ cũng như cập nhật thường xuyên trên website của Cục. Trong đó, đã cung cấp công khai danh sách, địa chỉ các doanh nghiệp đang tuyển chọn lao động xuất khẩu, số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn; thông tin cụ thể về các thị trường, các thông báo tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài; điều kiện lao động và sinh hoạt; các khoản phí phải nộp, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...
Đặc biệt, đã chú trọng tuyên truyền, giới thiệu về chính sách ưu đãi của các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam đối với người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn, các nguy cơ rủi ro mà người lao động phải đối mặt khi làm việc và cư trú bất hợp pháp tại các nước; đồng thời tích cực vận động gia đình có con em cư trú bất hợp pháp khẩn trương trở về nước, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài…Qua đó giúp người lao động chủ động chuẩn bị điều kiện tham gia xuất khẩu lao động, phòng tránh tiêu cực trong xuất khẩu lao động.
Việc tuyên truyền về XKLĐ rất được các cơ quan báo chí quan tâm
Cùng với đó, Cục QLLĐ ngoài nước và các Sở LĐTBXH cũng  đã biên soạn, phát hành hàng nghìn tờ gấp tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động; thông tin kịp thời nhu cầu tuyển lao động xuất khẩu, các tiêu chí, thủ tục trên trang thông tin điện tử. Tổ chức hướng dẫn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí tự đăng ký trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động để học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và được chấp nhận đi làm việc ở nước ngoài làm các thủ tục cần thiết để được hỗ trợ; hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Cục cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt báo chí hàng năm hoặc các buổi họp báo đột xuất khi có sự kiện diễn ra nhằm cung cấp thông tin kịp thời và định hướng cho các cơ quan báo chí; tổ chức cho các phóng viên đi thực tế trong và ngoài nước để có nguồn tư liệu phong phú để viết bài.
Về phía các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương, từ báo in, phát thanh – truyền hình đến các báo điện tử đều quan tâm đến công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; thường xuyên có tin, bài giới thiệu về các chính sách xuất khẩu lao động; nhiều cơ quan báo chí đã có ấn phẩm chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục về xuất khẩu lao động, trong đó tập trung phản ánh về việc triển khai chính sách, tư vấn, hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho người lao động; giới thiệu các mô hình, điển hình, các tấm gương và cách làm mới trong công tác này; phản ánh kịp thời các vụ việc, sự kiện liên quan; cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trong hoạt động XKLĐ; cung cấp các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ cán bộ thực hiện ở cơ sở; đồng thời cũng là diễn đàn trao đổi, phản biện chính sách, nêu thực trạng các vấn đề còn bất cập, các kiến nghị, đề xuất để các cơ quan quản lý sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
Có thể nói, báo chí chính thống đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp, phản ánh một cách nhanh nhạy, kịp thời các thông tin đúng, đủ, rõ ràng, chính xác và khách quan về thị trường và về hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, đặc biệt là các thông tin về chủ trương, chính sách, là cầu nối, đưa các chế độ, chính sách, thông tin mới về thị trường, điều kiện, tiêu chuẩn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, về quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia XKLĐ cho người dân và các bên liên quan được biết. Điều này góp phần rất lớn trong việc tạo niềm tin cho người lao động về các chương trình, đồng thời hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, nhất là trong điều kiện bùng nổ thông tin trên mạng xã hội và internet hiện nay, khi người lao động phải lựa chọn giữa một “rừng” thông tin trên rất nhiều website và mạng xã hội khác nhau thì thông tin chính thức trên báo chí luôn là những thông tin đáng tin cậy và chính thống nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, hoạt động tuyên truyền về xuất khẩu lao động trên báo chí trong thời gian qua vẫn còn có những hạn chế nhất định. Việc tuyên truyền vẫn còn một chiều, chỉ tập trung vào các điểm “nóng”, những vụ việc phát sinh mà chưa chú ý đúng mức các vấn đề bức xúc  như nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi, vấn đề tạo việc làm hậu xuất khẩu lao động, các tấm gương sáng hoàn thành hợp đồng về nước lập nghiệp thành công…. Nội dung tuyên truyền về xuất khẩu lao động cũng chưa phản ánh sinh động thực tế, hình thức chưa phong phú; chưa có những thông điệp cụ thể cho từng nhóm đối tượng, thiếu trọng điểm, thông tin về XKLĐ, về từng thị trường, các địa chỉ XKLĐ đáng tin cậy, về văn hóa và phong tục tập quán, luật pháp của nước sở tại, làm cho một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đúng về xuất khẩu lao động. Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động còn thiếu thông tin, khả năng tự liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động là khó khăn; còn có tình trạng doanh nghiệp cần tuyển người thì không có trong khi đó người cần đi xuất khẩu lao động thì không biết ở đâu có nhu cầu để mà đến tuyển nên đã xảy ra các trường người lao động bị kẻ xấu lừa đảo do thiếu thông tin, gây tâm lý hoang mang cho người lao động và xã hội.
Thêm vào đó, hiện nay chúng ta chưa có tờ báo điện tử nào chuyên về vấn đề việc làm nói chung, xuất khẩu lao động nói riêng, mà chỉ có các website của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước, các Sở LĐTBXH, các trung tâm DVVL, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về xuất khẩu lao động… Số lượng truy cập của các website này vẫn còn ít, thông tin chủ yếu mang tính chất quảng bá là chính. Những tờ báo điện tử có số lượng truy cập lớn lại chưa có chuyên trang về xuất khẩu lao động, mà thông thường ghép chung với mục Lao động, Xã hội… Do đó, dẫn đến việc thông tin không có tính liên tục, người có nhu cầu tìm thông tin phải tìm giữa “biển thông tin” về xuất khẩu lao động trên mạng nhưng lại khó nhận biết biết đâu là tin chính thống.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do sự phối hợp, cung cấp thông tin, trao đổi hai chiều giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp XKLĐ với các cơ quan báo chí ở một số thời điểm vẫn còn chưa kịp thời và nhịp nhàng; truyền thông về XKLĐ vẫn tập trung nhiều ở cấp Trung ương mà được chú trọng nhiều ở cấp địa phương. Trong khi đó, một số cơ quan báo chí cũng thường trông chờ vào nội dung, đề tài tuyên truyền từ các cơ quan có trách nhiệm nên chưa thực sự chủ động trong phát hiện vấn đề và tổ chức các tuyến bài chuyên sâu về lĩnh vực này.
 Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về xuất khẩu lao động, trong thời gian tới, chúng tôi xin được đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Cục Quản lý lao động ngoài nước, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ; có hình thức trao đổi nội dung tuyên truyền định kỳ tháng hoặc quý với các cơ quan truyền thông để chia sẻ, định hướng thông tin; đồng thời bố trí nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì thực hiện các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về xuất khẩu lao động; thường xuyên, chủ động mời phóng viên báo chí tới tham dự các cuộc hội thảo, tập huấn, họp báo, các chuyến đi thực tế cả trong và ngoài nước để truyên truyền về lĩnh vực này. Đồng thời mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về truyền thông cho đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở, đặc biệt là ở cấp xã nhằm đưa thông tin về XKLĐ một cách đầy đủ và chính xác đến được với người lao động, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền chuyên sâu về mục đích ý nghĩa cụ thể và sâu xa của các chương trình XKLĐ để người dân hiểu và thực hiện theo đúng định hướng
Thứ hai, về phía các cơ quan báo chí, trong tuyên truyền về XKLĐ cần đóng vai trò như là một “nhà tư vấn” về luật pháp, chính sách, định hướng cho người lao động khi tham gia XKLĐ, đặc biệt là cần đẩy mạnh tuyên truyền chuyên sâu về mục đích ý nghĩa cụ thể và sâu xa của các chương trình XKLĐ để người dân hiểu và thực hiện theo đúng định hướng của chương trình. Bởi trên thực tế hiện nay nhiều người lao động khi ra nước ngoài làm việc đang đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu dẫn đến tâm lý muốn đi nhanh và không chú trọng đến việc học ngoại ngữ, trang bị những kỹ năng làm việc và kiến thức chuyên môn cần thiết, khi bước vào môi trường làm việc thực tế ở nước sở tại dễ xảy ra nhiều bất đồng, áp lực, muốn kiếm tiềm nhanh… dẫn đến việc dễ dàng từ bỏ công việc, vi phạm pháp luật, bỏ trốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống, an toàn tính mạng và tương lai của chính người lao động, công ty tiếp nhận, công ty phái cử và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Để giảm thiểu điều này, báo chí nên phát triển nhiều hơn các tuyến bài viết nhấn mạnh việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng làm việc, ý thức lao động và ý thức chấp hành luật pháp có ích lợi như thế nào với chính người lao động trước và sau khi xuất cảnh ra nước ngoài làm việc; có nhiều bài viết nêu bật được các tấm gương làm việc chăm chỉ, tiếp thu kiến thức ở nước sở tại để áp dụng, phát triển công việc sau khi về nước; đẩy mạnh tuyên truyền về những điểm mạnh, điểm tốt thực tế của lao động Việt Nam nhằm tạo động lực và sự tin tưởng, sự suy nghĩ tích cực cho  người lao động, nâng cao uy tín của lao động Việt Nam trên trường quốc tế.
Các cơ quan báo chí khi phát hiện các vụ việc, doanh nghiệp XKLĐ nào có những biểu hiện thông tin sai lệch, làm chưa tốt, chưa đúng hoặc tiêu cực thì nên làm rõ trên tinh thần xây dựng; tích cực tuyên truyền, nêu gương các doanh nghiệp có mô hình hay, hiệu quả để nhân rộng và tạo niềm tin cho thị trường, cho người lao động về hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài; đồng thời mở rộng đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên từ cơ sở để có những bài viết, cách nhìn nhận, đánh giá chân thật và sát thực tế hơn. Các toà soạn cũng cần tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng những cây bút giỏi viết về XKLĐ.
 Thứ ba, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp XKLĐ và báo chí, trong đó các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc nước ngoài nên có đại diện truyền thông nhằm kết nối và phối hợp trong công tác cung cấp những tư liệu, thông tin đầy đủ, chính xác cho báo chí, xác nhận và xử lý kịp thời những thông tin sai lệch hoặc chưa được kiểm chứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các bên liên quan. Bên cạnh đó, báo chí cũng cần chủ động liên hệ trực tiếp và cập nhật những tin tức chính xác từ phía các doanh nghiệp nhằm tránh thông tin không rõ ràng, gây hoang mang cho người lao động và các đối tượng liên quan./.
Đức Tùng
 
Từ khóa: