Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thuật ngữ lao động trẻ em (LĐTE) thường được định nghĩa là công việc mà tước đoạt tuổi thơ, tiềm năng, phẩm giá và là công việc có hại cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Cụ thể là những công việc gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, đạo đức và xã hội của trẻ; gây cản trở tới việc học hành của trẻ bằng cách khiến trẻ không được đến trường, buộc trẻ phải nghỉ học sớm, buộc trẻ phải cố gắng để vừa học vừa làm các công việc nặng nhọc mà mất nhiều thời gian. Hiện nay, việc xóa bỏ LĐTE được thực hiện theo nhiều biện pháp khác nhau ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở mỗi nước, mỗi vùng sẽ có những giải pháp riêng và được áp dụng tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của quốc gia đó, vùng lãnh thổ đó. Có nhiều chương trình, biện pháp đã được áp dụng thành công ở các quốc gia, vùng lãnh thổ để xóa bỏ LĐTE.
Theo thống kê, hiện cả nước vẫn còn 9,6% số trẻ em phải lao động sớm, gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân các em, gia đình và xã hội. Sử dụng lao động trẻ là điều khá phổ biến, từ thành thị tới nông thôn, tập trung nhiều nhất ở các làng nghề. Đáng lo hơn, 75% lao động trẻ em hiện có nguy cơ phải làm việc trong các ngành, nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên. Vì làm việc với thời gian kéo dài, bình quân khoảng 42 giờ/tuần, nhiều trẻ em đã phải nghỉ học. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số lao động trẻ em, ước tính có 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để phòng chống và tiến tới xóa bỏ LĐTE, Việt Nam cần quan tâm đến những nội dung:
- Tăng cường hiểu biết của cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp về việc sử dụng LĐTE. Việc tăng cường hiểu biết về những hệ lụy của việc tuyển dụng và sử dụng LĐTE được coi là một giải pháp quan trọng trong việc xóa bỏ vấn nạn này, góp phần tạo sự chủ động trong việc nói không với LĐTE trái phép.
- Bổ sung, cụ thể hóa các quy định pháp luật về LĐTE nói chung và ngăn ngừa, xóa bỏ LĐTE nói riêng. Việt Nam cần hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật về xóa bỏ LĐTE, tập hợp trong một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhằm nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng và thực thi pháp luật về vấn đề này. Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về xóa bỏ LĐTE, cần coi trọng yêu cầu bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn (Công ước 138 và Công ước 182), hướng tới việc tiếp cận các tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như tham khảo những quy định tiến bộ về xóa bỏ LĐTE ở các quốc gia khác trên thế giới. Đồng thời, rà soát, bổ sung các danh mục ngành nghề, công việc cấm sử dụng LĐTE, đặc biệt một số công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc những công việc khác thuộc khu vực phi chính thức.
- Thúc đẩy giáo dục cho trẻ em. Có 3 cách tiếp cận: phổ cập giáo dục tiểu học, tạo điều kiện vừa đi làm việc vừa đi học và giảm học phí. Thêm vào đó, cần quan tâm đặc biệt đến giáo dục cho trẻ em gái, trẻ em bỏ học và trẻ em lao động để giúp các em có thể trở lại trường hoặc theo học các chương trình giáo dục thay thế. Trường hợp hệ thống trường học chính quy không đáp ứng được nhu cầu học tập, cần tổ chức những chương trình giáo dục không chính quy và dạy nghề cho trẻ em.
- Phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức, nhân viên xã hội làm công tác bảo vệ trẻ em. Tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thanh tra lao động, cán bộ công đoàn, cán bộ quản lý giáo dục là giáo viên, các cơ quan thi hành pháp luật, đoàn thể xã hội, đặc biệt đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã, phường, thôn, bản. Truyền thông, nâng cao nhận thức về LĐTE cho các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, người sử dụng lao động, trường học, các cơ quan thông tin đại chúng, gia đình và trẻ em. Phát triển và nhân rộng nghề CTXH cũng như nâng cao kỹ năng làm việc của nhân viên CTXH với trẻ em nói chung và LĐTE nói riêng.
- Xóa bỏ LĐTE phải gắn liền với giảm nghèo, đói. Nâng cao đời sống kinh tế – xã hội của cộng đồng dân cư, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng nghèo, vùng khó khăn thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo và các chương trình khác như: việc làm, chăm sóc sức khỏe và làm tốt hơn nữa công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Những chính sách kinh tế thúc đẩy sự phát triển của người nghèo trong dân cư mới có khả năng có nhiều tác dụng vào giải quyết LĐTE.
Trần Huyền
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45