Cần xây dựng chuỗi liên kết để phát triển hiệu quả, bền vững và nâng cao giá trị của rong biển
(LĐXH)- Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành rong biển, tuy nhiên hiện nay hoạt động nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong biển vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi. Để phát triển ngành rong biển trong thời gian tới, rất cần các giải pháp khép kín liên kết chuỗi từ “Cây giống - vùng trồng - sản xuất - thương mại - hệ thống tiêu thụ”.
Sáng ngày 25/10/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững – Hội Thủy sản Việt Nam tổ chức Hội thảo "Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao" nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, tiến tới hiện đại hóa, nâng cao giá trị ngành hàng rong biển Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam: Chiết xuất rong biển chứa lượng lớn các khoáng chất biển như magiê, canxi, đồng, kali, selenium, kẽm, iốt và sắt, chất béo thấp cũng như các chất chống oxy hoá, chất dinh dưỡng và chất xơ, các vitamin A, B, E và K, các axit béo và các axit amin quan trọng cần thiết cho cơ thể, được sử dụng trong các kem trị mụn, kem chống lão hoá, làm săn da, kháng viêm, làm dịu da nhạy cảm, kích ứng do ảnh hưởng của môi trường.
Bên cạnh đó, thành phần lignans trong rong biển có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các chứng bệnh ung thư, ngăn ngừa phát triển của các tế bào ung thư. Hàm lượng chất xơ có trong rong biển khá dồi dào, giúp lợi khuẩn trong đường ruột làm cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Tại hội thảo, ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho biết, Nuôi trồng, sản xuất, chế biến rong, tảo biển ở các quốc gia trên thế giới đã thực hiện từ lâu, đặc biệt phải kể tới các quốc gia có nghề nuôi trồng chế biến rong biển hàng đầu thế giới hiện nay: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…
Rong biển Việt Nam được phát triển hơn 10 năm trở lại đây. Diện tích rong biển của Việt Nam năm 2023 đạt 16.500 ha, với sản lượng 150.000 tấn. Rong biển được nuôi trồng nhiều ở vùng biển Bắc Bộ, tiếp đến là Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ… Tuy nhiên, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong biển vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi. Vì thế, giá rong nguyên liệu còn thấp và bấp bênh, chủ yếu rong, tảo biển do các hộ nông ngư dân nuôi trồng mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Nuôi trồng rong, tảo biển ở Việt Nam hiện vẫn còn nhỏ, lẻ do đó chưa thể khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế từ mặt hàng này so với tiềm năng, lợi thế của quốc gia biển. Người dân ven biển cũng chưa mặn mà với rong biển.
Bên cạnh đó, chưa nhiều doanh nghiệp tham gia vào phân khúc sản xuất, chế biến rong biển, đặc biệt là sản phẩm chiết xuất. Đồng thời, rong nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp vẫn chủ yếu đến từ nguồn nhập, rong trong nước còn ít và giá cao hơn sản phẩm nhập khẩu.
Ngoài ra, các sản phẩm rong đã qua chế biến chủ yếu là dòng snack, dòng cơm cuộn… được các công ty thương mại nhập và phân phối tại Việt Nam.
Hơn nữa, rong trồng tại Việt Nam sản lượng còn ít, chất lượng chưa đồng đều, giá bán chưa được cao, một phần là do chất lượng chưa ổn định. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam còn chưa biết hết giá trị của rong, chưa nhiều người thích dùng rong biển hay chịu được mùi tanh của rong.
Để phát triển ngành rong biển trong thời gian tới, rất cần các giải pháp khép kín liên kết chuỗi từ “Cây giống - vùng trồng - sản xuất - thương mại - hệ thống tiêu thụ”. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi để chia sẻ giá trị, tạo động lực để người dân sẵn sàng trồng rong; ứng dụng công nghệ cao - công nghệ chiết xuất để lấy được dưỡng chất quý của rong, cũng như khắc phục điểm yếu về mùi tanh của rong biển. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến rong làm thuốc, nhựa sinh học, phụ gia thực phẩm và nâng cao nhận thức người tiêu dùng về rong.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Japi Foods cho rằng, cần xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị cho rong biển, vì nhiều lý do, như: Đảm bảo chất lượng sản phẩm từ nguồn gốc đến thành phẩm; tạo ra giá trị bền vững cho ngành công nghiệp rong biển; đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh và an toàn; tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho ngư dân; chuyển giao công nghệ và kiến thức; giảm thiểu tác động đến môi trường; hỗ trợ bảo vệ đa dạng sinh học biển; tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững...
Việc sử dụng sản phẩm từ rong biển là một lựa chọn thân thiện với môi trường, giúp người tiêu dùng đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Một số sản phẩm từ rong biển của Công ty TNHH Japi Foods
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP cho biết, sau cơn bão số 3 vừa qua, thời điểm này nuôi biển nói chung và trồng rong biển nói riêng đang gặp nhiều khó khăn do môi trường biển bị ô nhiễm. Việc trồng rong sẽ giúp làm sạch lại môi trường biển, tuy nhiên để làm được điều này, Công ty cần có sự hỗ trợ vốn đầu tư từ các bên liên quan. Trong thời gian tới, cần phát triển trồng rong biển theo quy mô công nghiệp, kéo tất cả hộ dân cùng tham gia, cùng làm để nâng cao giá trị.
Để xây dựng chuỗi với sản phẩm đầu ra có giá trị gia tăng cao, tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết liên kết khép kín chuỗi giá trị rong biển giá trị cao giữa Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững, Công ty TNHH JapiFoods và STP Group, đồng thời ra mắt các sản phẩm rong biển giá trị cao Việt Nam.
Theo đó, Công ty TNHH JapiFoods là đơn vị thu mua các nguyên liệu rong từ các vùng nguyên liệu trồng của người nông dân, hợp tác xã, đơn vị cung ứng nguyên liệu và chế biến thành phẩm các sản phẩm chiết xuất từ rong. 100% diện tích nuôi trồng trong hợp tác sẽ được doanh nghiệp thu mua với giá không thấp hơn giá trị trường. STP Group với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thử nghiệm và phát triển trồng rong, sẽ là đơn vị cung ứng nguồn giống rong và cung cấp nguyên liệu rong cho doanh nghiệp chế biến./.
Thảo Lan
Từ khóa:
xây dựng chuỗi liên kết
phát triển hiệu quả
nâng cao giá trị của rong biển
Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững
Hội Thủy sản Việt Nam
-
AEON Việt Nam nhận giải thưởng từ Liên đoàn Khai vấn Quốc tế
01-11-2024 18:12 45
-
Mastercard và Quỹ ASEAN ký Biên bản ghi nhớ khởi động Chương trình Nâng cao năng lực an ninh mạng trong toàn khu vực
01-11-2024 18:12 39
-
Prudential trao "món quà" chu toàn giải pháp bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình dịp cuối năm
01-11-2024 18:12 36
-
Sắp diễn ra Diễn đàn Ngày hàng hóa hàng không Việt Nam 2024 lần đầu tiên tại Hà Nội
29-10-2024 08:27 58
-
Hà Nội: Kết nối chuỗi sản xuất – tiêu dùng bền vững trong chuỗi sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống và OCOP năm 2024
28-10-2024 20:56 32
-
BYD ra mắt 2 mẫu xe ô tô điện hoàn toàn mới: BYD M6 và BYD HAN công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường
26-10-2024 21:14 01
- Prudential giành giải thưởng HR Excellence Awards 2024 Singapore nhờ vào chiến lược phát triển nhân sự toàn diện
- Cần xây dựng chuỗi liên kết để phát triển hiệu quả, bền vững và nâng cao giá trị của rong biển
- Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng và Ngày truyền thống ngành Cao su