Cập nhật diễn biến mới của Covid – 19 tính đến ngày 23/3
(LĐXH) - Tính đến 7h sáng nay (23/3), toàn thế giới đã ghi nhận 336.638 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 14.611 người đã tử vong và 97.636 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.
Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 113 trường hợp
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, hôm qua (22/3), Việt Nam ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng số trường hợp dương tính với COVID-19 lên 113 ca, trong đó 17 người đã khỏi bệnh, 96 người đang điều trị. Đáng chú ý, đây là mức tăng kỉ lục trong ngày của Việt Nam kể từ khi bùng phát dịch.
Ngoài ra, có 645 trường hợp đang cách li để theo dõi dấu hiệu; 52.790 trường hợp đang được cách li theo dõi sức khỏe vì tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch
Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP HCM (23); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (1); Hà Nội (31); Ninh Bình (1); Quảng Ninh (5); Lào Cai (2); Đà Nẵng (3); Huế (2); Quảng Nam (3); Bình Thuận (9), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (2), Kon Tun (1), Lâm Đồng (1), Bắc Giang (1), Đồng Tháp (4), Trà Vinh (2).
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hôm qua (22/3) cũng gửi khuyến cáo đến người dân đề nghị tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế. Đặc biệt là người trên 60 tuổi nên ở nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác.
Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến
Tại Đông Nam Á, ngày hôm qua, Thái Lan đã ghi nhận thêm 188 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số lên 599. Đây là ngày có số ca lây nhiễm được công bố cao nhất tại Thái Lan kể từ khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 1/2020.
Tình dình dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được kiểm soát tốt tại Trung Quốc khi ghi nhận đến 7h sáng nay, quốc gia này chỉ có thêm 46 ca nhiễm và 6 ca tử vong trong ngày 21/3, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 81.054 và 3.261. Số liệu ngày 22/3 hiện chưa được công bố.
Trong khi đó, Malaysia tiếp tục là quốc gia có tình hình dịch nghiêm trọng nhất với 1.306 người nhiễm và 10 ca tử vong. Indonesia là nước ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 514 ca nhiễm và 48 ca tử vong.
Toàn châu Âu lao đao
Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul cho biết, ông có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, là thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên tuyên bố mắc bệnh này.
Theo số liệu mới đây của CNN, hiện có ít nhất 29.235 người nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ và 371 ca tử vong. Cùng ngày, Tổng thống Trump đã ra một tuyên bố về tình trạng thảm họa đối với bang Washington và đề nghị sự hỗ trợ liên bang đối với các địa phương, bộ tộc da đỏ và các bang nhằm đối phó sự bùng phát của dịch Covid-19. Theo đó, Bang Washington sẽ có được hỗ trợ của các cơ quan liên bang trong việc huy động mọi nguồn lực để ứng phó với dịch Covid-19 cũng như giúp các cộng đồng bị ảnh hưởng khôi phục tình hình sau dịch.
Tổng thống Trump cũng chỉ thị triển khai các trạm y tế khẩn cấp có sức chứa 4.000 giường bệnh tới các điểm nóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên toàn nước Mỹ, bao gồm bang New York 1.000 giường, tại California với 2.000 giường và tại bang Washington 1.000 giường. Ngoài ra, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ hiện huy động mọi nguồn lực sẵn có nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là tất cả người dân Mỹ phải tuân theo hướng dẫn liên bang về giữ khoảng cách tiếp xúc.
Trong khi đó, Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang ở Đức ngày 22/3 đã họp trực tuyến và nhất trí một số điểm cụ thể trong cuộc chiến chống SARS-CoV-2 bao gồm: Cơ bản cấm tụ hội trên 2 người, ngoại trừ là trong gia đình hoặc những người sống cùng nhau trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách 1,5m với người khác ở nơi công cộng; đóng cửa các nhà hàng ăn uống, song vẫn được phép vận chuyển hoặc lấy đồ ăn mang về; đóng cửa các cơ sở dịch vụ chăm sóc cá nhân như hiệu tóc, xưởng làm đẹp, ngoại trừ các cơ sở điều trị cần thiết về y tế; lực lượng trật tự và cách sát sẽ giám sát và trừng phạt nặng những trường hợp vi phạm lệnh hạn chế tiếp xúc; duy trì các quy định về vệ sinh dịch tễ ở các nhà máy, xí nghiệp đối với nhân viên và khách thăm. Các biện pháp này sẽ được duy trì trước mắt trong 2 tuần.
Trước đó nhiều bang ở Đức đã áp đặt các quy định hạn chế tiếp xúc nêu trên. Tính đến 19h ngày 22/3 theo giờ Đức, nước này đã ghi nhận 24.806 trường hợp bị nhiễm virus và 93 ca tử vong. Thủ đô Berlin ghi nhận trên 1.000 trường hợp nhiễm và 1 ca tử vong.
Tại Italy, ổ dịch COVID-19 lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 thế giới, ngày hôm qua đã ghi nhận số ca tử vong tăng thêm 651, đưa tổng số ca tử vong lên 5.476.
Trong 24 giờ qua, Italy phát hiện thêm 5.560 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 59.138. So với một ngày trước đó, tốc độ tăng số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia này đã có sự chậm lại. Bộ y tế và bộ nội vụ của Italy ra thông cáo yêu cầu người dân không đi tới thị trấn hay vùng khác trừ khi thật cần thiết hoặc vì lí do y tế.
Tại Ai Cập, tối 22/3, Bộ Y tế của nước này thông báo có thêm 33 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia Bắc Phi này lên 327. Trong khi đó, số ca tử vong do SARS-CoV-2 trong ngày cũng ghi nhận thêm 4 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong lên 14. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất tại Ai Cập kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Cùng ngày, Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi khẳng định, Ai Cập đang triển khai những biện pháp chưa từng có tiền lệ để đối phó với dịch Covid-19 và không hề che dấu về các trường hợp nhiễm bệnh.
Tổng thống Ai Cập El-Sisi đồng thời kêu gọi người dân nước này thể hiện trách nhiệm nhiều hơn, cam kết và nghiêm túc tuân thủ chặt chẽ các biện pháp mà quốc gia Bắc Phi đang triển khai để hạn chế sự lây lan dịch Covid-19.
Ông El-Sisi kêu gọi người dân không đổ xô mua sắm tích trữ hàng hóa, tự tạo ra sức ép tài chính đối với bản thân, khẳng định Ai Cập có đủ nguồn dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm cho ít nhất 3 tháng.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ai Cập cũng thông báo Ngân hàng Trung ương Ai Cập sẽ phân bổ 20 tỷ Bảng Ai Cập (1,28 tỷ USD) để hỗ trợ thị trường chứng khoán trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế nước này.
Trước đó, chính phủ Ai Cập đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, như tạm dừng hoạt động giao thông đường không, giảm số lượng công chức tại các công sở, đóng cửa các trường học, thánh đường Hồi giáo và nhà thờ, cũng như tung ra một số gói giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế.
Cùng ngày, nhiều nghị sĩ Quốc hội Ai Cập đã lên tiếng kêu gọi áp dụng lệnh giới nghiêm cục bộ nhằm hạn chế nguy cơ lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trong khi đó, Nội các Ai Cập kêu gọi người dân chỉ tham khảo các nguồn thông tin chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 và thận trọng trước các tin đồn trên mạng xã hội.
Tại Trung Đông, Iran là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất và cũng là ổ dịch lớn thứ 6 trên thế giới. Trong vòng 24h qua, quốc gia này có thêm 1.028 ca nhiễm COVID-19 và 129 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 21.638 và 1.685.
Nam Khánh (Tổng hợp)
Từ khóa:
-
Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”: Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
16-11-2024 12:05 10
-
Chiến thắng Bình Giã- mốc son lịch sử
16-11-2024 05:44 51
-
Các nhà lãnh đạo trẻ khát vọng xây dựng một ASEAN kết nối và sáng tạo hơn
16-11-2024 05:44 41
-
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
05-11-2024 14:56 51
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần tập trung vào Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao
04-11-2024 20:35 46
-
Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (Bài 2)
16-10-2024 15:40 32