Đây chỉ là hai trong hàng nghìn hộ nghèo của tỉnh những năm qua được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 87/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ. Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Vương Văn Minh cho biết : Chi nhánh đang triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách. Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng hưởng thụ, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo, Chi nhánh thực hiện ủy thác vốn tín dụng qua các tổ chức chính trị - xã hội. Đến hết năm 2017, tổng dư nợ ủy thác do 4 tổ chức chính trị - xã hội quản lý là 2.296,6 tỷ đồng/64.344 hộ vay, chiếm 99,8% tổng dư nợ với 2.513 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Đồng thời xây dựng và điều hành hiệu quả hệ thống điểm giao dịch xã. Toàn tỉnh có 199 điểm giao dịch tại trụ sở 199 UBND xã, phường, thị trấn với 2.514 tổ TK&VV tại các thôn, bản, không có thôn, bản nào không có tổ TK&VV. Hiện nay, Tổ lưu động được trang bị đầy đủ các công cụ, thiết bị để thực hiện các nghiệp vụ giao dịch với khách hàng như một ngân hàng “thu nhỏ” để cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, tiếp nhận hồ sơ vay vốn, xử lý nợ; họp giao ban với UBND, hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ trưởng tổ TK&VV; cung cấp các dịch vụ ngân hàng, công khai chính sách tín dụng...
Hằng năm, để thực hiện hiệu quả vốn tín dụng chính sách, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội cho 100% các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác, chủ tịch UBND và ban giảm nghèo cấp xã. Phối hợp với các cấp hội đoàn thể tuyên truyền, đào tạo, tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm và các đối tượng chính sách khác. Tham mưu cho Ban đại diện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nhân dân; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; bám sát vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, như: giảm nghèo, tạo việc làm, xóa nhà tạm, môi trường. Tham mưu cho Ban đại diện - Hội đồng quản trị các cấp phân bổ cơ cấu nguồn vốn hợp lý giữa các vùng, miền nhằm tạo cho nhân dân có nguồn vốn thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án trong giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... Tính đến hết năm 2017, tổng dư nợ các chương trình cho vay của Chi nhánh đạt hơn 2.301 tỷ đồng/64.468 hộ vay.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, giai đoạn 2002 - 2017, toàn tỉnh đã có 310.666 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tạo việc làm cho 169.437 lao động nông thôn; hỗ trợ chi phí cho 2.035 lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; giúp 22.045 học sinh, sinh viên con hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; xây dựng 33.746 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng 5.891 ngôi nhà cho hộ nghèo; mua trên 100.000 con trâu, bò cày kéo kết hợp sinh sản; trồng và chăm sóc trên 200 ha rừng và cây ăn quả; mua trên 100.000 máy nông nghiệp các loại... Góp phần giảm 56.956 hộ nghèo, đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Theo Báo Cao Bằng