Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có trên 200.000 trẻ tự kỷ, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều. Các chuyên gia nhận định, tự kỷ ở trẻ em Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, càng phức tạp hơn trong cuộc sống hiện đại (năm 2007, số lượng trẻ em mắc chứng tự kỷ đã tăng lên 50 lần so với năm 2000). Trong khi đó, nước ta vẫn còn thiếu những chương trình mang tính qui mô và có tính chuyên môn cao dành cho nhóm đối tượng này. Mặt khác, nhận thức của cộng đồng, gia đình, nhà trường… đối với các trẻ em tự kỷ vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học, chưa có tài liệu chuẩn mực của quốc gia về trẻ tự kỷ, dẫn đến thực trạng khó khăn trong công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp các em hòa nhập cộng đồng. Về tài liệu chuyên môn liên quan, hiện có rất nhiều các nguồn thông tin chính thức và không chính thức về tự kỷ ở trẻ em, sự chênh lệch khá nhiều về tiếp cận kiến thức giữa các phụ huynh ở các vùng miền thì việc chính thức giới thiệu tài liệu nhằm đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề trẻ em tự kỷ, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hỗ trợ trẻ em tự kỷ cho cha mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và cộng đồng; đồng thời góp phần xây dựng, thực hiện chính sách, biện pháp hỗ trợ can thiệp cho trẻ em tự kỷ theo Luật Người khuyết tật. Bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam là một phần của Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) triển khai với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng, thực hiện trong 5 năm (2018-2022).
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, quá trình biên soạn bộ tài liệu trong một năm rưỡi qua có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như: Tọa đàm về vấn đề trẻ em tự kỷ; đánh giá, khảo sát nhu cầu sử dụng tài liệu bao gồm cả trẻ em ở thành phố và vùng sâu, vùng xa; tập huấn thử nghiệm tài liệu tại các trung tâm để đánh giá mức độ ứng dụng. Bộ tài liệu là kết quả của công trình nghiên cứu có quy mô lớn với sự tham gia của các nhà chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành đến từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục và các trung tâm can thiệp trên cả nước. Trải qua 4 cuộc hội thảo khoa học cấp cao, bộ tài liệu được Khoa Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm Hà Nội), một trong những cơ sở hàng đầu tại Việt Nam về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, chủ trì biên soạn trong hơn 1 năm.
"Sự ra đời của bộ tài liệu có ý nghĩa và giá trị thiết thực, cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản về rối loạn phổ tự kỷ. Đồng thời, giới thiệu cách nhận biết các dấu hiệu, phương pháp can thiệp và xây dựng, thực hiện chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ. Bộ tài liệu giúp các phụ huynh có cách nhìn thống nhất, hiểu đúng về trẻ tự kỷ, từ đó định hướng cách hỗ trợ tốt nhất cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã công bố bộ tài liệu, gồm 2 cuốn sách: Tài liệu tự kỷ dành cho giáo viên, nhân viên kỹ thuật, can thiệp có 7 phần với định hướng biên soạn giúp nhà chuyên môn có hiểu biết, hỗ trợ và đáp ứng phù hợp với các giai đoạn chính trong "vòng đời" tự kỷ, giải đáp những thắc mắc phổ biến về tự kỷ (thuốc, dinh dưỡng, giấc ngủ…) và bước đầu định hướng thực tiễn can thiệp bằng các phương pháp có căn cứ khoa học theo xu thế chung của thế giới. Tài liệu tự kỷ dành cho cha mẹ và người chăm sóc có 3 phần gồm các nội dung: Hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ, những việc cha mẹ cần làm sau khi có kết quả chuẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ và phương pháp can thiệp các lĩnh vực cơ bản và quản lý hành vi cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ.
Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, trong những bước đi kế tiếp, Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" sẽ tập trung đào tạo cho 200 cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng được phổ biến kiến thức về tự kỷ; 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tiếp cận với các kiến thức được chuẩn hóa về trẻ em tự kỷ tại ở Việt Nam. Thông qua kết quả phổ biến kiến thức, khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, dự án sẽ tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng để giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử dành cho trẻ tự kỷ và gia đình các cháu, tăng cường sự quan tâm trách nhiệm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và cộng đồng với gia đình có trẻ tự kỷ trong hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Tăng cường sự hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các nhà chuyên môn, cộng đồng tại địa phương trong việc nâng cao năng lực về tổ chức hoạt động can thiệp cho trẻ tự kỷ nhằm mang lại cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa cho trẻ em tại cộng đồng. Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông mở rộng dưới hình thức truyền thanh, truyền hình các gia đình có trẻ em tự kỷ và cộng đồng xã hội được hiểu biết, nâng cao nhận thức và trang bị một số kiến thức cơ bản về trẻ em tự kỷ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, thông qua các hoạt động giáo dục, rèn luyện, phổ cập thì trẻ tự kỷ có thể phát triển tốt chỉ như mắc một dạng bệnh lý nhưng dù là bệnh hay tật thì các cơ quan, ban ngành cũng cần nghĩ giải pháp để chăm lo, giúp đỡ các cháu hòa nhập cộng đồng. Bộ tài liệu này sẽ giúp cộng đồng hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ, thực trạng gia tăng nhanh chóng số lượng trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại Việt Nam, đồng thời cung cấp cho các giáo viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ và các cha mẹ đang chăm sóc trẻ em tự kỷ những kiến thức toàn diện và đúng đắn về dấu hiệu nhận biết, phương pháp can thiệp, cũng như xây dựng chương trình can thiệp phù hợp để giúp trẻ cải thiện hành vi.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu hoan nghênh sáng kiến ban hành bộ sách hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, khẳng định đây là việc làm hết sức thiết thực, có ý nghĩa nhân văn cao cả, kết nối sự quan tâm của cả nước tới các trẻ em tự kỷ ở Việt Nam. Khi nhận thức của các gia đình, cộng đồng, xã hội về hội chứng này còn thiếu đầy đủ, thậm chí sai lệch, gây ra rất nhiều khó khăn cho trẻ tự kỷ trong việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục và các chính sách an sinh xã hội thì việc ra đời một Bộ tài liệu chính thống, đầy đủ là rất cần thiết.
Một số đại biểu cũng cho rằng, trên cơ sở bộ tài liệu, trong quá trình triển khai sau này, đơn vị thực hiện có thể phát hành thành những tờ rơi, sổ tay thì sẽ phát huy được sự lan tỏa hơn nữa. Đồng thời, bên cạnh việc tăng cường truyền thông về hội chứng tự kỷ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội và của chính bản thân những gia đình có trẻ tự kỷ về hội chứng này thì cần thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù đối với trẻ tự kỷ và hỗ trợ gia đình có trẻ tự kỷ
Nguyễn Đăng Doanh
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45