Chứng khoán toàn cầu “xanh mướt” sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình
Trong bài phát biểu được chờ đợi tại Diễn đàn Bác Ngao về châu Á đang diễn ra ở đảo Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về kế hoạch mở rộng hơn nữa cánh cửa nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm hạ thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng tích cực sau tuyên bố này, với các chỉ số chính từ Á sang Mỹ đồng loạt "xanh".
Theo tin từ CNBC, ông Tập Cận Bình nói rằng các biện pháp để mở cửa kinh tế Trung Quốc rộng hơn bao gồm giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với ôtô và các mặt hàng khác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp đối với các công ty nước ngoài, và cải thiện môi trường đầu tư cho các công ty nước ngoài.
Tuyên bố này được nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dựng hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của nhau. Diễn đàn Bác Ngao, nơi ông Tập Cận Bình phát biểu sáng nay, là một sự kiện thượng đỉnh thường niên, được xem là "Davos (nơi diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm) châu Á".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại kỳ họp Quốc hội nước này, tháng 3/2018 - Ảnh: Reuters.
Trong bài phát biểu, ông Tập nói Trung Quốc sẽ đưa ra sáng kiến để tăng nhập khẩu trong năm nay và cố gắng nhập khẩu những mặt hàng theo nhu cầu của người dân.
"Trung Quốc không tìm kiếm thặng dư thương mại. Chúng tôi thực sự mong muốn tăng nhập khẩu và đạt tới sự cân bằng cao hơn trong cán cân thanh toán quốc tế", ông Tập nói. "Chúng tôi hy vọng các quốc gia phát triển sẽ dừng việc áp đặt hạn chế đối với thương mại bình thường và hợp lý các sản phẩm công nghệ cao đồng thời nới lỏng kiểm soát xuất khẩu trong thương mại những mặt hàng này với Trung Quốc".
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng đưa ra tầm nhìn về một Trung Quốc với quốc gia lãnh đạo ôn hòa của nền kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh rằng những hệ thống mở là hướng hành động tốt nhất cho thế giới.
"Chúng ta nên giữ vững sự cởi mở, kết nối và đôi bên cùng có lợi, xây dựng một nền kinh tế mở toàn cầu, và tăng cường hợp tác trong G20, APEC và các khuôn khổ đa phương khác. Chúng ta nên thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương", ông Tập nói. "Bằng cách này, chúng ta sẽ đưa toàn cầu hóa kinh tế trở nên rộng mở, bao trùm, cân bằng và mang lại lợi ích cho tất cả".
Ông Tập cho biết cơ quan bảo vệ tài sản trí tuệ của Trung Quốc trong năm nay sẽ đẩy mạnh việc thực thi luật pháp trong lĩnh vực này. "Chúng tôi khuyến khích trao đổi và hợp tác về công nghệ thông thường giữa doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài, đồng thời bảo vệ tài sản trí tuệ hợp pháp của các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc".
Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc cũng cho biết nước này sẽ nâng trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất. Ông nói Trung Quốc đang bước vào một "giai đoạn mới của tiến trình mở cửa".
"Xã hội loài người đang đối mặt với một lựa chọn lớn là mở cửa hay đóng cửa, tiến về phía trước hay tụt hậu", ông Tập Cận Bình nói. "Trên thế giới ngày nay, xu hướng hòa bình và hợp tác đang tiến lên, còn tư duy chiến tranh lạnh và trò chơi có tổng bằng 0 đã trở nên lỗi thời".
Hãng tin Bloomberg cho rằng căng thẳng thương mại đã có ảnh hưởng đến bài phát biểu này của ông Tập tại Diễn đàn Bác Ngao, sự kiện còn có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.
Kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, ông Tập đã thể hiện vai trò người đi đầu về ủng hộ hệ thống thương mại hiện nay của thế giới. Năm ngoái, ông được cho là ngầm chỉ trích chủ trương "nước Mỹ trên hết" của ông Trump khi ông phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ. Khi đó, ông Tập đã so sánh chủ nghĩa bảo hộ với "tự nhốt mình trong căn phòng tối".
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình ngày 10/4 cũng ngầm chỉ trích những chính sách như vậy: "Chỉ chú ý đến cộng đồng của mình mà không nghĩ đến người khác chỉ có thể dẫn tới một bức tường. Và chúng ta chỉ có thể đạt kết quả đôi bên cùng có lợi bằng cách giữ vững sự phát triển hòa bình và cùng nhau hợp tác".
"Bài phát biểu của ông Tập có vẻ bao hàm tất cả mọi vấn đề lớn mà Mỹ đã nêu ra, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ và tự do hóa thị trường", chiến lược gia Yoshinori Shigemi thuộc JPMorgan Asset Management ở Tokyo nhận định. "Ông ấy đã đá quả bóng sang sân của Mỹ, nhưng có vẻ Trung Quốc đang đặt nền móng để đạt một thỏa thuận với Mỹ".
Chỉ số S&P 500 tương lai của chứng khoán Mỹ có lúc tăng 1,5% sau bài phát biểu trên. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,7%, đảo ngược sự giảm điểm trước đó.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật tăng 1,1%, dẫn đầu là cổ phiếu của các hãng xe như Toyota tăng 1,9%, Honda tăng 2,1%.
"Bài phát biểu cho thấy sự mềm mỏng hơn của Trung Quốc với Mỹ. Cuối cùng, mọi người cảm thấy là hai bên đều có sự khuyến khích chính trị để ngồi vào bàn đàm phán", chiến lược gia Vishnu Varathan thuộc Mizuho Bank ở Singapore phát biểu.
Theo vneconomy
Từ khóa:
-
Mẫu ô tô Trung Quốc độc đáo được tích hợp cả máy bay
17-01-2025 12:47 45
-
Nam Long 'bung' cổ phiếu giá 0 đồng
17-01-2025 11:38 13
-
Chính thức chuyển giao bắt buộc GPBank và DongA Bank
17-01-2025 11:37 59
-
Thêm 8 dự án nhà ở xã hội hàng nghìn căn hộ ở quận nào Hà Nội?
16-01-2025 15:54 51
-
Giá xăng dầu tiếp tục tăng, RON95-III lên 21.220 đồng/lít
16-01-2025 15:54 38
-
Nhiều thực phẩm tăng giá kỷ lục cận Tết
16-01-2025 07:53 15