Loạt cổ phiếu thép tăng mạnh đầu tuần sau thông tin áp thuế chống bán phá giá thép HRC từ Trung Quốc, Ấn Độ. Thị trường tiến sát tham chiếu khi VN-Index chạm ngưỡng 1.300 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch tích cực, khi thanh khoản tiếp tục tăng, giúp VN-Index duy trì đà tăng 4 phiên liên tiếp và tiến sát mốc 1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự quan trọng đã được thiết lập từ tháng 8/2022, và cho đến nay, thị trường chưa một lần vượt qua.
Chốt phiên sáng (24/2), sàn HoSE có 181 mã tăng và 246 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 1,03 điểm (+0,08%), lên 1.297,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 480 triệu đơn vị, giá trị 10.633 tỷ đồng, tăng hơn 41% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,34 triệu đơn vị, giá trị 770,6 tỷ đồng.
Các cổ phiếu thép đã nổi sóng ngay từ khi mở cửa. Đặc biệt, cổ phiếu HPG có lúc tăng kịch trần, kết thúc phiên sáng, cổ phiếu này đã tăng 4,54%, với thanh khoản hơn 60 triệu đơn vị với giá 27.650 đồng/cổ phiếu; các mã HSG và NKG cũng tăng gần 2% với thanh khoản sôi động.
Trên sàn HNX, một số cổ phiếu thép nhỏ hơn như VCA và TLH tăng “kịch trần”, cổ phiếu VGS cũng từng tăng mạnh và 11 giờ 30 phút đang ở mức 5,57%, TVN tăng 5,68%.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 63 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index giảm 0,57 điểm (-0,24%) xuống 237 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 31,5 triệu đơn vị, giá trị 542,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,52 triệu đơn vị, giá trị 27,68 tỷ đồng.
Mặc dù dòng tiền tham gia khá tích cực, áp lực bán gia tăng khi VN-Index đã trải qua 4 phiên tăng liên tiếp và đang gần chạm mốc tâm lý mạnh 1.300 điểm. Hiện thị trường chưa thể vượt qua được vùng giá này.
Nhóm VN30 hỗ trợ tốt cho thị trường khi đóng cửa với mức tăng gần 4,5 điểm, với 11 mã tăng và 13 mã giảm. Các mã khác trong nhóm VN30 chủ yếu biến động tăng giảm nhẹ.
Nhóm ngành gồm ngân hàng, chứng khoán và thép vẫn giữ vai trò "tiếp sức" cho thị trường. Các mã ngân hàng và chứng khoán chỉ tăng nhẹ, với những mã đáng chú ý như VIX và SSI cùng tăng hơn 1%, có thanh khoản thuộc top 5. Một số mã trong ngành như TCB, MBB, TPB, CTG, HCM, VND đã trở về mốc tham chiếu, thậm chí đảo chiều giảm nhẹ như VCB, ACB, VPB, OCB.
Trái lại, nhóm cổ phiếu công nghệ viễn thông vẫn giảm mạnh nhất, với FPT giảm hơn 1%, CTR giảm 1,6%, VGI giảm hơn 4%, SGT giảm 2,2%.
Trên UPCoM, thị trường cũng điều chỉnh giảm vào cuối phiên sáng. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,4%) xuống 100,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,52 triệu đơn vị, giá trị 400 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,35 triệu đơn vị, giá trị 10,35 tỷ đồng.
Cổ phiếu thép TVN vẫn là điểm sáng của UPCoM khi tăng 5,7%, đạt mức giá 9.300 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch đạt 2,26 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý khác như AAH giảm 9,4% và khớp 3,9 triệu đơn vị, MSR giảm 9,8% và khớp 2,28 triệu đơn vị, VGE giảm 3,3%, BOT giảm 2,8%, VGI giảm 4,1%, tất cả đều có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.
Đầu phiên chiều, thị trường biến động nhưng vẫn giữ ở mức 1.302 điểm trước thời điểm chốt phiên.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 19,38-27,83%, áp dụng từ ngày 8/3.
Theo số liệu hải quan, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc năm ngoái đạt 12,6 triệu tấn, tăng hơn 33% so với năm 2023. Đặc biệt, sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra vụ việc từ tháng 7/2024, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ thị trường này vẫn tiếp tục gia tăng.
Do vậy, Bộ Công Thương xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời, nhằm ngăn chặn lượng nhập khẩu thép cán nóng gia tăng nhanh có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước thời gian tới.
Hiện tại, tổng công suất sản xuất của hai doanh nghiệp lớn trong nước là Tập đoàn Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long và Formosa đạt 8,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu nội địa khoảng 13 triệu tấn/năm.
Lượng thép sản xuất trong nước không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn dành cho xuất khẩu với tỉ lệ trung bình 50 - 50.
Phương Hồng
-
Wuling Mini EV có thêm bản 5 cửa: Đi được hơn 200 km khi sạc đầy, giá khoảng 160 triệu đồng
24-02-2025 17:23 37 -
Hỗ trợ doanh nghiệp nông sản Việt giảm cảnh báo khi xuất khẩu vào EU
24-02-2025 17:23 28 -
Xanh SM có 'sáng cửa' khi lấn sân thị trường giao đồ ăn?
24-02-2025 15:52 50
-
Nhập khẩu thép Trung Quốc tăng vọt 33%, Bộ Công Thương quyết định bất ngờ
23-02-2025 11:19 27 -
Pi Network lên tiếng sau cáo buộc lừa đảo từ CEO Bybit
23-02-2025 07:47 44 -
Sầu riêng trái mùa đắt khách
23-02-2025 07:47 25