Chuyên gia dự đoán về kịch bản diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam 6 tháng cuối năm 2022
(LĐXH)- Sáng 5-7-2022, tại Hà Nội, Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Diễn biến thị trường giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm.
Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ phân tích một cách thẳng thắn, sâu sắc và khoa học về các khía cạnh liên quan đến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2022. Trên cơ sở đó có những căn cứ khoa học và thực tiễn để dự báo và đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát, thực hiện “mục tiêu kép” trong điều kiện bình thường mới của năm 2022 và những năm tiếp theo... Những giải pháp này không chỉ thực hiện trong năm 2022 và còn cần đưa ra lộ trình nhằm giúp cho kinh tế nước ta phát triển ổn định trong trung và dài hạn.
Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm so với các dự báo được đưa ra trước đó. Đáng chú ý là giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.
Lạm phát ở nhiều nước phương Tây lên cao nhất trong khoảng 30-40 năm trở lại đây; ví dụ: CPI của Mỹ tăng 8,6% (tháng 5-2022), Anh tăng 9,1% (tháng 5-2022)…
Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. PGS, TS Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh, những giải pháp này đã góp phần quan trọng giúp kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Theo đó, một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa; GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với bình quân cùng kỳ năm 2021 tuy cao hơn cùng kỳ năm 2021 song thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu này của các năm 2017-2020…
PGS, TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo 6 tháng cuối năm 2022, thị trường giá cả ở Việt Nam có nhiều nhân tố làm tăng chỉ số tiêu dùng (CPI).
Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là giá nhiều loại nguyên liệu, nhiên vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt, phân bón trên thị trường thế giới còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm. Điều này sẽ dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.
Ngoài ra, PGS, TS Nguyễn Bá Minh cũng cho rằng, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở nước ta vẫn còn những diễn biến phức tạp, trong đó dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng hay bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Từ đó, PGS, TS Nguyễn Bá Minh đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3% - 3,9%.
Cũng đánh giá kinh tế 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng song TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng thẳng thắn chỉ rõ, kinh tế nước ta còn nhiều thách thức; đặc biệt, chỉ số CPI hiện nay khá thấp (2,44%) nhưng có lẽ chưa phản ánh đúng bởi thực tế là giá nhiều mặt hàng hóa tăng khá mạnh.
TS Lê Quốc Phương đưa ra hai dự báo về kịch bản tăng CPI 6 tháng cuối năm. Cụ thể, theo kịch bản 1, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa kiềm chế lạm phát, nguồn cung hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm dồi dào, không gây biến động lớn về giá thì dự báo CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh, CPI bình quân cả nước sẽ dưới 4%.
Kịch bản 2, theo TS Lê Quốc Phương, nếu giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và lương thực kéo giá thành sản phẩm trong nước tăng theo, kinh tế Việt Nam phục hồi kéo theo cầu nội địa tiếp tục tăng, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu vùng, tín dụng tăng cao do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đều tăng thì CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm, khả năng CPI bình quân cả năm sẽ vượt 4%.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Màu của năm 2025 “Vàng Khởi Sắc” - Bước ra khỏi vùng an toàn để bứt phá
22-11-2024 18:20 55
-
SLP Park Long Hậu nhận Giải thưởng Dự án Bất động sản công nghiệp xuất sắc nhất
22-11-2024 18:20 53
-
AEON Việt Nam 2 năm liền dẫn đầu nơi làm việc tốt nhất ngành bán lẻ
21-11-2024 17:39 08
-
Dulux Professional đánh dấu năm thứ 8 đồng hành và thúc đẩy phát triển bền vững cùng giải thưởng BĐS Việt Nam PropertyGuru
18-11-2024 22:41 33
-
Dai-ichi Life Việt Nam vinh dự đạt danh hiệu “Doanh nghiệp vì cộng đồng - Saigon Times CSR” lần thứ 6 liên tiếp
18-11-2024 22:41 23
-
Tăng cường quảng bá các sản phẩm thiết kế thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Thủ đô
15-11-2024 05:17 22