Cơ hội thoát nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Nghệ An
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Nghệ An đã tạo ra nhiều cơ hội thoát nghèo bền vững khi giúp gần 500 nghìn lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vay ưu đãi 5.174 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) cùng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu khác.
Chuyện vui ở Kỳ Sơn
Ðoàn công tác NHCSXH Việt Nam và Ủy ban Dân tộc vừa đi nắm tình hình ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), là huyện nằm trong chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của Chính phủ. Khi đến thăm các trang trại ở xã biên giới Tà Cạ, mọi người vui mừng thấy đồng vốn của NHCSXH được người dân phát huy khá hiệu quả. Trang trại của ông Vi Văn Dũng (54 tuổi) ở bản Hòa Sơn có 20 con bò, 30 con dê, 100 con gà đen, cùng vườn cây ăn quả 1,8 ha là một thí dụ.
Ông Dũng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn nhất bản. Sống chủ yếu nhờ nương rẫy, lại nuôi ba con ăn học. Tháng 3-2008, gia đình tôi được NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho vay 10 triệu đồng để mua một con bò cái. Sau hơn ba năm, gia đình tôi gây dựng đàn bò lên đến năm con. Khi nợ đến hạn, gia đình bán một con bò hoàn trả nợ đầy đủ cho ngân hàng. Sau đó, tôi lại được vay thêm 20 triệu đồng tiếp tục phát triển chăn nuôi. Nhờ vốn vay của NHCSXH, sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật thú y của xã và tổ chức hội, gia đình làm ăn thuận lợi, thoát nghèo. Ngoài tiền đầu tư cho con đi học, gia đình tôi đã xây được nhà ở khang trang, có ti-vi, tủ lạnh, xe máy. Ngoài ra, còn đầu tư thêm hai máy xát gạo phục vụ người dân trong bản.
Bà La Thị Chiến (53 tuổi) người dân tộc Thái ở bản Cánh chia sẻ: "Năm 2012, gia đình mạnh dạn vay 30 triệu đồng của NHCSXH để tiếp tục phát triển chăn nuôi, mua thêm bò giống và lợn giống. Ngoài ra, vay 22 triệu đồng cho con đi học Trường cao đẳng Y Nghệ An. Ðến năm 2015, con tốt nghiệp ra trường thì gia đình cũng trả hết vốn vay. Ðến tháng 8-2017, tôi lại được vay 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, bảo vệ 4 ha rừng xoan, săng lẻ, đinh hương…".
Chuyện vui của ông Dũng, bà Chiến và nhiều gia đình khác mà chúng tôi được gặp trong chuyến công tác tại huyện Kỳ Sơn đều có điểm chung là nhờ vay vốn NHCSXH phát triển SXKD mà vươn lên thoát nghèo. Trong hơn 15 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH huyện Kỳ Sơn thực hiện đã giải ngân hơn 613 tỷ đồng với 30.736 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (chủ yếu là đồng bào DTTS). Dư nợ tính đến cuối tháng 5-2018 đạt hơn 246 tỷ đồng, với 10.545 lượt hộ.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng cho biết: Ngoài việc thụ hưởng các chính sách chung như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các chương trình vay vốn làm nhà..., đồng bào còn được thụ hưởng nhiều chương trình đặc thù với mức lãi suất và thời hạn ưu đãi đặc biệt. Từ năm 2007 đến nay, sau khi triển khai các chương trình tín dụng đặc thù dành riêng cho vùng nghèo và đồng bào DTTS, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 30a "về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo".
Tín dụng chính sách xã hội đã thật sự đóng góp to lớn vào kết quả giảm nghèo toàn huyện và cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm của Kỳ Sơn đạt 5,5%, cao hơn mục tiêu đề ra từ 4% đến 5%; trong hai năm 2016-2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đạt 4,77% so với mục tiêu từ 4% đến 5%...
Tạo cơ hội thoát nghèo
Tín dụng chính sách nói chung và đối với đồng bào DTTS nói riêng là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước. NHCSXH tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và nhất là tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS. Theo Giám đốc NHCSXH chi nhánh Nghệ An Trần Khắc Hùng: Sau hơn 15 năm hoạt động, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã thực hiện doanh số cho vay gần 20.000 tỷ đồng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với hơn 1,5 triệu lượt người vay. Trong đó, doanh số cho vay đối với đồng bào DTTS là 5.174 tỷ đồng (chiếm 26,2%), với gần 425 nghìn lượt hộ vay vốn (chiếm gần 29%). Hiện đang có 299 nghìn người vay còn dư nợ. Trong đó, có hơn 80 nghìn người vay là đồng bào DTTS với dư nợ hơn 1.700 tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ.
Ngoài các ưu đãi khi vay vốn như các đối tượng khác, đồng bào DTTS được thụ hưởng riêng một số chương trình tín dụng đặc thù với mức lãi suất và thời hạn rất ưu đãi. Ðã có hơn 12 nghìn lượt hộ đồng bào DTTS được vay hơn 108 tỷ đồng từ các chương trình ưu đãi này. Chi nhánh đã ưu tiên nguồn vốn cho các huyện nghèo, vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng vốn tại vùng nghèo, vùng DTTS luôn cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của toàn tỉnh, mức tăng trưởng cho 11 huyện miền tây Nghệ An từ năm 2007-2017 đạt 44,4%, trong khi mức tăng bình quân chung là 43%. Tín dụng chính sách giúp 175 hộ vươn lên thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 85.600 lao động tại chỗ, 8.644 người đi xuất khẩu lao động; hơn 102 nghìn hộ SXKD tại vùng khó khăn; hơn 18 nghìn hộ đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất...
Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn Nghệ An nói chung, và nhất là vùng đồng bào DTTS nói riêng. Tỷ lệ hộ nghèo tại vùng nghèo và đồng bào DTTS trong hai năm từ 2016-2017 đã giảm từ 24,04% xuống còn 17,04%, với 17.214 hộ (các huyện nghèo giảm bình quân 5% mỗi năm). Ngoài ra, tín dụng chính sách đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo các bản làng vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng nghèo, vùng DTTS.
Thành Châu
Từ khóa:
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
-
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
21-01-2025 14:53 47
-
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
21-01-2025 09:12 54
-
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
20-01-2025 11:41 22
-
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
20-01-2025 07:43 42
-
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
19-01-2025 23:43 35