Xã hội
Công tác xã hội trong xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc miền núi: Kinh nghiệm từ Bắc Giang
10:45 AM 12/06/2020
(LĐXH)- Trong những năm qua, bên cạnh việc triển khai tốt các chương trình, dự án, chính sách đặc thù, công tác xã hội (CTXH) và chính sách xã hội luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Giang quan tâm thực hiện, đã mang lại những kết quả tích cực đối với vùng dân tộc thiểu số và vùng miền núi của tỉnh.
Khẳng định vai trò quan trọng của CTXH
Theo ông Chu Minh Quý – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, hiệu quả của công tác xã hội đã được thể hiện qua nhiều mặt của đời sống xã hội. Thứ nhất, về công tác y tế và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện tốt. Có thể thấy, cơ sở vật chất cho y tế được tăng cường, hệ thống trạm y tế các xã được quan tâm đầu tư xây dựng; trang thiết bị y tế, thuốc men luôn được đảm bảo; việc đào tạo, bố trí nguồn nhân lực y tế được quan tâm thực hiện. Đến nay, Bắc Giang đã có 100% số xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố, trong đó có 190/230 xã, phường, thị trấn đạt “Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2030”. Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện được đầu tư nâng cấp đã thực hiện tốt yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong khu vực. Đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp được bổ sung về số lượng và được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng.
Đồng bào các dân tộc cần được tạo điều kiện phát triển sản xuất (Ảnh minh họa)
Đến nay, 100% trạm y tế các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi của tỉnh có bác sĩ và y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh; 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc, miền núi trong những năm qua có chuyển biến tích cực; chương trình quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ, đã ngăn chặn, kiểm soát được các bệnh dịch như: lao, phong, bướu cổ, sốt rét. Việc phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, các bệnh xã hội được tăng cường; công tác y tế dự phòng được triển khai từ cơ sở, do đó những năm qua, vùng đồng bào dân tộc, miền núi của tỉnh không để xảy ra dịch bệnh lớn.
Thứ hai, công tác phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành chức năng, đã có bước cải thiện đáng kể, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên.
Trong 5 năm, đào tạo nghề, tập huấn chuyên môn, kỹ thuật cho gần 1,4 vạn lao động; tỷ lệ người dân tộc thiểu số qua đào tạo tăng từ 18,75% năm 2012 lên 28,54% năm 2016; giải quyết việc làm cho trên 1,8 vạn lao động người dân tộc thiểu số; tổ chức 1.300 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 6.000 phụ nữ người dân tộc thiểu số vào làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh – trật tự trên địa bàn.
Thứ ba, các chính sách an sinh và chính sách dân tộc, chính sách phát triển trên địa bàn dân tộc và miền núi của tỉnh đã triển khai thực hiện tốt. Theo đó, chính sách tín dụng được các cấp, các ngành quan tâm. Cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ vay xóa nhà tạm cho trên 5.000 hộ nghèo và hộ chính sách.
Việc cấp thẻ BHYT được quan tâm. 100% đồng bào dân tộc các xã thuộc vùng khó khăn và các đối tượng chính sách được cấp thẻ BHYT miễn phí. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai theo đúng quy định. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách đặc thù như Chương trình 135, Chính sách 1592, 775/TTg được triển khai thực hiện có hiệu quả, đã góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng các xã khu vực III, ĐBKK; giúp chuyển đổi nghề cho các hộ thiếu đất sản xuất, tạo việc làm cho người dân. Ngoài ra, giúp giải quyết cơ bản tình trạng khó khăn về nước sinh hoạt, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất.
Thông qua các chương trình, dự án, chính sách này, diện mạo nông thông vùng dân tộc thiểu số và miền núi có những thay đổi căn bản. Kinh tế vùng dân tộc thiểu số hàng năm tăng trưởng khá; nhiều địa phương đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi, sản xuất hàng hóa như: gà đồi Yên Thế; vải Thiều, cam Vinh, bưởi da xanh ở huyện Lục Ngạn; na dai, hạt dẻ tại Lục Nam; trồng rừng kinh tế ở Sơn Động, Yên Thế…  
Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc và miền núi được quan tâm đầu tư xây dựng; sự nghiệp y tế, giáo dục được nâng lên; văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy; quốc phòng – an ninh được giữ vững… Góp phần vào sự thay đổi và phát triển đó, có sự đóng góp rất lớn của CTXH, các chính sách xã hội, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của CTXH đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Riêng đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang, CTXH có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với địa phương, cơ sở cấp huyện, xã. Theo ông Chu Minh Quý, vai trò này thể hiện ở những nội dung như: Hỗ trợ các hộ vay vốn và hướng dẫn các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng dân tộc và miền núi. Vai trò của CTXH còn thể hiện trong việc thực hiện xã hội hóa huy động sức người, sức của từ nhân dân để tham gia xây dựng hạ tâng cơ sở, nhất là những công trình giao thông, thủy lợi; tạo điều kiện cho nhân dân trong lưu thông hàng hóa, ổn định cuộc sống.
Một vai trò không kém phần quan trọng của CTXH trên địa bàn vùng đồng bảo dân tộc thiểu số là đã hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, nhất là người nghèo tham gia vào các chương trình giảm nghèo, tham gia xây dựng mô hình phát triển sản xuất; qua đó tạo nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Cùng với đó, giúp phát huy tốt công tác truyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo.
Cần tăng cường thay đổi nhận thức về CTXH
Nhìn nhận từ góc độ CTXH, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững, đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các thành phần dân tộc, giữa vùng dân tộc với các vùng khác trong tỉnh, thời gian tới Bắc Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp.
Tặng bò cho hộ nghèo ở Bắc Giang
Cụ thể, về phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tính chủ động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo bền vững. Trước mắt giải quyết tình trạng thiếu điện, điện yếu không đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất; khắc phục tình trạng khó khăn về giao thông, nhất là trong mùa mưa lũ. Ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, dạy nghề giải quyết việc làm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc. Điều chỉnh, bổ sung xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, thực hiện tốt quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm; xây dựng các cụm dân cư tập trung, gắn kết chuỗi du lịch cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng giảm nghèo bền vững vùng dân tộc.
Cùng với đó, nâng cao năng lực, hiệu quả quả lý Nhà nước về công tác dân tộc, chú trọng quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số. Quan tâm bảo vệ môi trường để ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và suy kiệt hệ sinh thái. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng dân tộc thiểu số thuộc khu vực đặc biệt khó khăn.
Về giải pháp nâng cao vai trò, hiệu quả của CTXH đối với xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi, Bắc Giang xác định: Tăng cường thay đổi nhận thức về CTXH. Ngoài những nhân dân chuyên trách, cộng tác viên trẻ về CTXH thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức khi triển khai nhiệm vụ trực tiếp tại cơ sở, trực tiếp với người dân có thể coi là đang làm CTXH. Tăng cường năng lực và nâng cao vị thế của CTXH, tập trung phát triển các cộng tác viên CTXH tại sơ sở, nhất là tại thôn, bản; thường xuyên quan tâm tập huấn nâng cao nghiệp vụ, trang bị kỹ năng và điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động của nhân viên, cộng tác viên CTXH.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên, cộng tác viên CTXH được nắm bắt thông tin về các chủ trương, chính sách, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hộ, về giảm nghèo của địa phương để thuận tiện cho công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Tăng cường sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò người uy tín, trưởng các dòng họ… trong việc tham gia vào chương trình, kế hoạch giảm nghèo của địa phương; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng./.
Nguyễn Lại Thìn
Từ khóa: