Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Đổi mới để phát triển
(LĐXH) Ngay khi ở đỉnh cao của vinh quang, Ban chấp hành Đảng bộ Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã có tầm nhìn xa, biết chỉ ra những thách thức của môi trường và điều kiện cạnh tranh mới, quyết tâm đổi mới, vượt qua chính mình để tiếp tục đưa Công ty phát triển nhanh và bền vững.
Luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “ Thắng không kiêu, bại không nản ” ngay khi đang đạt đỉnh cao lập nên “ Hiện tượng Rạng Đông ” 2015, Ban chấp hành Đảng ủy đã đánh giá động lực cuộc Đổi mới lần I 1990- 2015 đã yếu dần. Đại hội Đảng bộ Công ty nhiệm kỳ 24 (2016 - 2020) đã quyết định tiến hành cuộc Đổi mới lần II của Công ty để thích ứng nhanh với tình hình mới. Ngay từ tháng 9/2015 Công ty đã ký Thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Ngoại thương và PGS/TSKH Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế & Thương mại Quốc tế của trường làm chuyên gia Tư vấn trưởng quản trị chiến lược phát triển Công ty 2016 - 2020, làm đầu mối chủ trì phối hợp với chuyên gia nhiều Viện, Trường Đại học khác thực hiện quá trình Đổi mới Công ty.
Thực tế triển khai chiến lược hơn 3 năm qua, môi trường và điều kiện cạnh tranh trên thị trường còn diễn biến nhanh hơn, vượt qua những dự báo ban đầu. Bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hiện nay đòi hỏi tư duy toàn cầu, thị trường toàn cầu, cạnh tranh và đối thủ toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu nên mô hình quản trị phải nâng lên một tầm cao mới. Từ kinh tế tri thức với sự phát triển tiệm tiến của các ngành khoa học công nghệ, nay cuộc cách mạng I-4.0 với sự phát triển đột phá và giao thoa lẫn nhau của các thành tựu đỉnh cao của Vật lý học – Sinh học và Công nghệ thông tin đã thay đổi mọi mô hình sản xuất, mô hình kinh doanh, điều kiện cạnh tranh và hành vi tiêu dùng khác hẳn, mà thời điểm 2015 Việt Nam chúng ta chưa nhận thức được.
Riêng với Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, lĩnh vực chiếu sáng trên thế giới và Việt Nam xuất hiện giai đoạn chuyển đổi tầng công nghệ từ công nghệ nguồn sáng phóng điện hồ quang áp suất thấp và cao sang công nghệ chiếu sáng rắn (LED) làm thay đổi quá nhanh chiến lược sản phẩm của Công ty là một thử thách lớn.
Ngay từ đầu xây dựng chiến lược 2016 - 2020, căn cứ vào dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường uy tín quốc tế như Mc Kinsey, theo đó đèn huỳnh quang (FL) còn duy trì đến năm 2022, đèn huỳnh quang compact (CFL) tốc độ suy giảm hàng năm 10-15%/năm.
Trong chiến lược, Công ty đã quyết định giảm dần các sản phẩm chiếu sáng chủ lực truyền thống này và duy trì đến 2020, đồng thời từng bước đầu tư phát triển sản phẩm LED trong tương lai thành sản phẩm chủ lực – Chiến lược thay thế sản phẩm truyền thống.
Song trong thực tế, LED đang là một trong những mũi nhọn của khoa học công nghệ trên thế giới, các chỉ tiêu chất lượng được cải thiện quá nhanh, giá thành sản phẩm giảm quá nhanh, so với nhiều lộ trình công nghệ dự báo trước đây. Đặc biệt sau khi bản quyền sáng chế Công nghệ lắng đọng hóa học cơ kim và máy chế tạo Wafer MOCVD hết thời hạn, Trung Quốc đầu tư ồ ạt, giá thành LED giảm càng mạnh mẽ hơn.
Vì vậy, doanh thu các sản phẩm chiếu sáng truyền thống Rạng Đông giảm với tốc độ quá nhanh so với dự kiến, năm 2015 chiếm tỷ trọng 69%, 2016: 50%, 2017: 35% và 2018 còn 8% tổng doanh thu Công ty hàng năm.
Mặc dù chuẩn bị cho chuyển tầng công nghệ sang chiếu sáng rắn – LED từ rất sớm. Năm 2003 Công ty đã tiếp cận các nhà cung cấp thiết bị LED để chọn pha – công đoạn tham gia chuỗi LED Rạng Đông có lợi thế, năm 2008 chiếc bóng đèn LED đầu tiên của Rạng Đông ra đời để tiếp cận thực tế, năm 2011 thành lập Trung tâm R&D chiếu sáng xây dựng nền tảng công nghệ cho sản xuất LED, năm 2014 thành lập xưởng LED & Điện tử sản xuất quy mô công nghiệp. Nếu không sớm và kịp thời phát triển sản phẩm LED, không thể hình dung Rạng Đông lúc này đang ở đâu!
Lấy mốc 2010 trước khi thành lập Trung tâm R&D, cả năm chỉ tiêu thụ 13.900 sản phẩm, với doanh thu 1 tỷ 440 triệu đồng, thì năm 2018 – chỉ sau 7 năm 8 tháng, cả năm đã tiêu thụ 32 triệu 900 ngàn sản phẩm gấp 2.400 lần, doanh thu 2.211 tỷ gấp 1.500 lần.
Sự thay đổi chiến lược sản phẩm, chuẩn bị kịp thời cho giai đoạn chuyển tầng công nghệ sản phẩm LED của Rạng Đông, từ dự kiến đến 2020 sẽ trở thành sản phẩm Chủ lực - Chiến lược thì nay, ngay từ 2018 sản phẩm LED đã phải là sản phẩm Chủ lực – Chiến lược – Mũi nhọn – Cứu cánh, không những phải bù đắp phần suy giảm của sản phẩm chiếu sáng truyền thống mà còn tăng tổng doanh thu hàng năm với tốc độ 10 - 11%/ năm.
Các nhà kinh tế học hiện đại, nêu ra lý thuyết chuyển đổi tầng công nghệ và tổng kết quá trình chuyển giao giữa các tầng công nghệ đều được đánh dấu bằng các cuộc khủng hoảng trầm trọng. Ngoài việc phải vượt qua giai đoạn chuyển đổi tầng công nghệ, cạnh tranh trên thị trường sản phẩm LED cũng khác hẳn trước. Nếu như trước đây thị trường cạnh tranh sản phẩm chiếu sáng ở Việt Nam chỉ có 5-7 đối thủ, Rạng Đông lại giữ vai trò chi phối, thì nay với sản phẩm LED có tới trên 3.600 công ty nhập khẩu LED, lắp ráp đơn giản các modul LED Trung Quốc bán sẵn, ngoài ra còn có 20 công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sản xuất tại Việt Nam. Rạng Đông nếu không đổi mới mạnh mẽ sẽ như con cá cồng kềnh bị hàng đàn cá nhỏ thay nhau rỉa liên tục, cứ thế mà mệt mỏi suy yếu dần, chưa nói tới cạnh tranh các đối thủ nước ngoài.
Chỉ nói việc nâng cao sức cạnh tranh một sản phẩm LED: M16 và M26 mới xảy ra trong Quý 1/2019. Để cạnh tranh được trên thị trường, cán bộ công nhân Xưởng LED & Điện tử đã tự thiết kế chế tạo dây chuyền tự động cho riêng mình, nâng cao năng suất một ca từ 3.500 sản phẩm với 21 người lên 7.000 sản phẩm với 17 người, đã cải tiến thiết kế sản phẩm, thay thế vật tư… giảm được giá thành tới 26%; song để phát triển thị phần và tăng trưởng, giá bán phải giảm đi trên 38%. Thị phần tăng, doanh thu tăng nhưng tỷ suất lợi nhuận giảm từ 13,5% xuống còn 9,8%. Đây là một ví dụ điển hình mục tiêu chiến lược 2016 - 2020 đề ra, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp đưa Công ty phát triển nhanh và bền vững phức tạp, khó khăn và thách thức tới mức nào.
Song khó khăn lớn nhất trong hơn 3 năm mở đầu cuộc Đổi mới lần II vừa qua chính là phải vượt qua chính mình.
Nếu như trong cuộc đổi mới lần I, khi Công ty phải đóng cửa toàn bộ 6 tháng, quyết tâm thay đổi dễ dàng hơn, thậm chí nhiều cán bộ, đảng viên, công nhân tình nguyện nghỉ việc để cứu con thuyền Rạng Đông sắp chìm. Thì lần này, khi quyết định tiến hành cuộc Đổi mới lần II, Rạng Đông đang ở đỉnh cao trong môi trường và điều kiện cạnh tranh cũ, đến giữa năm 2016 vẫn còn Hội thảo về “ Hiện tượng Rạng Đông ”.
Không phải là dễ dàng, ngay khi ở đỉnh cao của vinh quang, Ban chấp hành Đảng bộ phải có tầm nhìn xa, biết chỉ ra những thách thức của môi trường và điều kiện cạnh tranh mới, tạo ra những “đứt gãy” để đẩy tập thể thoát ra khỏi vùng an toàn, quen thuộc và dễ chịu nhưng rất dễ trì trệ, tập quên đi – quên thật nhanh những thắng lợi của ngày hôm qua. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Trong Báo cáo kiểm điểm nhiệm vụ lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng ủy Công ty năm 2018 họp ngày 11 tháng 12 năm 2018 đã thống nhất đánh giá: “ Trong thời kỳ Công ty tiến hành Đổi mới lần thứ II, trong một số đồng chí Đảng ủy viên có sự nhận thức, tư duy, quan điểm chưa đồng nhất, việc đánh giá những tồn tại của hệ thống cũ, việc thay đổi tổ chức theo mô hình mới, quy hoạch cán bộ cho giai đoạn mới bắt đầu xuất hiện sự phân tâm trong một số bộ phận”.
Vạn sự khởi đầu nan, hơn 3 năm qua mở đầu cho công cuộc Đổi mới Công ty lần II nhằm thích ứng nhanh với môi trường và điều kiện cạnh tranh mới thời Toàn cầu hóa và cách mạng I-4.0 lại đúng vào lúc doanh nghiệp vượt qua thử thách của giai đoạn chuyển đổi tầng công nghệ là thách thức to lớn và phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ, có lúc tưởng như vượt quá sức mình.
Tuy nhiên, đáng mừng là ba năm đầu của Chiến lược Đổi mới Công ty 2016-2020 mà các chỉ tiêu từng năm do Đại hội Đảng bộ Công ty họp ngày 22/5/2015 đã hoàn thành thắng lợi. Nếu lấy năm 2015 làm mốc, doanh thu đạt 2.660 tỷ, mục tiêu phấn đấu mỗi năm tăng 8-10%. Thực tế 2016 đạt 2.940 tỷ (tăng 10.52%), 2017 đạt 3.270 (tăng 11.22%); năm 2018 đạt 3.621 tỷ (tăng 10.73%).
Về NSLĐ tính theo Doanh thu/ người/ năm: Năm 2015: 1.04 tỷ; 2016: 1.25 tỷ (tăng 20%); 2017: 1.51 tỷ (tăng 20.8%); năm 2018: 1.78 tỷ (tăng 17.88%).
Thu nhập bình quân của người lao động: Năm 2015: 10.5 triệu; 2016: 12 triệu; 2017: 12.9 triệu; năm 2018: 13.7 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2018 Công ty nộp ngân sách 331 tỷ; Lợi nhuận đạt 259 tỷ đồng.
Riêng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 chỉ bằng 95.6% lợi nhuận 2017 do chi phí đầu tư cạnh tranh phát triển thị phần.
Và kết quả quan trọng hơn, Hội nghị Ban chấp hành Đảng ủy Công ty họp ngày 11/12/2018 đã nhất trí đánh giá: “Qua 3 năm triển khai Chiến lược phát triển Công ty 2016-2020, Công ty đã có những Đổi mới cơ bản, có tính nền tảng cho giai đoạn bứt phá 2019-2020”
Nền tảng đó giúp Công ty hiện thực hóa 3 đột phá chiến lược:
Thứ nhất, chuyển từ tập trung quản lý sản xuất sang tập trung thỏa mãn khách hàng, phụng sự khách hàng. Chuyển từ sản xuất sản phẩm mình có thể làm được sang sản xuất sản phẩm thị trường cần, tiến đến định hướng thị hiếu tiêu dùng, thỏa mãn kỳ vọng của khách hàng trong kỷ nguyên số hóa. Cả năm 2019 tập trung nâng cao hệ thống phân phối, dịch vụ chăm sóc khách hàng, phát triển thị trường xuất khẩu và các kênh tiêu thụ hiện đại.
Thứ hai, chuyển từ Công ty công nghệ sang Công ty công nghệ cao. Trung tâm R&D chiếu sáng thành “ Bộ não công nghệ” của Công ty, tích hợp các thành tựu mới nhất của LED ( vật lý học ) với phát minh tác động ánh sáng đến nhịp sinh học của con người và động thực vật dựa trên 4 giải Nobel y học của 3 nhà khoa học Mỹ 2017 ( sinh học ) và sự phát triển của công nghệ thông tin, trong hai năm ( 2019-2020 ) làm chủ được sản phầm chiếu sáng LED I-4.0, sản phẩm chiếu sáng của hệ sinh thái số ( giải pháp chiếu sáng Green – Smart – HCL ).
Trong 5-7 năm tới hoàn thành chương trình Số hóa Công ty.
Thứ ba, xây dựng Công ty chuyên nghiệp, đội ngũ chuyên nghiêp và học tập suốt đời.
Với cả đất nước, năm 2019 là năm bản lề, Việt Nam phải bứt phá để hoàn thành mục tiêu Đại hội XII đề ra.
PGS/TSKH Nguyễn Văn Minh, chuyên gia tư vấn trưởng quản trị chiến lược phát triển Công ty 2016-2020 yêu cầu bứt phá phải đạt được mức tăng trưởng trên 20%/năm. Song xét trình độ và hoàn cảnh cụ thể của Rạng Đông, năm 2019 mới như máy bay ra đến đường băng khởi động cất cánh rời mặt đất, vả lại phải gần hết quý 1/2019 Công ty mới hoàn thành được việc thay đổi tổ chức một bước, nên đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2019 tối thiểu đạt 4020 tỷ, phấn đấu đạt 4150 tỷ - tăng 14% so với 2018, cao hơn mục tiêu đặt ra trong chiến lược 2016 – 2020 ban đầu.
Cả Công ty đang sôi nổi phấn đấu, mỗi người, mỗi bộ phận đang cố gắng hết sức mình phấn đấu từng ngày hoàn thành dứt điểm từng công việc được giao để hoàn thành mục tiêu chung của chuỗi, của cả chương trình trọng tâm, thực hiện mục tiêu toàn khối, toàn Công ty./.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
'So găng' lợi nhuận nhóm ngân hàng Big 4
13-01-2025 08:30 54
-
Chuyên gia KT Cấn Văn Lực: GDP có thể tăng trưởng 8% năm 2025
13-01-2025 08:30 49
-
Tết vui cùng Pumabooks: Lan tỏa giá trị lì xì sách
12-01-2025 14:56 07
-
'Loạn giá' pháo hoa Z121 trên chợ mạng
11-01-2025 08:32 07
-
Laptop màn hình cuộn của Lenovo có giá gần 90 triệu đồng
10-01-2025 19:54 05
-
Toyota Wigo phiên bản số sàn ngừng phân phối tại Việt Nam
10-01-2025 19:53 57
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46