Lao động
Công ty Điện lực Thái Nguyên nâng cao hiệu quả kiểm soát an toàn lao động
03:16 PM 26/11/2021
(LĐXH)- Thời gian qua, cùng với tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Công ty Điện lực Thái Nguyên đã áp dụng phần mềm kiểm soát an toàn bằng hình ảnh (EPC) giúp phòng ngừa và nâng cao hiệu quả việc kiểm soát an toàn lao động.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Điện lực Thái Nguyên luôn xác định đảm bảo ATVSLĐ cả về con người, trang thiết bị, lưới điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành điện và lấy đó làm chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, Công ty đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, chủ động ứng phó với mọi tình huống nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất các thiệt hại, đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hoạt động với phương châm “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”, Công ty đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao ý thức đảm bảo ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ tới toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động trong toàn đơn vị. Ban Giám đốc Công ty thường xuyên chú trọng đến việc đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn cho người lao động, thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe; xây dựng chế tài nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý ATVSLĐ, xử lý vi phạm; tổ chức điều hành sản xuất khoa học, hợp lý; khắc phục các tồn tại trong thiết kế, thi công, lấy kỹ thuật cơ bản làm then chốt; lựa chọn các công nghệ, thiết bị phù hợp đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia.

Kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Trạm 110KW thuộc Công ty Điện lực Thái Nguyên 

Ông Phí Quang Tùng, Phòng An toàn (Công ty Điện lực Thái Nguyên), cho biết: Với đặc thù của một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, công tác an toàn lao động về điện đòi hỏi yêu cầu rất nghiêm ngặt nên hàng năm, Công ty đều triển khai các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ như: tổ chức các lớp huấn luyện, kiểm tra sát hạch quy trình định kỳ, đột xuất; kiểm tra tổng thể, đột xuất tại các điện lực các huyện, thành, thị trong tỉnh, các xí nghiệp dịch vụ điện; xây dựng ngân hàng câu hỏi, kiểm tra sát hạch công tác ATVSLĐ bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính kết hợp với bài thi tình huống giúp ôn tập kiến thức, kỹ năng thực hành cho cán bộ của Công ty và điện lực các địa phương.
Theo đó, việc triển khai phần mềm ECP được Công ty áp dụng khoảng 2 năm trở lại đây có vai trò cập nhật toàn bộ hình ảnh liên quan đến các bước chấp hành điều kiện ATLĐ của các nhóm công nhân tại mỗi phiên làm việc trong ngày; đảm bảo thực hiện đúng và đủ các bước trước, trong và sau khi công việc kết thúc như: chuẩn bị rời trụ sở, đến nơi làm việc và thực hiện công việc bắt buộc phải chụp ảnh gửi lên phần mềm ECP. Thông qua đó, các cấp quản lý từ Điện lực, Công ty, Tổng công ty dễ dàng kiểm soát các quy định bắt buộc đối với công nhân như: phải mang theo hồ sơ phiên làm việc (phiếu công tác, phương án tổ chức thực hiện); sử dụng các thiết bị bảo hộ (găng tay, đai an toàn, sào thao tác...) trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp an toàn (cắt điện tiếp địa, treo biển báo)…
Ông Phí Quang Tùng, trao đổi: Thông qua phần mềm ECP, người quản lý dễ dàng kiểm soát được về nhân lực (các bức ảnh chụp có định vị, thời gian gửi) và tiến độ thực hiện công việc (thời gian triển khai các bước thực hiện ngoài hiện trường); kịp thời phát hiện ra các sai sót, chấn chỉnh các sai phạm có thể dẫn đến rủi ro mất an toàn cho người lao động; ngoài ra, có thể phát hiện các tồn tại trong công tác quản lý vận hành như: vi phạm hành lang, biển cảnh báo, biển chỉ dẫn bị mờ, mất, các hiện tượng đấu tắt đấu chập trong các tủ 0,4 kV.
Sau 2 năm phần mềm ECP được đưa vào vận hành, ý thức chấp hành ATVSLĐ của công nhân đã được nâng cao và công việc đó đã trở thành một thói quen, một nét văn hóa an toàn tại Công ty Điện lực Thái Nguyên. Phần mềm ECP đang được phát triển thêm các phân hệ mới giúp công tác kiểm soát trong quản lý vận hành được tốt hơn như: phân hệ quản lý sự cố, phân hệ 5S, phân hệ quản lý dụng cụ an toàn, trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, quản lý các điểm đặc biệt, nguy cơ mất an toàn trên phần mềm PMIS. Như vậy việc ứng dụng phần mềm cũng như sử dụng thiết bị hiện đại trong quản lý vận hành sẽ góp phần làm giảm sự cố, đảm bảo an toàn cho lưới điện, con người.
Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Thái Nguyên còn luôn quan tâm đến việc tuyên truyền đảm bảo an toàn sử dụng điện trong nhân dân, nhất là mùa nắng nóng và mùa mưa bão qua tuyên truyền trực tiếp tới người dân, bằng tờ rơi, tin nhắn zalo… Trung bình mỗi năm, Công ty phát trên 32.000 tờ rơi đến các hộ sử dụng điện, đặc biệt các hộ vùng sâu vùng xa khi kiến thức về an toàn trong sử dụng điện vẫn còn nhiều hạn chế; tăng cường việc kiểm tra và chặt tỉa kịp thời cây trong và ngoài hành lang có nguy cơ gây sự cố lưới điện, vận động bà con chặt tỉa cây nhằm đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão.
Thời gian tới, Công ty Điện lực Thái Nguyên tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố cháy nổ do lỗi chủ quan, đồng thời giảm thiểu tai nạn lao động rủi ro đối với cán bộ công nhân viên, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp. Đồng thời, triển khai tốt các giải pháp khắc phục những nguy cơ gây mất an toàn trong môi trường làm việc của người lao động, xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất kinh doanh, tăng cường các biện pháp thực hiện văn hóa an toàn trong lao động, thể hiện qua thái độ của người lao động chấp hành các quy trình, quy định về ATVSLĐ, xây dựng môi trường làm việc an toàn.

Chí Tâm

Từ khóa: