Cư dân chung cư Starcity 81 Lê Văn Lương, Hà Nội đội mưa đòi quỹ bảo trì
(LĐXH) Hơn 7h sáng nay, ngày 15/8/2018, là ngày Ocean Group họp Đại hội cổ đông, một số cư dân chung cư Starcity 81 Lê Văn Lương, Hà Nội đã tập trung tại trụ sở Công ty CP Tập đoàn Đại Dương – Ocean Group (có địa chỉ 19 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) căng băng rôn yêu cầu công ty này trả lại kinh phí bảo trì 2%.
Chung cư Starcity tại 81 Lê Văn Lương cao 27 tầng với trên 370 căn hộ. Dự án được hoàn thành và bàn giao cho người dân vào ở từ năm 2014, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao sổ đỏ cho cư dân.
Nhiều cư dân tố cáo chủ đầu tư đưa đơn vị vận hành quản lý tòa nhà Starcity vào hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, thu phí dịch vụ từ cư dân nhưng không đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn PCCC cho cư dân
Trước đó, trao đổi với phóng viên ông Vũ Văn Thanh – Trưởng Ban quản trị tòa nhà Stacity cho biết, chung cư Starcity 81 Lê Văn Lương do Công ty CP Đầu tư và Thương mại VNECO Hà Nội (VNECO) làm chủ đầu tư. Ngoài ra, giữa chủ đầu tư và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) có ký Hợp đồng góp vốn đầu tư bất động sản và ủy quyền bán từ năm 2009. Theo đó, Ocean Group đã đứng tên bán và thu 2% quỹ bảo trì từ các chủ sở hữu căn hộ (khoảng 17 tỷ đồng).
Cũng theo ông Thanh, sau khi được thành lập hợp pháp (tháng 9.2017), Ban quản trị đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư và Ocean Group bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư và Hồ sơ tòa nhà. Nhưng sau nhiều lần được cơ quan chức năng đốc thúc, ngày 30.3.2018, CĐT mới bàn giao được Hồ sơ tòa nhà và một phần nhỏ quỹ bảo trì.
Trong tháng 5 vừa qua, trước những mâu thuẫn gay gắt giữa chủ đầu tư và cư dân, Đoàn kiểm tra của sở xây dựng Hà Nội do ông Cù Quỳnh Anh - Phó chánh thanh tra sở làm trưởng đoàn đã xuống kiểm tra tại dự án.
Sau khi tiến hành kiểm tra, Đoàn kiểm tra kết luận chủ đầu tư không quản lý quỹ bảo trì theo quy định. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu trước 15.5.2018 chủ đầu tư phải có lộ trình bàn giao lại quỹ bảo trì cho ban quản trị.
Về phần diện tích chung riêng, đoàn kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư lập bản vẽ bàn giao cho Ban quản trị tòa nhà trước ngày 30.5.2017. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương liên hệ với Cục giám định nhà nước về công trình xây dựng để được nghiệm thu công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân, hiện nay (15.8) những chỉ đạo của đoàn kiểm tra liên ngành trong buổi làm việc trên đều không được Ocean Group và Vneco thực hiện.
Quá bức xúc trước việc coi thường quyền lợi của cư dân, mặc dù trời đang mưa nặng hạt, nhưng từ hơn 7h sáng ngày 15.8, nhiều cư dân Starcity 81 Lê Văn Lương đã tập trung tại khu vực cổng đón tiếp đại biểu vào dự Đại hội cổ đông 2018 của Ocean Group căng băng rôn có nội dung: “Yêu cầu Tập đoàn Đại Dương – Ocean Group trả lại 2% phí bảo trì cho ban quản trị chung cư Star City”; “Tập đoàn Đại dương - Ocean Group đang chiếm dụng Quỹ bảo trì, vi phạm pháp luật, yêu cầu trả lại ngay Quỹ bảo trì 2% cho Ban quản trị Starcity”. Đây là lần thứ 2 cư dân phải tập trung căng băng rôn đòi quyền lợi đáng được hưởng.
phản ánh những bất cập tại chung cư này.
Sống tại chung cư Star City, bà Phạm Thị Thu Thủy cho biết, tình trạng thang máy tại chung cư Star City ngày càng xuống cấp, nguy hiểm.Tường nhà nhiều chỗ bong tróc, loang lổ cần được sửa chữa. Trẻ em ở chung cư cũng rất cần có phòng để vui chơi nhưng Ban quản lý chung cư của VNECO cho cư dân “mượn tạm” một phòng sinh hoạt cộng đồng tạm bợ, không đáp ứng được yêu cầu là không gian sinh hoạt chung. Nhiều cư dân cũng cho biết: “Hôm nay, khi biết Ocean Group tổ chức Đại hội cổ đông, cư dân mua nhà, ký hợp đồng với Ocean Group. Chúng tôi nộp tiền cho cho Ocean Group và yêu cầu công ty này trả lại, để chúng tôi nộp cho ban quản trị tòa nhà để vận hành, sửa chữa thang máy”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Đinh Thị Cẩm Vân – một cư dân Starcity bức xúc cho biết: “Đối với một tòa nhà hệ thống thang máy là vô cùng quan trọng nhưng thang máy tại tòa nhà 81 Lê Văn Lương luôn là vấn đề nổi cộm suốt nhiều năm qua, đã nhiều lần xảy ra sự cố như bị trôi, rơi, kẹt người trong đó. Chúng tôi trực tiếp liên hệ đến hãng thang máy, hãng cho biết đến tháng 7/2018 thang máy của tòa nhà hết hạn bảo trì. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị song không được giải quyết. Nguy hiểm như vậy nhưng hết hợp đồng bảo trì chủ đầu tư cũng không ký thêm, không bảo trì, nếu không may xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến tính mạng cư dân thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Đó là lý do vì sao hôm nay cư dân chúng tôi phải sang tận đây để kiến nghị với chủ đầu tư là Tập đoàn Ocean Group phải trả lại phí bảo trì để chúng tôi tự sửa chữa.
Trong thời gian qua chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn thư đến các cơ quan chức năng, đó là UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng Quản lý đô thị UBND quận Thanh Xuân, trực tiếp là ông Hoàng Trung Thành, Trưởng phòng yêu cầu được giải quyết. Vừa qua cũng có 2 đoàn thanh tra của Sở Xây dựng phối hợp với các Sở, ban, ngành khác đến kiểm tra tòa nhà và kết luận VNECO đã làm sai, họ phải trả lại Quỹ bảo trì cho cư dân, phải làm rõ vấn đề phân định chung, riêng, hạn cuối cùng phải thực hiện là ngày 15/5/2018, nhưng đến hôm nay đã là ngày 15/8 chủ đầu tư vẫn không có động thái gì. Ngày 6/8/2018 vừa qua, Sở Xây dựng lại có Công văn gửi chủ đầu tư yêu cầu làm rõ lý do tại sao không thực hiện yêu cầu của đoàn thanh tra Sở Xây dựng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư đến trước ngày 11/8 phải có hướng giải quyết. Như vậy, VNECO đã coi thường pháp luật, không có tinh thần hợp tác để giải quyết các yêu cầu của Sở Xây dựng.
Ngày 12/8/2018, chúng tôi đã tổ chức phiên Họp Ban quản lý chung cư bất thường để cùng nhau thông qua quyết định thành lập Ban quản lý chung cư mới, vì Ban quản lý chung cư do Công ty CP Đầu tư và thương mại VNECO lập ra không có vai trò, chức năng, nhiệm vụ gì, cũng không có giấy phép hoạt động hợp pháp. Trên website của Sở Xây dựng Hà Nội công bố danh sách Ban quản lý các chung cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội không có Công ty VNECO. Đồng thời, tại phiên họp Hội đồng quản lý chung cư bất thường vừa qua chúng tôi cũng đã thông qua biểu phí dịch vụ mới và quyết định thuê luật sư kiện Tập đoàn Ocean Group, Công ty VNECO về việc chiếm đoạt phí bảo trì trái phép.
Hơn 1 năm qua, kể từ tháng 10/2017, chúng tôi đã rất nhiều lần gửi đơn yêu cầu tới Tập đoàn Ocean Group, Công ty VNECO nhưng họ vẫn không chịu trả lại khoản phí bảo trì là 17 tỷ đồng. Gần đây nhất là ngày 15/5/2018, ông Lê Linh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ocean Group có hẹn làm việc với cư dân Starcity và xác nhận có cầm của cư dân Quỹ bảo trì với tổng số tiền khoảng 17 tỷ đồng và đề nghị cư dân chung cư cho Tập đoàn Đại dương được trả chậm trong vòng 10 năm. Đề nghị như vậy là không thể chấp nhận được vì khi thang máy hỏng chúng tôi không thể chờ 10 năm để sửa chữa, các hãng thang máy khi sửa chữa cũng không thể chờ 10 năm để được trả tiền. Số tiền 2% phí bảo trì là chủ đầu tư đứng ra thu hộ cư dân, họ không có lý do gì để giữ lại, không trả chúng tôi. Hôm nay được biết tại đây diễn ra Đại hội cổ đông của Tập đoàn Đại dương chúng tôi đến đây để đòi quyền lợi. Rất mong các báo, đài hỗ trợ thông tin để chúng tôi sớm đòi lại được quyền lợi chính đáng của mình”.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
ABBANK thành lập Ủy ban Chiến lược Phát triển bền vững ESG
16-01-2025 23:35 33
-
Grab triển khai loạt chương trình tri ân đối tác dịp Tết Nguyên đán 2025
16-01-2025 17:21 57
-
Hé lộ doanh nghiệp xây dựng mạng Blockchain Layer 1 'Make in Vietnam'
16-01-2025 15:55 14
-
Novaland bác tin đồn ông Bùi Thành Nhơn thôi chức Chủ tịch
15-01-2025 09:54 23
-
Thương hiệu ô tô an toàn nhất thế giới trong 10 năm qua
15-01-2025 09:54 08
-
Amway Việt Nam lần thứ 21 vinh dự nhận giải thưởng sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng
14-01-2025 17:18 49