Lao động
Đa dạng hóa hoạt động giao dịch việc làm - phương thức kết nối hữu hiệu giữa “chủ” và “thợ” trong thị trường lao động
08:10 PM 23/08/2019
(LĐXH)-Thái Nguyên đón chúng tôi bằng một chiều mưa mùa bão tầm tã, trắng trời. Suốt quãng đường từ khách sạn Đông Á - Phan Đình Phùng đến Trung tâm dịch việc làm tỉnh, trên chiếc xe khách chở gần 40 phóng viên báo chí đến tham quan thực tế, một băn khoăn cứ len lỏi trong tôi: Mưa bão thế này liệu hoạt động giao dịch việc làm ở Trung tâm có diễn ra không, liệu có đông người lao động đến trung tâm tìm việc không? Và sự nghi ngờ chủ quan này của tôi đã nhanh chóng có câu trả lời với kết quả ngược lại sau khi chúng tôi tận mắt chứng kiến Phiên giao dịch việc làm chuyên đề đặc biệt đang diễn ra ở Trung tâm.
Đông đảo người lao động đến tìm hiểu thông tin thị trường lao động và làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Phòng giao dịch việc làm - Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên
Trước mắt chúng tôi, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên không quá rộng, nhưng cơ sở vật chất khá khang trang, sạch sẽ. Các bộ phận làm việc được bố trí thuận tiện, khoa học và theo đúng chức năng của từng phòng ban. Chúng tôi rất may mắn khi được chị Phạm Như Thùy – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh thân chinh dẫn đi tìm hiểu các hoạt động tại đây. Tại Phòng Giao dịch việc làm của trung tâm, có thể cảm nhận rõ một không khí khá sôi động đang diễn ra bất chấp sự ảm đạm của một chiều mưa bão. Tất cả các ô quầy giao dịch được đánh số thứ tự một cách logic, khoa học, liên tục hiện lên những số thứ tự điện tử tự động báo hiệu lượt được giải quyết của một trường hợp lao động nào đó. Từng tiếng loa liên tục vang lên gọi tên người lao động đến lượt vào quầy để thực hiện mọi thủ tục theo nhu cầu. Mọi hoạt động cứ trôi băng băng, dường như không có sự gián đoạn, từng người lao động cũng tuần tự ngồi vào vị trí để được nhân vân của trung tâm tư vấn, hướng dẫn cụ thể.
Phỏng vấn anh Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1991, nhà ở huyện Định Hóa, chúng tôi được biết, anh từng làm công nhân cơ khí cho Công ty Takako Việt Nam chuyên về sản xuất pít tông ở Bình Dương, thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do làm việc quá xa nhà, anh đã quyết định quay về quê để ổn định cuộc sống khi còn đang sung sức. Anh nói, hôm nay là lần thứ 6 anh đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên nhưng với mục đích là tiếp tục tìm công việc phù hợp chứ không phải là khai nhận hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Qua 5 lần nhận bảo hiểm thất nghiệp với mức hơn 3 triệu/tháng, anh đều nhận được sự hướng dẫn cụ thể, nhiệt tình của nhân viên Trung tâm.  Anh còn được tư vấn rất kỹ về học nghề gì và làm việc gì cho phù hợp với điều kiện và khả năng của anh. Theo anh, tại Trung tâm dịch vụ việc làm Thái Nguyên có rất nhiều thông tin tốt về việc làm mà các công ty tuyển dụng đưa ra. Chính vì vậy, anh đã không quản ngại đường xá xa xôi để kiên trì đến đây tìm việc làm cho thật phù hợp mới đi làm. Đối với anh, Trung tâm dịch vụ việc làm chính là một kênh thông tin rất bổ ích về thông tin thị trường lao động, về thông tin tuyển dụng đối với những người lao động đang thất nghiệp như anh.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên Phạm Như Thùy cho biết: Trung bình mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên thực hiện từ 60 - 100 phiên giao dịch việc làm trên địa bàn toàn tỉnh
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên trao cho biết: Theo số liệu thống kê năm 2018, dân số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 1.268.311 người. Bình quân mỗi năm có trên 15.000 người bước vào tuổi lao động. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên có những chuyển biến tích cực mang tính đột phá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn ước đạt 8,28%, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,85%; nông lâm nghiệp thủy sản tăng 3,33% và khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 6,18%. Do ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn nên ngày càng chiếm tỷ trọng cao, nhiều nhà máy, doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh đã làm phát sinh một lượng cầu lao động khá lớn. Chính vì vậy, những năm qua, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm; tăng tần suất, đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả tổ chức Sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và ở các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp. Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức một phiên Giao dịch việc làm quy mô cấp tỉnh – đây là cú huých khởi đầu cho một năm để tạo động lực cho chuỗi các giao dịch việc làm tiếp theo, đó là các phiên giao dịch việc làm quy mô cấp huyện, các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Sàn giao dịch việc làm và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh và các phiên chuyên đề đặc biệt liên kết tuyển dụng cùng đơn vị, doanh nghiệp.
Bà Thùy nói thêm: Theo lịch của Trung tâm, mỗi đầu quý, các xã, phường, thị trấn ở các huyện gửi đăng ký với Trung tâm, sau đó Trung tâm sẽ chọn ngày phối hợp tổ chức phiên giao dịch lưu động. Còn định kỳ vào thứ 6 hàng tuần, Trung tâm đều tổ chức Phiên giao dịch việc làm định kỳ. Song ngày hôm nay 22.8.2019 là thứ 5 cũng là một ngày rất may mắn với các phóng viên khi đến đúng dịp đang diễn ra một Phiên giao dịch việc làm chuyên đề đặc biệt tại Trung tâm. Đối với Trung tâm, Phiên Phiên giao dịch việc làm chuyên đề đặc biệt có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, đó là những phiên kết nối người lao động với các nhà tuyển dụng cùng chung một lĩnh vực sản xuất và một ngành nghề hoặc có thể là một phiên dành cho một doanh nghiệp có một nhu cầu tuyển dụng với số lượng khá lớn hoặc tương đối lớn.
Đúng vậy, theo thống kê, trong Phiên giao dịch việc chuyên đề đặc biệt về tuyển dụng nhân sự chuyên cho ngành nghề thương mại dịch vụ ngày 22.8.2019, đã có 3 doanh nghiệp là Chi nhánh bưu chính Viettel Thái Nguyên, Công ty TNHH Sr Tech, Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim kết hợp cùng với Trung tâm tổ chức tuyển dụng lao động. Trong trọn một ngày thời tiết không mấy ủng hộ nhưng đã có tới 370 lao động đến tìm hiểu thông tin và tham gia phỏng vấn.
Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim tuyển lao động tại Phiên giao dịch việc làm chuyên đề do Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức
Riêng đối với Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, ông Khấu Trịnh Duy Khoa – chuyên viên chuyên trách mảng hành chính – nhân sự cho biết: Qua quá trình nghiên cứu và nắm bắt tình hình thực tế, ban lãnh đạo Công ty nhận thấy Thái Nguyên hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất tốt, là một thị trường tiêu dùng tiềm năng ở vùng miền núi Đông Bắc, vì vậy đã quyết định mở rộng thêm một Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim tại thành phố Thái Nguyên. Theo mô hình chung của Nguyễn Kim, một trung tâm mua sắm cần ít nhất từ 30-40 nhân sự, bao gồm nhân viên bán hàng, nhân viên kỹ thuật và nhân viên kho vận. Với kế hoạch là đưa Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Thái Nguyên vào hoạt định chính thức vào cuối tháng 9 tới, công ty đã kết nối với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên để thực hiện tuyển dụng nhân sự để vận hành hoạt động của cơ sở mới. Trong Phiên giao dịch việc làm chuyên đề được tổ chức ngày 22.8.2019 này, Trung tâm Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên đã kết nối được 170 lao động đến để bộ phận tuyển dụng của Nguyễn Kim phỏng vấn và theo dự kiến 10 ngày sau tuyển dụng, Công ty sẽ thông báo danh sách trúng tuyển trực tiếp đến người lao động và thông báo qua Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên để Trung tâm thông báo cho người lao động. Các vị trí bán hàng và kỹ thuật ít nhất phải có trình độ đào tạo từ trung cấp nghề trở lên, sau khi được trúng tuyển sẽ được công ty đưa về Hà Nội đào tạo trực tiếp 3 tuần cho các chức danh.
Theo ông Khấu Trịnh Duy Khoa, Công ty Nguyễn Kim hiện có 70 trung tâm đang hoạt động, bao gồm cả các trung tâm đặc thù bên cạnh các trung tâm mua sắm, phủ gần kín các tỉnh, thành phố với 4.000 lao động đang được trả lương. Trong tương lai, Nguyễn Kim muốn mở rộng khắp cả nước, như vậy cầu lao động sẽ còn tăng lên. Và các Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ là địa chỉ kết nối hiệu quả nhất giúp Nguyễn Kim tuyển dụng được nhân sự để vận hành bộ máy hoạt  động kinh doanh mới thành lập – ông Khoa khẳng định.
Đó chỉ là số lượng nhỏ người lao động đến giao dịch tại Phiên giao dịch việc làm chuyên đề trong một ngày cụ thể như ngày 22.8.2019. Bên cạnh đó, bà Phạm Như Thùy – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên còn cho biết thêm: Hàng năm, ngành lao động – TBXH đã phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn tỉnh và công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và các đơn vị phụ trợ của Công ty Samsung tuyển dụng trung bình từ 1.000 – 2000 lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc tại Công ty Samsung và các đơn vị phụ trợ, góp phần tích cực vào công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững tại hai địa phương nêu trên.
Tính trung bình mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên thực hiện từ 60 - 100 phiên giao dịch việc làm trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, công tác truyền thông, thông tin thị trường lao động của Trung tâm đã có nhiều bước chuyển biến cả về chất lượng và số lượng, tạo môi trường thuận lợi để hơn 500 lượt Doanh Nghiệp trực tiếp tham gia phỏng vấn tuyển lao động tại tất cả các phiên giao dịch việc làm và trên 1000 lượt doanh nghiệp tuyển dụng lao động theo hình thức ủy thác. Nhiều người lao động đã biết đến và đăng lý tìm kiếm việc làm tại Trung tâm, nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng đã tìm kiếm được ứng viên phù hợp qua Trung tâm như Công ty TNHH Công nghiệp Brother, công ty TNHH Glonics, Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Hansol, Công ty TNHH SR Tech ... Số lượt lao động được tư vấn việc làm tại TTDVVL Thái Nguyên trung bình đạt từ 25 – 35 ngàn lượt người/ năm. Số lao động được Trung tâm giới thiệu việc làm trung bình đạt từ 4 – 6 ngàn lao động/ năm. Năm 2018, Trung tâm đã trực tiếp tuyển và cung ứng 2.803 lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, bằng 254,81% kế hoạch năm. Có thể nói, Trung tâm dịch vụ việc làm Thái Nguyên chính là nhịp cầu kết nối hữu hiệu công tác tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp được nhau, thực hiện được mục tiêu lớn nhất là đưa người lao động tiếp cận được với thị trường lao động, giúp người lao động tìm kiếm việc làm, có và nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống./.
Trần Thị Mỹ Hạnh
 
 
Từ khóa: