Xã hội
Đắk Lắk: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 37,17%
09:32 AM 09/12/2016
(LĐXH) - Giai đoạn 20102-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Đắk Lắk giảm nhanh từ 20,82% cuối năm 2010 xuống còn 6,01% vào cuối năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 2,96%. Tuy nhiên, chất lượng giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Chuẩn nghèo của tỉnh chỉ tiếp cận theo đơn chiều (chiều thu nhập) nên một bộ phận hộ nghèo tuy đã thoát nghèo nhưng vẫn bị thiếu hụt trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Lao động nông thôn là con em đồng bào dân tộc được địa phương ưu tiên nhiều chính sách trong đào tạo nghề, góp phần giảm nghèo bền vững  ở Đắk Lắk

Đắk Lắk vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020 chiếm tỷ lệ 19,37%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (bình quân cả nước là 9,88%), nhất là ở vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh có 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 62 xã có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 45% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao chiếm 37,17%.

Nhằm đưa Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội của vùng Tây Nguyên, việc giảm nghèo nhanh và bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do vậy, Đắk Lắk có kế hoạch ban hành Chương trình Giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cụ thể là Đắk Lắk phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh bình quân từ 2,5-3%/năm (riêng tại 03 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 4-4,5%/năm), tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%-4,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Đắk Lắk tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định, để sản xuất, kinh doanh, học nghề, vay làm nhà ở... trong đó, ưu tiên hơn đối với hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn để tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của hộ nghèo, hạn chế gia tăng khoảng cách thu nhập.

Song song đó, tập huấn, truyền nghề cho nông dân về kỹ năng sản xuất, tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực khuyến nông. Xây dựng các mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với từng địa phương, khả năng và nhu cầu của người nghèo, các mô hình thực hành sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tổ chức, quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Tỉnh hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có tay nghề cần thiết, thông qua các khóa dạy nghề ngắn hạn để họ tạo thêm việc làm mới hoặc nâng cao hiệu quả việc làm, tăng thu nhập; tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp, đi lao động xuất khẩu, góp phần giảm nghèo bền vững.

Đắk Lắk cũng chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý. Đồng thời, tập trun thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg...

                                                                                      An Thương

 

Từ khóa: