Xã hội
Đắk Nông phấn đấu hàng năm giảm 2% hộ nghèo
04:04 PM 03/09/2018
(LĐXH)- Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Đắk Nông đặt ra chỉ tiêu phấn đấu hàng năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3%...
Tính đến tháng 6/2018, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh Đắk Nông là 25.144 hộ (chiếm tỷ lệ 16,57% trên tổng số hộ), giảm 2,63% so với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 15.211 hộ (chiếm  tỷ lệ 34,58%), giảm 5,86% so với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 6.383 hộ (chiếm tỷ lệ 44,45%), giảm 9,34% so với kết quả điều tra, rà soát.
Để đạt mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2018, tỉnh Đắk Nông đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Cụ thể, bên cạnh việc thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục thực hiện Dự án tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông (Dự án 3EM). Đây là Dự án được đánh giá đạt yêu cầu về hiệu suất kinh tế, tác động tích cực đến Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đăk Nông và góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Nhiều hộ dân ở Đắk Nông đã biết chuyển đổi cây trồng và thoát nghèo bền vững
Đến nay, Dự án 3EM do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ đã đầu tư 147 công trình cơ sở hạ tầng, giúp người dân vùng sâu, vùng xa thúc đẩy hoạt động sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm làm ra.Qua đánh giá, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã trong vùng dự án đã giảm mạnh; so với năm 2011, nhóm nghèo và nghèo nhất đã giảm mạnh, thay vào đó nhóm giàu và giàu nhất đã tăng lên. Trong đó, nhóm giàu nhất tăng từ 9,8% lên 30,1% (năm 2016). Nhóm nghèo nhất đã giảm từ 29,5% xuống còn 10,6% và nhóm nghèo đã giảm từ 24,2% xuống còn 15,8%. Nhà ở của các hộ trong vùng dự án đã được cải thiện theo hướng bền vững hơn. Điều kiện sinh hoạt như nước sạch, nhà vệ sinh hợp vệ sinh tăng lên đáng kể.
Đối với việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho thấy, năng suất một số cây trồng đã tăng lên đáng kể. Nhờ việc hỗ trợ kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, dự án còn giúp liên kết thu mua, cải thiện giá bán và đa dạng sinh kế bằng cách trồng cây xen canh phù hợp trên cùng một diện tích. Nên thu nhập từ hoạt động trồng trọt trung bình của các hộ trong vùng dự án cao hơn khá nhiều so với mức bình quân của năm 2011, từ 78,6 lên 123,3 triệu đồng/hộ năm 2015. Trung bình một hộ dân tộc thiểu số của nhóm trong vùng dự án đã thu được gần 92,5 triệu đồng từ trồng trọt, tăng 1,7 lần so với năm 2011.
Để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo chung, tỉnh Đắk Nông tiếp tục thực hiện Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (GNTN) được triển khai trên địa bàn 20 xã khó khăn của 4 huyện: Krông Nô, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ từ năm 2015 và sẽ kết thúc cuối năm 2019. Dự án có 4 hợp phần: Phát triển hạ tầng cấp thôn, bản; Phát triển sinh kế bền vững; Phát triển hạ tầng kết nối cấp huyện; Nâng cao năng lực truyền thông và quản lý dự án. Đến nay, dự án đã đi được nửa chặng đường với 2/4 hợp phần và đạt kết quả tích cực. Mục tiêu tổng thể của Dự án là hướng đến giảm nghèo, nâng cao kiến thức cho người dân trong hoạt động sản xuất để cải thiện đời sống; cải thiện hệ thống hạ tầng thông qua các công trình xây dựng phù hợp. Đối tượng ưu tiên hỗ trợ là người dân tộc thiểu số, người nghèo trong vùng được thể hiện trong các nhóm sinh kế có tối thiểu 70% hộ nghèo và cận nghèo.
Dự án đã hỗ trợ đầu tư xây dựng trên 100 công trình hạ tầng với số tiền hàng chục tỷ đồng. Những công trình đầu tư đã hoàn thành gồm: Đường giao thông nông thôn, kênh mương, công trình cầu, cống; công trình nước sạch, phòng học, hồ thủy lợi, nhà văn hóa. Ngoài các hoạt động sinh kế, các công trình cơ sở hạ tầng đã phần nào giúp người dân giảm khó khăn trong việc đi lại, gián tiếp tác động đến việc nâng cao thu nhập cho người dân nhờ bán được giá nông sản cao hơn từ khi cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp. Các công trình nhà văn hóa, công trình thủy lợi, trường học… đã có tác động tích cực đến đời sống xã hội ở các địa phương trong vùng dự án; qua đó, góp phần giúp cho chính quyền sở tại thực hiện hiệu quả hơn chương trình giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Bên cạnh đó, dự án đã thực hiện hàng trăm tiểu dự án sinh kế với số tiền hỗ trợ hàng chục tỷ đồng và hàng ngàn hộ dân được hưởng lợi trực tiếp. Các tiểu dự án đi sâu vào hỗ trợ trực tiếp sản xuất cho nông dân như: Trồng lúa, nuôi gà, trồng ngô, trồng khoai lang Nhật Bản, nuôi bò và nuôi dê. Các tiểu dự án đã đem lại kết quả, giúp đồng bào có điều kiện phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống. Điển hình như tiểu dự án trồng lúa tại xã Đắk N’Drung (Đắk Song) cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số M’nông. Ngoài việc được hỗ trợ giống, cán bộ dự án còn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nên năng suất lúa đã tăng gấp 3 lần, từ 2 lên 6 tấn/ha. Hay như dự án trồng ngô tại xã Đắk Som (Đắk Glong) cũng cho năng suất khoảng 10 tấn/ha, tăng 4 tấn/ha so với trước đây.
Trong thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu giảm ít nhất 2% số hộ nghèo mỗi năm, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình, đề án về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, khuyến khích, huy động sự đóng góp trong dân và cộng đồng; xây dựng chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù, tạo động lực mới trong công tác giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo để phát triển sản xuất…

Chí Tâm

 

Từ khóa: