Xã hội
Đảm bảo an sinh xã hội vùng có nhiều đồng bào dân tộc Mông ở Thái Nguyên
04:20 PM 24/08/2018
(LĐXH)- Năm 2018 là năm thứ tư tỉnh Thái Nguyên thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 2037).
Trong năm 2017 và 2018, toàn tỉnh còn 26 xóm, bản đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống được hỗ trơ theo Đề án 2037. Tổng số hộ là 2.120 hộ với 10.263 nhân khẩu. Trong đó, có 1.448 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 68%, 287 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 14%. Tính riêng đồng bào Mông đang cư trú tại 26 xóm, bản có 1.631 hộ, 8.186 nhân khẩu. Trong đó có 1,293 hộ nghèo và 140 hộ cận nghèo. 
Đề án 2037 là đề án đặc thù, riêng có dành cho vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Sau gần 4 năm triển khai Đề án 2037, đến nay, cơ bản các mục tiêu của Đề án đều đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nét nổi bật nhất trong thực hiện Đề án là việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, trường học, điện lưới Quốc gia làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các xóm, bản đặc biệt khó khăn thuộc Đề án. Toàn bộ 15/15 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 43km đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, với tổng dự toán đầu tư xây dựng trên 64,4 tỷ đồng; Ngành Giáo dục đã và đang triển khai xây dựng 16 công trình nhà lớp học; 11 công trình điện lưới đã được hoàn thành…

Công trình trường, lớp học được đầu tư tại xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, Huyện Võ Nhai

Cầm trên tay những bắp ngô to tròn, chị Vương Thị Mai, người dân xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai), phấn khởi tâm sự: Ngày trước nhà mình trồng ngô thì không đủ để cho con gà, con lợn ăn đâu. Nhờ Nhà nước hỗ trợ hạt và phân bón trồng ngô lai, ngô nhà mình nhiều hạt hơn, con gà, con lợn ăn không hết nên đem đi bán bớt để đổi lấy gạo đấy. Ngày mai thương lái hẹn đến mua ngô nên lát nhà mình sẽ cho ngô vào vào máy tách hạt. Giờ Khuổi Mèo có điện rồi nên mình tách hạt bằng máy thôi, không cần dùng tay như trước.
Chung niềm vui với gia đình chị Mai, cuộc sống của 107 hộ gia đình người Mông khác ở Khuổi Mèo cũng đã có sự thay đổi tích cực từ khi nhận được hỗ trợ từ Đề án 2037. Anh Phùng Văn Lành, Trưởng xóm Khuổi Mèo trao đổi: Nhà nước quan tâm đến người Mông mình lắm. Làm cho đồng bào con đường bê tông to đẹp từ UBND xã vào tận xóm, rồi hỗ trợ giống ngô lai và phân bón, cho vay vốn sản xuất, hỗ trợ đồng bào trồng cây ăn quả, kéo điện vào tận bản cho người Mông mình… Trước mùa mưa năm nay, 2 cây cầu tràn qua suối cũng được làm xong nên đồng bào yên tâm đi lại. Cuộc sống ở Khuổi Mèo nhờ 2037 mà bớt khó khăn hơn nhiều! Năm ngoái còn có 2 hộ anh Vương Văn Tô và Vương Văn Thịnh thoát nghèo được rồi đó.
Cũng giống như ở Khuổi Mèo, những xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh đều được nhận sự hỗ trợ thông qua Đề án 2037 để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Bà Lý Thị Chi ở xóm Lân Quan, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), bộc bạch: Sau khi nhà nước làm đường bê tông cho bản Lân Quan, người Mông ở xóm mình đã không cần chở ngô, chở rong riềng xuống dưới UBND xã bán mà có thương lái đến tận nơi thu mua. Cái ngô 2037 năm nào cũng được mùa,  nên mình lại bán đi để mua quạt, mua ti vi, trong nhà, trong xóm có tiếng tivi nên vui lắm.
Bên cạnh đó, việc quan tâm hỗ trợ sản xuất cho đồng bào có sinh kế bền vững cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Trong năm 2017, các huyện Võ Nhai, Đổng Hỷ đã thực hiện hỗ trợ cho 1.348 hộ đăng ký và có nhu cầu hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai với tổng hiện tích trên 680ha. Thông qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; góp phần tạo việc làm, tăng vụ, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, thay đổi dần tập quán canh tác lạc hậu của người dân phù hợp với điều kiện của địa phương. Đã có tổng số 250 hộ được vay vốn chăn nuôi trâu, bò theo Đề án 2037 với kinh phí trên 7,6 tỷ đồng. Thông qua Đề án 2037, đồng bào dân tộc Mông đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tận dụng lợi thế về đất đai, lao động, nguồn thức ăn tại chỗ nhằm phát triển chăn nuôi. Theo khảo sát, đến nay, 100% số vật nuôi đều phát triển tốt, cơ bản đã sinh sản được 1 lứa, các hộ đều trả nợ, thanh toán lãi xuất đúng hạn. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ mô hình trồng 3ha bưởi Da xanh tại xóm Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ) với 30 hộ dân tham gia. Hiện nay, diện tích cây trồng đều đang phát triển tốt…
Có thể khẳng định, Đề án 2037 với những cách thức tiếp cận, hỗ trợ thiết thực đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp cải thiện đời sống đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh. Đề án 2037 của Thái Nguyên đã và đang phát huy những hiệu quả thiết thực, mang lại sự thay đổi tích cực cho những bản có đông người Mông sinh sống, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nơi đây.

P.V

Từ khóa: