Đâu là động lực và cơ hội mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam?
(LĐXH)- Việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi được kỳ vọng không những sẽ góp phần nâng cao hình ảnh môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung mà còn giúp hình thành một thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển sôi động hơn, minh bạch hơn.
Chia sẻ tại Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 23/7/2024, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, các công tác chuẩn bị cho mục tiêu nâng hạng thị trường đang được triển khai rất rốt ráo. Thời gian qua, các bên tích cực xây dựng giải pháp, chuẩn bị nhân lực và tài chính cho các giải pháp nâng hạng.
Thị trường chứng khoán 24 năm qua đã tạo giá trị lớn cho nền kinh tế như việc hỗ trợ mạnh mẽ công tác cổ phần hoá, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Một nửa trong khoảng 1.800 tổ chức niêm yết hiện nay là doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước, thực hiện cổ phần hóa với nhiều doanh nghiệp đã mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển hơn so với trước khi lên sàn. Cùng đó, các tập đoàn tư nhân đang niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng phát triển nhờ thị trường.
Ý nghĩa lớn hơn, theo ông Hải, thị trường chứng khoán cũng là nơi lan tỏa tinh thần kinh doanh công bằng và minh bạch. Với sự khuyến khích từ các chính sách, thị trường này cũng đang tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trách nhiệm với xã hội thông qua thực hiện tiêu chuẩn ESG, đóng góp sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Với các chính sách đang thực hiện rà soát quy định pháp lý để việc tham gia thị trường ngày càng thuận lợi với doanh nghiệp và nhà đầu tư, UBCKNN có niềm tin vững chắc có thể hoàn thành được mục tiêu.
Ông Hải cho biết số lượng doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết thời gian vừa qua không nhiều. Theo đại diện một số doanh nghiệp, nguyên nhân là do họ chưa nhìn thấy khối lượng nhà đầu tư có thể mua được phần vốn lớn, đồng thời, cũng lo ngại về việc cơ cấu sở hữu tại doanh nghiệp bị phân tán. Còn về phía nhà đầu tư, nhất là nhóm nhà đầu tư nước ngoài mong muốn vào thị trường, kỳ vọng của họ là nhìn thấy các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp tiềm năng thì mới vào thị trường.
Hiện IPO và niêm yết là 2 quá trình tách biệt, dẫn đến khoảng thời gian giữa thời điểm nộp tiền mua cổ phần và đưa cổ phiếu lên niêm yết khá dài, có thể là 3 tháng hoặc hơn nữa. Đây là rào cản lớn đối với một số quỹ hay các nhà đầu tư quốc tế. Vì vậy, UBCKNN đang rà soát quy định và dự kiến sửa đổi Nghị định 155 để tích hợp IPO và niêm yết. Việc sửa đổi sẽ giúp niêm yết gần như ngay khi có IPO”, ông Hải cho hay.
Đánh giá cao về giải pháp này, theo bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc Chiến lược SSI, việc rút ngắn được thời gian giữa hai quá trình này sẽ là động lực để doanh nghiệp lên sàn nhiều hơn.
Ngoài ra, một thực tế cũng được đại diện SSI chỉ ra là việc các quỹ nội địa tại Việt Nam chỉ dành 10% để đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp dù đã lên sàn nhưng chưa niêm yết trên HOSE hay HNX thì cũng hạn chế hoạt động đầu tư mua cổ phần của nhóm nhà đầu tư này.
Thực tế có không ít doanh nghiệp lớn sau khi đăng ký giao dịch vẫn ở sàn UPCoM nhiều năm qua mà chưa chuyển sàn. Về tình trạng này, Phó chủ tịch UBCKNN Bùi Hoàng Hải cho biết, một phần xuất phát từ ý chí doanh nghiệp và cũng có một phần do doanh nghiệp đó chưa đáp ứng được tiêu chuẩn để chuyển sàn niêm yết.
Bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc Chiến lược SSI, chứng khoán Việt Nam đánh giá, trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài là một thị trường có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Điều này đến từ cơ cấu dân số trẻ, tăng trưởng GDP cao hơn nhiều so với các thị trường láng giềng cùng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào.
Thật sự, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng nhiều vào câu chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong năm nay, chúng ta ước tính khoảng 2 tỷ USD vốn ngoại rút ra. Tuy nhiên, nếu được đưa vào danh mục cổ phiếu thị trường mới nổi của FTSE, ước tính cũng sẽ thu hút được khoảng 2 tỷ USD tiền vào.
Việc nâng hạng vào rổ chỉ số của FTSE là tiền đề, xa hơn còn là kỳ vọng được nâng hạng vào nhóm thị trường mới nổi của MSCI. Nếu được MSCI nâng hạng, dự báo sẽ có rất nhiều nhà đầu tư muốn vào.
Cũng theo Giám đốc chiến lược Chứng khoán SSI, nâng hạng thị trường sẽ là cơ hội lớn với các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, vào tháng 3/2026, chứng khoán Việt Nam sẽ được đưa vào rổ thị trường mới nổi. Đó là trong trường hợp nhận được phản hồi tốt từ các nhà đầu tư nước ngoài trong các giải pháp tháo gỡ “nút thắt" hiện nay”. Với các mốc thời gian này, dự báo thị trường sẽ sôi động ở nửa cuối năm 2025./.
Hải Uyên
-
Viện nghiên cứu dược liệu Việt và cân bằng kiềm hóa cơ thể: Quyết tâm khẳng định vị thế dược liệu Việt trên thế giới
21-12-2024 21:11 11
-
Vinh danh 109 doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long tiêu biểu 2024
21-12-2024 16:58 46
-
Mỗi năm Hà Nội tăng thêm nhu cầu nhà ở 200.000 người
21-12-2024 15:32 07
-
Grab tung ưu đãi “khủng” để kết nối người dân với tuyến Metro số 1
20-12-2024 17:31 05
-
TPHCM: 14 nhà ga của tuyến Metro số 1 đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách từ 10g ngày 22/12
20-12-2024 14:09 43
-
Mất cân bằng tài chính từ trào lưu đốt tiền ‘xé túi mù’
20-12-2024 13:14 16
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00