Lao động
Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động
03:42 PM 11/10/2019
Xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động (LĐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp cho công tác này và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Với vai trò cầu nối, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận là địa chỉ tin cậy của nhiều LĐ trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Trung tâm đã tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp triển khai đa dạng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 5 và 20 hàng tháng đã mang lại những hiệu quả rất tích cực, góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm cho người LĐ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, thông qua các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, Trung tâm đã kết hợp tuyên truyền về thông tin LĐ, việc làm và các chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho người dân và các LĐ trên địa bàn.
Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận cho biết: Sau một thời gian đi vào hoạt động, sàn giao dịch việc làm đã góp phần phát triển đa dạng các giao dịch thị trường LĐ, kết nối cung - cầu LĐ một cách hiệu quả, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người LĐ, cung ứng LĐ cho các đối tượng có nhu cầu. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp cả ở khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh. 
Tư vấn chính sách việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh

Một yếu tố quan trọng để công tác giải quyết việc làm thời gian qua đạt hiệu quả là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành và địa phương đã tích cực đẩy mạnh thông tin tuyên truyền rộng rãi về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực giải quyết việc làm, XKLĐ, qua đó tạo đồng thuận trong toàn xã hội, sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 9.310/15.500 LĐ, đạt 60,06% kế hoạch; tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, LĐ đi làm việc trong tỉnh 2.052 lao động, chiếm 22,05%; LĐ đi làm việc ngoài tỉnh 7.131 LĐ, chiếm 76,63% và LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 127 lao động, chiếm 1,36%.
Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Để có kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, điều hành chặt chẽ của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, quyết định, kế hoạch 5 năm và hằng năm. Ngay từ đầu năm, UBND các huyện, thành phố đã có quyết định giao chỉ tiêu giải quyết việc làm - XKLĐ cụ thể cho từng xã, phường, thị trấn để thực hiện. Đặc biệt, Dự án Vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần thực hiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người LĐ, góp phần giảm nghèo, tạo môi trường phát triển sản xuất, kinh doanh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Đồng thời, tạo cơ hội cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm cho bản thân. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay công tác XKLĐ đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Đây là năm đầu tiên LĐ đi XKLĐ mới trong 6 tháng đã vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.
Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm cho người LĐ tại Ninh Thuận cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đặc biệt là thông tin tuyên truyền các chính sách về việc làm, đào tạo nghề và XKLĐ chưa được thường xuyên, sâu kỹ nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, bản thân người LĐ đôi khi chưa quan tâm tham gia các buổi tư vấn, dẫn đến việc thiếu thông tin về thị trường LĐ. Cùng với đó, chính sách tiền lương, tiền công của một số doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp, điều kiện sinh hoạt và môi trường LĐ chưa tốt, do đó chưa thu hút được lực lượng LĐ; người LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trình độ văn hóa còn thấp, chưa có tay nghề, ngoại ngữ yếu nên thiếu tự tin, tự xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc bỏ trốn ra ngoài, vi phạm quy định nuớc sở tại.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp thành lập mới hiện không nhiều, việc thu hút LĐ vào làm việc chỉ chiếm khoảng 25% so với tổng số LĐ được giải quyết việc làm. Việc phát triển các ngành nghề mới như năng lượng tái tạo, công nghệ phần mềm, nghề cơ khí chất lượng cao… LĐ tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Đồng chí Trần Văn Trưa cho biết thêm: Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết việc làm, các ngành, các cấp và các đoàn thể trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giải quyết việc làm, XKLĐ; ngành cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức để cung cấp cho người LĐ những thông tin cần thiết, cập nhật ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng LĐ trong và ngoài tỉnh, mở ra cho người LĐ thêm nhiều cơ hội giải quyết việc làm; đặc biệt sẽ tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua nhiều hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo.
 
PV
Từ khóa: