Lao động
Đẩy mạnh truyền thông – Giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc
11:22 AM 07/10/2019
(LĐXH)-Chương trình cấp phép việc làm của chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS) bắt đầu được triển khai từ năm 2004 theo Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, đến nay, Chương trình đã đưa được 101.834 lượt người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó ngành sản xuất chế tạo 79.750 lao động, ngành xây dựng 7.527 lao động, ngành nông nghiệp 10.271 lao động và ngành ngư nghiệp 4.277 lao động.
Tuy nhiên, tình trạng lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc có những giai đoạn tăng cao dẫn đến việc Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, không tiếp tục tái ký Bản ghi nhớ vào năm 2012.
Quyết liệt ngăn ngừa lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc
Các phóng viên báo chí nhấn mạnh tác động của truyền thông tới việc tham gia xuất khẩu lao động của người lao động
Để giải quyết tình trạng này, trong những năm vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở lao động - Thương binh và xã hội các địa phương và các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều giải pháp như thông tin truyền thông; tuyên truyền, vận động; tạm dừng tuyển chọn ở những địa phương có tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao; hạn chế đăng ký dự thi tiếng Hàn đối với những người lao động có thân nhân đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc; lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh; phối hợp tổ chức hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng về nước; tổ chức các cuộc thi người lao động hồi hương thành công để biểu dương các cá nhân điển hình, thành công trong việc khởi nghiệp sau khi về nước. Từ năm 2013 tới nay, Trung tâm đã phối hợp tổ chức 50 hội chợ việc làm/phiên giao dịch việc làm cho người lao động về nước, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 2.945 người lao động.
Từ việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên, tỷ lệ lao động bất hợp pháp đã giảm mạnh. Cụ thể, vào giai đoạn năm 2012-2013, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước lên đến 57%, đến nay tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 25%; tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp giảm còn khoảng 32%.
Đẩy mạnh truyền thông - Giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động về nước đúng hạn.
Theo bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, hàng năm, phía Hàn Quốc tiến hành đánh giá hiệu quả hợp tác với các cơ quan phái cử, trong đó việc chấp hành hợp đồng lao động, về nước đúng hạn của người lao động là một trong những tiêu chí quan trọng, ảnh hưởng đến chỉ tiêu lao động nhập cảnh hàng năm mà Hàn Quốc phân cho các nước phái cử. Vì vậy, công tác thông tin, tuyên truyền được xem là giải pháp quan trọng, mang tính lâu dài, thường xuyên và liên tục, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động, thân nhân của người lao động đối với chương trình, đối với cộng đồng và lớn hơn là hình ảnh của đất nước, lợi ích của quốc gia.
Bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho rằng Trung tâm luôn chú trọng về công tác thông tin, truyền thông,vận động nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động khi tham gia Chương trình EPS
Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai các nội dung, hình thức tuyên truyền rất cụ thể. Tại Việt Nam, để tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành hợp đồng về nước đúng hạn cần có sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của các cơ quan, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, sự chia sẻ, cộng tác của thân nhân, gia đình người lao động. Được sự chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm đã phối hợp với Cục quản lý lao động ngoài nước và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương tổ chức các Hội nghị tuyên truyền tại các địa phương có nhiều người lao động tham gia chương trình EPS, có tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp cao như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định... Hội nghị mời lãnh đạo UBND quận/huyện, phường/xã, đại diện các tổ chức đoàn thể như: đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, thân nhân gia đình có con đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc hoặc sắp hết hạn hợp đồng lao động.
Công tác tuyên truyền đối với các đối tượng này hướng đến việc phân tích các rủi ro khi người lao động làm việc bất hợp pháp, thiệt hại, ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng như: thân nhân không được đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc, các địa phương có tỷ lệ bất hợp pháp cao bị tạm dừng tuyển chọn.
Đồng thời, Trung tâm phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình các địa phương tổ chức xây dựng, phát sóng các phóng sự, các buổi tọa đàm để công tác tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành hợp đồng, về nước đúng hạn được sâu, rộng hơn nữa.
Tại Hàn Quốc, công tác tuyên truyền, vận động đối với lao động đang làm việc tại Hàn Quốc được quan tâm thường xuyên. Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc của Trung tâm Lao động ngoài nước thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt người lao động tại các địa phương có đông người lao động Việt Nam đang làm việc vào các ngày nghỉ cuối tuần. Hàng năm, Trung tâm cũng phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức các đợt thông tin, tuyên truyền quy mô lớn kết hợp biểu diễn ca nhạc, mời các ca sỹ trong nước sang biểu diễn, phục vụ người lao động. Tại các buổi gặp mặt, Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo Chương trình EPS tổ chức tư vấn, hướng dẫn các quy định của chương trình, thông tin các chính sách mới của Việt Nam và Hàn Quốc, chính sách hỗ trợ người lao động hồi hương, hướng dẫn quy trình, thủ tục về nước, thanh lý hợp đồng, nhận tiền ký quỹ. Thông qua công tác tư vấn, tuyên truyền đã giúp người lao động nắm bắt được đầy đủ chính sách, pháp luật liên quan, yên tâm để chuẩn bị các thủ tục về nước, giải tỏa được các băn khoăn, lo lắng.
Trung tâm đã lập trang fanpage dành cho lao động tham gia Chương trình EPS để thường xuyên cập nhật thông tin về Chương trình EPS, chia sẻ, hướng dẫn, động viên, khuyến khích người lao động tuân thủ quy định, tuân thủ hợp đồng, hoàn thành tốt thời gian làm việc, thực tập kỹ thuật theo hợp đồng, về nước đúng thời hạn. Thông qua kênh thông tin này, Trung tâm đã nắm bắt được kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động, để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng, phản biện lại các ý kiến tiêu cực, sai lệch.
Đặc biệt, để thông tin của Chương trình EPS được truyền tải rộng rãi, đến gần với người dân, người lao động không thể không nói đến vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, các phóng viên báo đài đã đồng hành, phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước để đưa tin, truyền tải các thông điệp của chương trình trong suốt thời gian qua. Thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí, việc truyền thông về chương trình đã đến được với đông đảo người dân, người lao động; chương trình ngày càng phát triển, mang tới nhiều cơ hội việc làm tốt cho người lao động./.
Mỹ Hạnh
 
Từ khóa: