Điện Biên giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Xác định tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn là một trong những yếu tố “tiên quyết” xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, những năm qua tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhất là tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút lao động tham gia các lớp đào tạo nghề cũng như tìm kiếm việc làm thường xuyên tại các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Điện Biên
Ðể công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, tạo “cú hích” mạnh mẽ trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là ở các xã vùng cao, biên giới... tỉnh Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền, đưa các chính sách ưu đãi về công tác đào tạo, tư vấn học nghề, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác giải quyết việc làm đến gần hơn với người lao động. Là đơn vị thường trực của tỉnh trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ - TB&XH) đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù của từng địa phương; điều tra cung - cầu lao động của các doanh nghiệp, ngành kinh tế trên địa bàn. Tăng cường quản lý hoạt động dạy nghề, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về dạy nghề, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ học nghề. Năm 2019, toàn tỉnh tuyển mới đào tạo nghề cho 8.127 lao động (cao đẳng, trung cấp: 515 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 7.612 người; 5.700 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề ngắn hạn theo chính sách Ðề án 1956...). Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,57%.
Song song với công tác đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chăm lo việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định cho lao động. Ðồng thời, đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, kết nối thông tin việc làm trong tỉnh và trong nước, thúc đẩy chuyển dịch lao động phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 9.535 lao động; trong đó, vay vốn hỗ trợ việc làm 900 người, xuất khẩu lao động 67 người, tuyển dụng đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh 1.207 người, tuyển dụng vào cơ quan hành chính sự nghiệp 635 người; tuyển dụng vào doanh nghiệp trong tỉnh và tự tạo việc làm 6.726 người... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 2,64% (giảm 0,11% so với năm 2018). Ðặc biệt, 10/10 huyện, thị, thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao, điển hình như các huyện: Mường Nhé, Ðiện Biên Ðông, Mường Chà...
Ðể cung ứng, giới thiệu việc làm và tuyển dụng lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, Sở LÐ - TB&XH đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ chấp thuận cho 11 doanh nghiệp ngoài tỉnh được tuyển chọn lao động của tỉnh học nghề, đi làm việc tại doanh nghiệp; Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 135 doanh nghiệp tư nhân, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 1.131 doanh nghiệp. Ðặc biệt, tỉnh ta đã tổ chức thành công Ngày hội việc làm tỉnh Ðiện Biên lần thứ III (năm 2019) thu hút 19 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Ngày hội đã quy tụ khoảng 1.780 học sinh, sinh viên và người lao động tham gia (1.071 lao động tham gia phỏng vấn; 166 người được sơ tuyển tại Ngày hội; 24 người đã nộp hồ sơ tuyển dụng). Việc cung ứng, tuyển dụng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh đã tạo việc làm cho 4.004 lao động, chủ yếu ở các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng... và đã có 2.797 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh.
Với những tín hiệu đáng mừng trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, trong năm 2020 tỉnh ta tiếp tục những giải pháp căn cơ, “trúng” và “đúng” với nhu cầu và thị hiếu việc làm của người lao động. Trong đó, tỉnh xác định xây dựng chương trình đào tạo sát với dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhất là, tạo cơ hội để người nghèo, người dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm cho bản thân; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong ngành Nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 8.700 lao động (khoảng 1.000 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh; xuất khẩu lao động 50 người...). Tuyên truyền, tư vấn việc làm, học nghề và chính sách pháp luật lao động cho khoảng 11.000 người; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,5%./.
Sầm Phúc
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48