Kinh tế
Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số
10:22 PM 26/10/2023
(LĐXH)- Ngày 25/10/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, Việt Nam đang bước vào những tháng cuối cùng của năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD…
Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường.
Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ.
Ông Hoàng Quang Phòng cũng cho hay: Theo Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, với tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn 2019 - 2022, kinh tế số tại Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, là một trong ba quốc gia phát triển kinh tế số hàng đầu khu vực. Dự báo trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi.
Toàn cảnh Diễn đàn
Đó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, mạng internet và mạng xã hội rất cao…
Với tốc độ tăng trưởng cao, năm 2022 kinh tế số đóng góp 14,26% GDP. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu kinh tế số đóng góp 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52 - NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp. Trong khi đó, 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ bé…
Ngoài những yếu tố nội tại, theo khảo sát của VCCI, doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cơ chế, chính sách, thể chế chưa đồng bộ. Đó là khó khăn trong tiếp cận tín dụng, khó khăn từ thị trường, những phiền hà trong thủ tục hành chính chưa được giải quyết dứt điểm, môi trường pháp lý thiếu tính ổn định và khả năng tiên liệu tạo ra những rủi ro và bất ổn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực trạng này đang kéo giảm năng lực cạnh tranh, tạo áp lực và khó khăn cản trở doanh nghiệp vận dụng mô hình hoạt động mới từ kinh tế số mang lại.
Tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khoá để chúng ta thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số. Chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
  
 Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cho biết, thời gian qua Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việc áp dụng giải pháp số đã mang đến những kết quả tích cực. 
Nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, theo ông Phan, cần đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh thông qua triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ, 19 Nghị quyết chuyên đề, đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, phát huy vai trò của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế, cho rằng rất cần cả vai trò của Nhà nước và tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông kiến nghị Chính phủ cần quán triệt quan điểm “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; Phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” và thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực theo xu hướng số hóa (như năng lượng tự động, hệ thống giao thông vận tải, đào tạo từ xa, quản lý hồ sơ bệnh án-điều trị bệnh trực tuyến, hệ thống quản lý nông-lâm-ngư nghiệp từ xa, thương mại điện tử được chuyển đổi số…).
Để làm được những điều này, các cấp quản lý Nhà nước cần chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Trịnh Minh Anh cho rằng cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.
Mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tìm các cơ hội hợp tác mới về chuyển giao công nghệ, phát triển các phương thức kinh doanh mới ./.
Thảo Lan