Kinh tế
Diễn đàn “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc”
04:28 PM 10/02/2023
(LĐXH)- Sáng ngày 10/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Diễn đàn Kết nối nông sản 970 theo hình trực tuyến với chủ đề "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)".
Diễn đàn có 3 điểm cầu chính tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phía Nam và UBND tỉnh Lào Cai cùng hơn 400 điểm cầu trong, ngoài nước với sự tham gia của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Việc tổ chức diễn đàn nhằm đánh giá tổng quan về thương mại, xuất nhập khẩu sản phẩm thực vật và sản phẩm thực phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng. Đồng thời, đưa ra các giải pháp thúc đẩy thương mại cũng như nhu cầu giao thương, xuất nhập khẩu rau quả, nông sản, thực phẩm giữa hai nước trong thời gian tới.
Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn nhận định tổng quan về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc: Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 175,5 tỷ USD. Với 1,411 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam.
Đối với hàng rau quả, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với tỷ trọng chiếm 53,7%. Trong số đó, lượng vải thiều sang Trung Quốc chiếm 90%, lượng thanh long sang Trung Quốc chiếm hơn 80% tỷ trọng lượng xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài ra, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Quốc với tỷ trọng lần lượt chiếm 91,47% và 71%. Riêng thuỷ sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3 của Việt Nam xếp sau Mỹ và Nhật Bản.
Do đó, theo ông Tô Ngọc Sơn, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu. Cùng với đó, cần nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; nghiên cứu và tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.
Hình ảnh điểm cầu chính của Diễn đàn tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc, Việt Nam cần phát huy hiệu quả của các cửa khẩu đường bộ, đường sắt tiếp giáp với tỉnh Vân Nam; tăng cường quảng bá các mặt hàng có tiềm năng của Việt Nam như thủy hải sản, trái cây; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn công tác với tỉnh Vân Nam. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường…
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết, hợp tác kinh tế thương mại giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn trước dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu tăng trưởng bình quân đạt 20,3%, trong đó giá trị xuất nhập khẩu hàng nông sản chiếm trên 30% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu với khối lượng nông sản xuất nhập khẩu hai bên đạt gần 2 triệu tấn/năm.
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước, tỉnh Lào Cai đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chuẩn hóa các quy trình sản xuất, đóng gói nông sản xuất khẩu; tích cực trao đổi, hội đàm với cơ quan chức năng phía Trung Quốc nhằm đẩy nhanh việc hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc; tăng sản lượng trái cây được cấp mã vùng trồng xuất khẩu; sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản của Việt Nam để giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu…
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá: Diễn đàn cho thấy sự cần thiết và nhu cầu thiết yếu của các doanh nghiệp trong việc nắm thông tin về xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai sang thị trường Vân Nam (Trung Quốc)”. Đây là cầu nối cần thiết, được duy trì để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Việc Trung Quốc mở cửa thị trường từ ngày 8/1 vừa qua là tin mừng đối với doanh nghiệp hai nước song cũng là thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao, đặc biệt là yêu cầu từ Lệnh 248, 249, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu phía bạn.
Về thực hiện liên kết, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ các đơn vị như Ban Quản lý Cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải.
Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Cục Chăn nuôi sớm trình Thông tư hướng dẫn về xác định mã số nhà nuôi yến, hang nuôi yến, để sớm hoàn tất các thủ tục.
Về chuẩn bị cho xuất khẩu ớt, khoai lang, chanh leo, các tỉnh có nhiều sản phẩm này cần rà soát cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu để đăng ký; các tỉnh muốn tổ chức lễ xuất hàng lô đầu tiên cần đề nghị sớm với Bộ.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT thông tin, hiện nay có 16 mặt hàng thực vật đang xuất khẩu sang Trung Quốc là chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo. Trong đó, khoảng 7 sản phẩm đã có Nghị định thư và Bộ đang hoàn thiện chuẩn hóa các Nghị định thư cho khoai lang, ớt.
Hiện nay, Bộ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía bạn để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả, đẩy mạnh đàm phán. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phối hợp về cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng.
Bộ chỉ đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường liên hệ Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc để thảo luận nội dung; cử đoàn sang tỉnh Vân Nam đẩy mạnh xúc tiến nông sản vào thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản.
Việc tổ chức diễn đàn có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh Trung Quốc đang thay đổi chính sách phòng chống dịch COVID-19; khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc của Việt Nam. Đây là điều kiện để hai bên thúc đẩy hoạt động giao thương nói chung và thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm nói riêng./.
Thảo Lan

Từ khóa: