Xã hội
Diễn đàn trẻ em SOS quốc gia lần thứ I: Cơ hội để các em Làng trẻ SOS thể hiện tâm tư, nguyện vọng của mình
09:19 PM 02/08/2019
(LĐXH) Diễn đàn trẻ em SOS quốc gia lần thứ I được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các em ở các Làng trẻ SOS trên cả nước được thể hiện tiếng nói của mình về cuộc sống, về sự phát triển, về tâm tư nguyện vọng và các kiến nghị, đề xuất khi được lớn lên trong môi trường gia đình thay thế tại Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Trong 2 ngày 1 - 2/8, tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An), Làng trẻ em SOS Việt Nam tổ chức Diễn đàn trẻ em SOS quốc gia lần thứ I với chủ đề: “Làng trẻ em SOS – Mái ấm gia đình của chúng chúng em”.
Đến dự Diễn đàn có đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An; đồng chí Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Làng trẻ em SOS Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và 85 em nhỏ đại diện cho 3.100 trẻ em ở 17 Làng trẻ em SOS trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Diễn đàn trẻ em SOS quốc gia lần thứ 1 năm 2019 của Làng trẻ em SOS Việt Nam được tổ chức trong bối cảnh thế giới và Việt Nam tổ chức kỷ niệm 30 năm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và 10 năm thực hiện Hướng dẫn của Liên hợp quốc về chăm sóc thay thế cho trẻ em và 70 năm thành lập, phát triển của Làng trẻ em SOS Quốc tế. Đây là Diễn đàn trẻ em SOS quốc gia lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các con được thể hiện tiếng nói của mình về cuộc sống, về sự phát triển, về tâm tư nguyện vọng và các kiến nghị, đề xuất khi được lớn lên trong môi trường gia đình thay thế tại Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Diễn đàn lần này cũng là cơ hội thuận lợi để lãnh đạo các cơ quan chuyên trách từ trung ương đến địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, các cán bộ, nhân viên Làng trẻ em SOS làm việc trực tiếp với trẻ được lắng nghe tiếng nói của trẻ, những tâm tư nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của trẻ để nghiên cứu và có những hành động cụ thể khắc phục tồn tại, thách thức. Đồng thời, cùng nhau thảo luận các giải pháp nhằm hoàn hiện văn bản pháp luật, chính sách và đáp ứng các nhu cầu thiết thực của trẻ em đang được chăm sóc theo mô hình gia đình thay thế nói chung và tại Làng trẻ em SOS nói riêng.
Diễn đàn trẻ em SOS quốc gia lần thứ I cũng là cơ hội lan tỏa những tình cảm tình yêu thương, sự sẻ chia đến trẻ em 17 Làng Trẻ em SOS cả nước.  
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh và Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà
tặng quà cho các em Làng trẻ em SOS tham dự Diễn đàn
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà vui mừng đánh giá: Năm 2019 là năm thứ 32 kể từ ngày Hiệp định hợp tác được ký kết giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Làng trẻ em SOS quốc tế. Đến nay, 17 tỉnh, thành phố đã có Làng trẻ em SOS hoạt động hiệu quả. Bên cạnh hệ thống 17 Làng trẻ em SOS và các khu Lưu xá cho thanh niên, chúng ta có 06 Chương trình tăng cường gia đình ở cộng đồng, 16 trường mẫu giáo SOS, 12 trường phổ thông Hermann Gmeiner, 01 trường trung cấp nghề và một số dự án hỗ trợ khác do Làng trẻ em SOS Quốc tế tài trợ.
Đã có hơn 6.000 trẻ đã và đang được nuôi dưỡng, trong đó có 3.100 trẻ đang được chăm sóc tại 236 gia đình thay thế của Làng trẻ em SOS. Về cơ bản, các con đều được hỗ trợ phát huy hết khả năng của mình và thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em. Hơn 2.850 cháu đã trưởng thành, hoà nhập cộng đồng, trong đó có trên 800 cháu đã xây dựng gia đình. Hơn 90% trẻ em sau khi rời Làng trẻ em SOS đều được đào tạo nghề ở các trình độ phù hợp.
85 em nhỏ đại diện cho 3.100 trẻ em ở 17 Làng trẻ em SOS trên cả nước
tham dự Diễn đàn trẻ em SOS quốc gia lần thứ I
Có được kết quả này là nhờ phương pháp hoạt động của Làng trẻ em SOS với 04 nguyên tắc sư phạm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bao gồm Trẻ em - Cha mẹ - Gia đình - Cộng đồng, trong đó lấy trẻ em làm trung tâm; Đồng thời cũng nhờ những nỗ lực, cố gắng của các cán bộ, nhân viên, các mẹ, các dì trong việc chăm sóc, dạy dỗ các con trưởng thành, đóng góp tích cực cho hoạt động an sinh xã hội chung của Ngành LĐTBXH và cả nước. Trong phiên họp vừa qua của SOS Quốc tế tại Áo, các nước đều ngưỡng mộ về kết quả phát triển hệ thống Làng trẻ em SOS tại Việt Nam trên cả 17 tỉnh, thành phố, với nhiều trường Hermann Gmeiner hoạt động cũng hiệu quả, môi trường xanh – sạch – đẹp.
Tại Diễn đàn, các em thảo luận 5 chủ đề: Mái ấm gia đình và ngôi Làng trẻ em SOS; Phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em; Bình đẳng trong giáo dục hòa nhập; Định hướng nghề nghiệp và khả năng có việc làm của thanh niên SOS; Sự tham gia của trẻ em SOS trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật công nhận mô hình gia đình thay thế chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Các em cho rằng, trước khi được vào Làng trẻ em SOS, các em không có nơi nương tựa, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, bị phân biệt đối xử và tiềm ẩn nguy cơ bị bắt cóc và xâm hại tình dục nên một số em mắc các hội chứng về tâm lý, tự ti, trầm cảm và có nguy cơ dính tới các tệ nạn xã hội. Sau khi các em được tiếp nhận vào Làng trẻ em SOS, được các mẹ, dì và chị em, cộng đồng Làng yêu thương chăm sóc và được đến trường, được định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ tìm việc làm.
Trẻ em Làng trẻ SOS trình bày kết quả thảo luận về những vấn đề 
 còn hạn chế của các em.
Theo các em, trong một xã hội lớn thì mỗi một gia đình là một xã hội thu nhỏ. Giá trị cốt lõi của Làng trẻ em SOS dựa trên nền tảng gia đình là dựa trên giá trị căn bản của xã hội. Do đó, một gia đình trong Làng trẻ em SOS cũng là một thành tố trong đó. Mặc dù vậy, vẫn còn một số tồn tại về cuộc sống của trẻ tại Làng trẻ em SOS cần giải quyết nhằm nâng cao chất lượng sống cho các em như: Định mức tiền ăn của các con trong Làng hiện vẫn còn thấp, kinh phí cho học thêm, đặc biệt là các kỹ năng mềm rất ít trong khi nhu cầu của các em ngày càng nhiều; sự hoà nhập với cộng đồng và xã hội của các em Làng trẻ SOS vẫn còn nhiều hạn chế… Do đó, các em rất mong muốn được nâng cao chất lượng sống và tăng cường hoà nhập với cộng đồng xã hội.
Theo số liệu của Làng trẻ em SOS Việt Nam năm 2018, có 97% thanh niên tự lập có việc làm. Tuy nhiên, trong số 97% thanh niên có việc làm thì có đến 59% thanh niên làm trái ngành nghề được đào tạo hoặc công việc không ổn định, chỉ có 38% thanh niên có việc làm đúng ngành nghề đã được đào tạo. Đa số thanh niên SOS còn thiếu về các kỹ năng, trình độ ngoại ngữ tin học, nên ra trường không đáp ứng được nhu cầu công việc, chưa bắt kịp đc xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, thiếu kinh nghiệm làm việc…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà tiếp nhận khuyến nghị của các em
Làng trẻ SOS
Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tư vấn, định hướng cho thanh niên SOS chưa hiệu quả. Một số thanh niên SOS còn thờ ơ, không quan tâm đến việc học hành, không ý thức được tầm quan trọng đối với thành công cá nhân…Qua Diễn đàn, các em kiến nghị có chính sách để hỗ trợ thanh niên được học nghề và tìm kiếm việc làm; Có nhiều hoạt động để thanh niên trải nghiệm thực tế các công việc làm ngoài Làng SOS để các em có nhiều kiến thức thực tế.
Một nội dung được nhiều em nhỏ đến từ các làng trẻ em SOS quan tâm đó là vấn đề bình đẳng trong giáo dục hòa nhập. Theo các em, hiện nay vẫn có tình trạng bất bình đẳng giữa trẻ em sống ở làng trẻ SOS với trẻ em cộng đồng. Các em còn thiếu kinh phí học tập, thiếu cơ sở vất chất, thiếu kĩ năng sống… Vì thế, các em mong muốn đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức để xóa bỏ bất bình đẳng. Đưa trẻ em SOS vào diện miễn giảm học phí theo Chính sách của Nhà nước. Có chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong giáo dục. Tăng cường đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa và tăng cường thực hành…
Góc trưng bày mô hình, sản phẩm và thông điệp truyền thông
mà trẻ em Làng SOS muốn trao gửi 
Cũng tại Diễn đàn, trẻ em SOS có phiên đối thoại với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và Bộ, ngành về những vấn đề các em quan tâm và gửi tới các đồng chí lãnh đạo, các nhà tài trợ những thông điệp của các em, đó là:
- Trẻ em SOS mong muốn được nâng cao chất lượng sống và tăng cường sự hòa nhập giữa gia đình SOS với cộng đồng xã hội;
- Các hành vi xâm hại, bạo lực với trẻ em cần được xử lý nghiêm minh;
- Trẻ em Làng SOS mong muốn được bình đẳng trong tiếp cận giáo dục;
- Trẻ em Làng SOS mong muốn được hỗ trợ hướng nghiệp, việc làm để có cơ hội tìm được việc làm phù hợp;
- Mô hình gia đình thay thế của Làng trẻ SOS cần được xem xét, ghi nhận trong các văn bản pháp luật của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà và các đại biểu tham quan và lắng nghe trẻ em làng SOS 
giới thiệu về các sản phẩm của các em.
Ngay tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà và các đồng chí: Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em; Lê Quang Trung, Quyền Cục trưởng Cục Việc làm; Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TBXH), Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trần Ban Hùng, Chuyên gia của Tổ chức Save Children đã lắng nghe và giải đáp những câu hỏi, tâm tư, nguyện vọng và khuyến nghị của em.
Các đồng chí lãnh đạo đều khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em Làng SOS. Ý kiến của trẻ em không bị bỏ qua, những khuyến nghị của các em tại các Diễn đàn đều được ghi nhận và chuyển đến các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan xem xét giải quyết. Các vấn đề về quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được qui định trong các văn bản qui phạm pháp luật, các cơ quan chức năng đã và đang tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các qui định cho phù hợp hơn với thực tiễn và đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền trẻ em./.
Một tiết mục văn nghệ do trẻ em Làng SOS biểu diễn.

Thảo Lan


  

 

 

 

 

Từ khóa: