Định Hóa nỗ lực tìm giải pháp giảm nghèo bền vững
(LĐXH)- Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của chính người dân, công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Các chính sách và dự án được quan tâm bố trí từ ngân sách và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo như: cứu đói, cứu tế, khắc phục thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn… Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi… đã giúp nhiều gia đình có việc làm, tạo ra thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Đến nay, toàn huyện đã có 1.550 hộ trên địa bàn thoát nghèo, tương đương tỷ lệ giảm là 6,3%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ cận nghèo của huyện lại tăng 1,23% và trong số hộ nghèo có tới 88,1% là nghèo thu nhập. Thực tế này đòi hỏi huyện Định Hóa có những giải pháp đồng bộ hơn nữa để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Xã Phú Đình hiện là một trong 3 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất ở Định Hóa, với số liệu lần lượt là 29,64% và 32%. Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã trăn trở: Phần lớn hộ khó khăn về thu nhập trên địa bàn do thiếu tư liệu sản xuất. Các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ của Nhà nước đã được triển khai nhưng nhìn chung còn chưa đáp ứng. Ví dụ, mỗi năm vốn giảm nghèo của Chương trình 135 phân bổ cho xã chỉ 300 triệu đồng; vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội tối đa một hộ được vay 50 triệu đồng. Số tiền này không đủ đầu tư một mô hình sản xuất quy mô tương đối mà chỉ có thể là nhỏ lẻ. Ngoài ra, theo thống kê thì toàn xã có tới 161 gia đình khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ. Đây là tiêu chí xét nghèo đa chiều không dễ có lời giải.
Ngoài làm ruộng và chè, gia đình bà Nguyễn Thị Gái, ở xóm Nà Mùi, xã Phú Đình (Định Hóa)
thường lên rừng lấy nứa về chẻ và đan thành phên bán để có thêm thu nhập
Với xã vùng sâu, vùng xa Linh Thông, vấn đề giảm nghèo cũng là bài toán khó khiến lãnh đạo địa phương trăn trở. Bà Hoàng Thị Minh, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Tuy mấy năm nay đời sống của người dân đã có chuyển biến đáng kể nhưng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở Linh Thông vẫn tới 63%. Cái khó của xã là nằm cách xa so với trung tâm huyện và giao thông không thuận lợi. Mang tiếng là xã miền núi nhưng đất rừng sản xuất không đáng kể vì phần lớn quy hoạch thành rừng phòng hộ và đặc dụng. Diện tích đất trồng lúa rất nhỏ hẹp và phân tán, tính chia trung bình mỗi nhân khẩu chưa nổi một sào. Các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế của người dân mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, tỷ lệ nghèo và cận nghèo có giảm nhưng nếu đánh giá thật công bằng thì chưa thực sự bền vững. Được biết, những năm qua Linh Thông đã huy động, vận dụng nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Chính quyền xã đã được tiếp nhận một số chương trình dành cho xã đặc biệt khó khăn, các tổ chức và nhà hảo tâm đầu tư cho hộ nghèo phát triển sản xuất và làm nhà. Trên cơ sở khảo sát thực tế, xã cũng kiến nghị chuyển khoảng 600ha đất rừng phòng hộ sang sản xuất để giúp người dân có thêm tư liệu canh tác.
Theo đánh giá của UBND Định Hóa, xét về tỷ lệ giảm nghèo hằng năm thì huyện đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020 nhưng chưa thật sự bền vững. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như: giá nông sản bấp bênh, thiên tai lũ lụt trong năm 2017 gây thiệt hại lớn… thì chủ yếu là do các yếu tố chủ quan. Đó là: công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tại một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thực sự quyết liệt; việc tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách giảm nghèo chưa thực sự sâu rộng nên ý thức của một số ngành, địa phương và người dân hạn chế; việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp tại một số gia đình còn chưa thực sự phù hợp với nhu cầu, chưa tạo động lực để nâng cao năng suất lao động; một bộ phận người dân còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại không muốn thoát nghèo để được hướng cơ chế hỗ trợ, chính sách ưu đãi…
Ông Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa nhấn mạnh: Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng và kết quả công tác giảm nghèo, chúng tôi nhận thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp đồng bộ nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn. Trong đó, xác định vai trò quan trọng nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của cấp ủy, chính quyền các cấp về giảm nghèo. Với tinh thần này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện vừa thông qua Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Định Hóa giai đoạn 2018-2020. Trên cơ sở đó, sẽ chỉ đạo các nghị quyết, kế hoạch chuyên đề ở cơ sở để định hướng, giúp đỡ các hộ có thể giảm nghèo; huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo. Với các hộ dân chủ động đăng ký thoát nghèo sẽ được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ và mô hình sản xuất phù hợp, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để đi làm tại các nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
P.V
Từ khóa:
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
-
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
21-01-2025 14:53 47
-
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
21-01-2025 09:12 54
-
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
20-01-2025 11:41 22
-
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
20-01-2025 07:43 42
-
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
19-01-2025 23:43 35