Định Hóa triển khai đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững
(LĐXH)- Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Định Hóa hiện nay giảm còn 6,45% (năm 2015 là 27,6%), hộ cận nghèo cũng giảm dần qua các năm. Đời sống người dân từng bước được nâng lên, an ninh trật tự được bảo đảm, mối liên kết giữa người dân và chính quyền ngày càng gắn bó…
Đây là những điểm nổi bật khi các chủ trương, chính sách về giảm nghèo được triển khai đồng bộ, quyết liệt tại huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên). Qua đó, đã tạo điều kiện cho người nghèo ổn định cuộc sống, tiếp thêm động lực để người dân phát huy nội lực tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, để thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững, UBND huyện Định Hóa giao Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai lồng ghép nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả như: giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, dụng cụ sản xuất; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi phương thức canh tác cho người dân; giải quyết cho vay các nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế, học nghề, vay vốn đi xuất khẩu lao động thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; huy động các nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo.
Kết quả tính từ năm 2016 đến nay, huyện Định Hóa đã có hơn 4.000 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ tư liệu sản xuất từ các chương trình, dự án để phát triển kinh tế với tổng nguồn vốn là 39 tỷ đồng. Trên 10.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền gần 1.400 tỷ đồng. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, địa phương có hơn 1.000 gia đình đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nhiều hộ dân huyện Định Hóa thoát nghèo
Bằng việc triển khai nhiều mô hình, dự án gắn với phát triển cây chè, xã Phú Đình đã thành lập được 5 làng nghề sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại 2 xóm Phú Ninh và Đồng Duyên, giúp cho hàng chục hộ dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Gia đình chị Bùi Thị Mai ở xóm Phú Ninh là một trong những hộ thoát nghèo nhờ trồng chè. Chị Mai tâm sự: Nhiều năm liền, kinh tế gia đình chỉ dựa vào vài sào chè trung du là chính. Năm 2017, gia đình được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng và thay thế toàn bộ diện tích chè trung du sang chè cành. Đến nay, trung bình mỗi lứa, thu hoạch khoảng 2 tạ chè khô cho thu về khoảng 30 triệu đồng. Không chỉ trả hết nợ cũ cho ngân hàng, gia đình tôi đã thoát nghèo vào năm 2020.
Còn ông Triệu Văn Tiến, xóm Cà Đơ, xã Lam Vỹ (huyện Định Hóa) thì cho biết: Gia đình tôi trước kia nghèo lắm, nhưng nhờ được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Hóa với lãi suất thấp để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống, phát triển chăn nuôi. Hiện tại, kinh tế gia đình đã ổn định hơn trước nhiều.
Được biết, ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để người dân phát triển kinh tế, thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được huyện Định Hóa đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tính từ năm 2016 đến nay, huyện Định Hóa đã mở gần 50 lớp đào tạo nghề cho khoảng 1.200 lao động nông thôn với các ngành nghề như: điện tử, điện lạnh, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y. Đối tượng được đào tạo nghề chủ yếu là lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số… Sau khi đào tạo, cơ bản các học viên đã nắm được kiến thức khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập.
Đến nay, chủ trương giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi khá toàn diện đời sống của nhân dân trên địa bàn Định Hóa. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo huyện chỉ còn 6,45%, giảm gần 20% so với năm 2016.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Định Hóa lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ: phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,2%/năm trở lên; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 1%/năm.
Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, huyện Định Hóa tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình dự án về công tác giảm nghèo; tạo cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận kịp thời các chính sách hỗ trợ về đất đai, việc làm, dạy nghề, tiêu thụ sản phẩm...
Có thể thấy rằng, Thông điệp “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” được Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị ở Định Hóa quyết liệt vào cuộc bằng nhiều cách làm sáng tạo, hợp lòng dân. Nhất là cùng với sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội và cộng đồng dân cư sẽ khơi dậy được ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48