Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
(LĐXH)-Trong thời gian qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đã quan tâm và nhìn nhận được tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là rất cần thiết. Việc thực hiện kế hoạch hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ lồng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của một số cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện được quan tâm, thực hiện khá tốt.
Năm 2024, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được các đơn vị, địa phương tỉnh An Giang triển khai và thực hiện dựa trên cơ sở Nghị quyết số 11- NQ/TW, ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 22 - CT/TU, ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bình đẳng giới”; Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 28 tháng 5 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”; Quyết định số 789/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2016 phê duyệt kế hoạch thực hiện Quyết định số 178/QĐ - TTg ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong tình hình mới”; Quyết định số 1048/QĐ -UBND ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-22025; Kế hoạch số 368/KH-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Thực hiện tuyên truyền về công tác bình đẳng giới, các đơn vị, địa phương đã quan tâm đến công tác triển khai, phổ biến và tuyên truyền các văn bản có liên quan đến vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới thông qua việc lồng ghép vào các buổi họp chi bộ, các buổi báo cáo về pháp luật, thông tin chuyên đề, bảng thông báo của đơn vị, các buổi hội nghị, tập huấn hoặc thông tin qua mạng thông tin nội bộ gửi đến cán bộ, công chức, viên chức. Đối với doanh nghiệp, việc tuyên truyền pháp luật về lao động và bình đẳng giới chủ yếu được lồng ghép vào thông báo, phổ biến nội quy, quy chế và sinh hoạt chi bộ của doanh nghiệp cho cán bộ, công nhân, người lao động, hay được phổ biến, tuyên truyền từ đơn vị quản lý cấp trên và từ hoạt động nữ công,... Một số doanh nghiệp đã quan tâm và có nhiều chính sách, chế độ ưu đãi cho người lao động nhất là đối với lao động nữ. Lao động nữ được tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình làm việc, thu nhập và tạo công ăn việc làm.
Các đơn vị, địa phương cũng tạo mọi điều kiện để nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới. Theo số liệu kiểm tra một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh tại cuộc kiểm tra liên ngành về hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới năm 2024 cho thấy, đối với cơ quan cấp tỉnh, tỷ lệ cán bộ nữ chiếm từ 20% đến 50% so với tổng số cán bộ công chức, viên chức của đơn vị, hầu hết chị em phụ nữ đều có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn từ cao đẳng đến đại học trở lên. Cán bộ nữ tham gia cấp ủy đạt từ 15 đến 30%; Cán bộ nữ vị trí lãnh đạo cấp trưởng, phó phòng đạt từ 10% đến 50%. Các đơn vị đã quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nữ tham gia lãnh đạo cấp Sở, cấp trưởng, phó phòng và đảng viên nữ tham gia cấp ủy, trong đó phấn đấu đưa tỷ lệ nữ đạt từ 50% đến 60% giai đoạn 2021 - 2026.
Còn tại các doanh nghiệp được kiểm tra, số lượng lao động nữ đang làm việc tại doanh nghiệp tùy theo từng ngành, chẳng hạn như Công ty Cổ phần Xuất nhập Khẩu Thủy sản An Giang có số lao động nữ chiếm tỷ lệ tương đối cao; Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang do đặc thù tính chất công việc nên tỷ lệ lao động nữ lại rất thấp. Các doanh nghiệp có Ban Nữ công, chưa có thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, quy chế hoạt động, đa số lồng ghép triển khai hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ vào các phong trào hoạt động, tuyên truyền, sinh hoạt chi bộ.
Nhìn chung, đối với việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong năm 2024, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới kiểm tra vào cuối năm 2024 đều thực hiện nghiêm túc và đều tự thực hiện kiểm tra nội bộ công tác này tại đơn vị, địa phương mình, chưa phát sinh khiếu nại, tố cáo việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới./.
Khánh Quyên
Từ khóa:
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48