Xã hội
Định hướng đổi mới trợ giúp xã hội giai đoạn tới
03:17 PM 29/01/2017
Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.
Do nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi quá trình biến đổi khí hậu và tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh dẫn đến có hơn 25% dân cư cần sự trợ giúp xã hội. Trong đó có khoảng 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 1,8 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện, 204.000 người nghiện ma tuý, hơn 48.000 người bán dâm, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình, ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố. Đồng thời, có khoảng 10% hộ nghèo, 5% hộ cận nghèo.
Nước ta hiện có hơn 25% dân cư cần sự trợ giúp xã hội
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách người có công; nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, an toàn”. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 cũng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”.
Tuy nhiên, chính sách trợ giúp xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, một số mặt yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục, kết quả trợ giúp xã hội chưa bền vững. Diện bao phủ của trợ giúp xã hội còn hạn chế; mức hỗ trợ còn thấp, chưa bảo đảm được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu; còn một bộ phận người dân khó khăn chưa tiếp cận được chính sách, dịch vụ trợ giúp xã hội; chênh lệch đời sống của đối tượng sống ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của cả nước còn cao; nhận thức của một bộ phận cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội còn hạn chế, chưa coi chi trợ giúp giúp xã hội là khoản đầu tư cho phát triển; khuôn khổ luật pháp về trợ giúp xã hội chưa hoàn thiện, đồng bộ; hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chủ yếu chăm sóc nội trú, chưa quản lý trường hợp và chăm sóc, trợ giúp đối tượng tại gia đình, cộng đồng; năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội còn yếu; quản lý nhà nước còn chồng chéo, chưa có sự phối hợp đa ngành trong trợ giúp cho từng trường hợp. Công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều nơi chưa được coi trọng. Nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước; chưa động viên, thu hút được nhiều sự tham gia của tư nhân và các tổ chức xã hội đầu tư vào trợ giúp xã hội và nhiều đối tượng thụ hưởng chính sách còn ỷ lại vào Nhà nước. Ngoài ra, chưa thiết kế chính sách trợ giúp xã hội theo vòng đời, phổ quát toàn dân để bảo đảm quyền an sinh xã hội và giải quyết những khó khăn của người dân theo nhóm tuổi.
Cần hoàn thiện chính sách trợ cấp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng hưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp
Từ thực trạng trên và dựa vào kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần đổi mới và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho phù hợp với xu hướng hội nhập và bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khả năng ứng phó với rủi ro cho người dân và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Trong giai đoạn tới, đổi mới chính sách trợ giúp xã hội dựa trên quan điểm: Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Trợ giúp xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ, ưu tiên người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; Trợ giúp xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, bảo đảm bền vững, công bằng; Nhà nước bảo đảm thực hiện trợ giúp xã hội và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện trợ giúp xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.
Việc đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội theo một số định hướng sau:
Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội; quan điểm chủ trương, chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội; các giải pháp, mô hình trợ giúp xã hội hiệu quả, gương điển hình tiên tiến vượt khó và những nội dung khác có liên quan nhằm thay đổi cách thức trợ giúp xã hội theo hướng tiên tiến, hiệu quả.
Hai là, hoàn thiện chính sách trợ cấp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng hưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp với khả năng kinh tế - xã hội của đất nước, trước mắt ưu tiên trình cấp có thẩm quyền giải quyết chính sách trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp của Nhà nước và phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng mức chuẩn trợ cấp xã hội và các hệ số trợ cấp xã hội dựa trên nhu cầu tối thiểu của con người, theo vòng đời và bảo đảm hội nhập quốc tế. Từng bước tích hợp các chính sách trợ cấp xã hội, hỗ trợ tiền điện, trợ cấp tiền mặt khác thành một chính sách trợ cấp cho hộ gia đình.
Ba là, hoàn thiện chính sách và phát triển dịch vụ trợ giúp khẩn cấp theo hướng dựa trên mức độ thiệt hại, mức độ tổn thương, hoàn cảnh cụ thể và khả năng khắc phục rủi ro của cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em bị mua bán. Xây dựng thí điểm, nhân rộng mô hình "Quỹ trợ giúp khẩn cấp" tại cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương để tăng cường vận động, ghi nhận tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp khẩn cấp bằng tiền, hiện vật; phân cấp, linh hoạt và kịp thời. Có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội tham gia trợ giúp khẩn cấp; lồng ghép trợ giúp khẩn cấp với các chính sách, chương trình liên quan (phát triển nông thôn mới, việc làm, giảm nghèo bền vững, phòng và giảm tác hại của biến đổi khí hậu), với phát triển các hình thức bảo hiểm (bảo hiểm sản xuất, bảo hiểm tài sản, con người) ở các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lụt, tác động của biến đổi khí hậu có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương và huy động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực huy động trợ giúp khẩn cấp.
Bốn là, quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đến cấp huyện phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, địa phương và phát huy năng lực, hiệu quả của các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hình thức quản lý cơ sở trợ giúp xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, bảo đảm phù hợp với khả năng huy động nguồn lực trợ giúp xã hội để phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội. Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm cơ sở trợ giúp xã hội tổng hợp, mô hình cơ sở trợ giúp xã hội chuyên biệt cấp huyện và mô hình cơ sở trợ giúp xã hội cấp huyện để cung cấp dịch vụ trợ giúp cho cá nhân, gia đình, cộng đồng có vấn đề xã hội. Mô hình cơ sở trợ giúp xã hội do cấp huyện cho phép thành lập trên cơ sở đề xuất của các cơ quan và tổ chức chính trị - xã hội. Nguồn kinh phí hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, đóng góp tự nguyện của cá nhân trong và ngoài nước; ngân sách nhà nước hỗ trợ ban đầu khi triển khai thí điểm mô hình cơ sở trợ giúp xã hội. Thí điểm mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật không có người chăm sóc, phụng dưỡng; mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật và một số mô hình trợ giúp xã hội khác. Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở trợ giúp xã hội công lập để đủ điều kiện chăm sóc, trợ giúp cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng mô hình tạm lánh để tiếp nhận, chăm sóc các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa tại một số địa phương.
Năm là, thống nhất một cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội, có nhiệm vụ chủ trì, nghiên cứu, xây dựng, quản lý và tổ chức triển khai chiến lược, chương trình an sinh xã hội trợ giúp cho người nghèo và đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bảo đảm không chồng chéo nhiệm vụ của các Bộ, ngành. Chuyển công tác chi trả trợ cấp xã hội và các chính sách hỗ trợ tiền mặt cho cá nhân, hộ gia đình từ cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội sang tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp đến năm 2020. Xây dựng tiêu chí xác định đối tượng dựa vào nhu cầu cần trợ giúp xã hội; có quy trình đối tượng tự đăng ký xét duyệt bảo đảm công khai, minh bạch. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, bảo đảm tích hợp các chính sách trợ giúp xã hội với các chính sách an sinh xã hội khác trên cơ sở sử dụng số và thẻ an sinh xã hội điện tử.
Sáu là, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội. Hỗ trợ các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo cho cán bộ, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội. Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên và gia đình về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, trợ giúp xã hội cho đối tượng; nâng cao năng lực cán bộ quản lý về trợ giúp xã hội.
Nguyễn Trọng Đàm
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Từ khóa: