Trong luật pháp quốc tế, “lao động trẻ em” là thuật ngữ thường dùng để chỉ tình trạng một người dưới 18 tuổi phải làm các công việc có hại đến tinh thần, thể chất, trí tuệ, đạo đức và nhân cách của các em; hoặc phải làm việc từ độ tuổi nhỏ khiến cho các em mất đi cơ hội học tập và phát triển.
Lao động trẻ em được nhận diện thông qua các tiêu chí về độ tuổi, thời giờ làm việc, loại công việc và nơi làm việc được xem là nguy hại cho người dưới 18 tuổi theo hai công ước của ILO là Công ước số 138 năm 1973 về tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 năm 1999 về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất. Cụ thể, nó bao gồm những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, những công việc nguy hại và công việc không được phép thực hiện bởi trẻ em dưới tuổi lao động tối thiểu theo luật từng nước. Pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định có liên quan đến LĐTE. Khoản 7, Điều 4 Luật trẻ em định nghĩa về bóc lột trẻ em, Điều 26, quy định quyền trẻ em được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; khoản 2, Điều 162 Bộ Luật lao động quy định “người sử dụng lao động” chỉ được sử dụng lao động chưa thành niên những công việc “phù hợp với sức khỏe để đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách…”.
Trong công cuộc phòng chống, tiến tới xóa bỏ LĐTE cần sự tham gia tích cực, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng trong nước cũng như trên thế giới, ở đây, vai trò của doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn. Thực tế, việc tăng cường hiểu biết về những hệ lụy của việc tuyển dụng và sử dụng LĐTE được coi là một giải pháp quan trọng trong việc xóa bỏ vấn nạn này, góp phần tạo sự chủ động trong việc nói không với LĐTE trái phép.
Trong tài liệu “Hướng dẫn Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em dành cho doanh nghiệp” do Văn phòng Giới sử dụng Lao động/ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện dựa trên những hướng dẫn của Chương trình Quốc tế về Xóa bỏ Lao động Trẻ em (ILO - IPEC) và cập nhật phù hợp với thực tế Việt Nam, bên cạnh việc cung cấp những kiến thức cơ bản để nhận biết LĐTE, gợi ý những hành động thiết thực của doanh nghiệp để loại trừ những nguy cơ và hậu quả khi sử dụng LĐTE, tài liệu còn cung cấp góc nhìn tổng quan lợi ích của việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong kinh doanh. Theo đó, các lợi ích chính đối với doanh nghiệp trong phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE có thể tóm tắt như sau:
Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới Việt Nam đang trong tiến trình tham gia đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đáp ứng các tiêu chuẩn lao động, trong đó có không sử dụng LĐTE là một trong những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội thương mại và đầu tư mới trong các FTA thế hệ mới.
Tuân thủ luật pháp doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến vấn đề LĐTE. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và cả hình sự nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội hình sự. Hơn nữa, nhiều khách hàng nước ngoài, đặc biệt là các thương hiệu lớn có thể yêu cầu nhà cung cấp áp dụng các điều kiện phòng ngừa lao động trẻ em cao hơn luật. Không tuân thủ có thể dẫn tới cắt giảm đơn hàng, thậm chí là loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng.
Đảm bảo hiệu suất hoạt động lâu dài doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, thường sử dụng lao động chưa thành niên để tiết kiệm chi phí trước mắt, song, về lâu dài hiệu suất hoạt động sẽ giảm do nguồn nhân lực chưa được đào tạo và phát triển đầy đủ. Đặc biệt với các hộ sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động là con em dưới tuổi thành niên sẽ làm giảm cơ hội học tập đào tạo giúp các em mang lại hiệu suất lớn hơn và thu nhập cao hơn khi tiếp quản công việc kinh doanh lúc trưởng thành.
Cải thiện công tác quản trị rủi ro LĐTE trong hoạt động kinh doanh hay chuỗi cung ứng có thể khiến doanh nghiệp và khách hàng của bạn gặp rắc rối với báo chí, dư luận, các chiến dịch phản đối của các tổ chức và phong trào phi Chính phủ, dẫn tới tổn thất về uy tín doanh nghiệp, khả năng thu hút và giữ chân người lao động, cũng như khả năng duy trì và phát triển thị trường, thị phần và thu hút nhà đầu tư và cổ đông.
Thể hiện đạo đức kinh doanh và xây dựng uy tín giải phóng trẻ em và trẻ vị thành niên khỏi công việc lao động trong thời gian dài hay công việc nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại, tạo điều kiện cho các em được học tập và vui chơi, phát triển thể chất và tinh thần đúng độ tuổi là việc cần thiết và đúng đắn. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE là một khía cạnh thể hiện đạo đức kinh doanh.
Doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE trong kinh doanh. Song, chúng ta xác định rõ phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp. Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần sự ủng hộ của đội ngũ người lao động, khách hàng, công đoàn và tổ chức giới sử dụng lao động trong hoạt động này./.
Đăng Doanh
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45