Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp; lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Bảo hiểm Xã hội - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; về phía Hàn Quốc có ông Lim Jae Hoon - Tổng lãnh sự Đại Hàn Dân Quốc tại TPHCM, ông Kim Heung Soon – Chủ tịch KORCHAM, ông Lim Chung Hyun - Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cùng đại diện 170 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã bày tỏ vui mừng được tham dự Hội nghị này để cập nhật, chia sẻ những chính sách pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội của Việt Nam và được lắng nghe các ý kiến bình luận, đóng góp, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trong quá trình áp dụng và thực thi pháp luật lao động. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định: Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao gần 26 năm, mối quan hệ này ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đi vào chiều sâu, đặc biệt là sau khi hai nước đã trở thành đối tác chiến lược. Về lĩnh vực lao động, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam hiện có hơn 6.500 doanh nghiệp đang hoạt động và đã tuyển dụng, sử dụng hơn 1 triệu lao động. Trong đó, có hơn 3000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, sản xuất kinh doanh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, góp phần quan trọng về giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và trình độ kỹ năng nghề cho người lao động tại Việt Nam.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, lãnh đạo Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và lãnh đạo Kocham, KVCCI tại Việt Nam đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng về lao động, như: Bộ Luật lao động năm 2012, Luật Việc làm năm 2013, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống như tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực theo hướng thị trường, gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; tăng cường kết nối thông tin và dự báo thị trường lao động; tập trung các giải pháp nâng cao năng suất lao động theo ngành nghề và từng doanh nghiệp; đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ cập nhật, giới thiệu các chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội để giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc hiểu sâu sắc hơn về các chính sách đó trong năm 2018 và định hướng sửa đổi Bộ luật lao động trong các năm sắp tới. Bên cạnh đó, đây cũng là sự kiện để Bộ lắng nghe, nắm bắt các vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc ở khu vực phía Nam trong quá trình áp dựng pháp luật để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, tranh chấp lao động, thỏa ước lao động tập thể, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động…
Ông Lim Jae Hoon, Tổng Lãnh sự Đại Hàn Quốc ại TPHCM phát biểu
Tại Hội nghị, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã giới thiệu một số nội dung chính và tiến độ soạn thảo Dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi); dự kiến một số nội dung sửa đổi trong Bộ luật lao động, cụ thể như: về hợp đồng lao động; tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Kỷ luật lao động – trách nhiêm vật chất và lao động đặc thù; Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp; Đối thoại, thương lượng tập thể, tranh cấp lao động và đình công; Quản lý nhà nước về lao động và thanh tra lao động. Ông Phạm Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ – TBXH cũng trình bày về một số quy định mới của pháp luật về Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 và định hướng trong thời gian tới để các doanh nghiệp Hàn Quốc hiểu rõ hơn về chính sách pháp luật lao động và BHXH Việt Nam được điều chỉnh trong thời gian sắp tới, đồng thời chia sẻ, đóng góp ý kiến và kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Kocham phát biểu tại Hội nghị đối thoại
Tại Hội nghị đối thoại, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nêu ra nhiều câu hỏi liên quan vấn đề quy định về số giờ làm việc của người lao động, vấn đề về xử lý kỷ luật đối với người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; vấn đề tiền lương và phụ cấp đóng bảo hiểm xã hội; vấn đề người lao động làm việc tại nhiều doanh nghiệp; người lao động là người cao tuổi khi làm cho doanh nghiệp có vi phạm Bộ luật lao động hay không; doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt họp đồng lao động hay không? Vấn đề người lao động tự ý nghỉ việc liên tục trong 5 ngày liền mà không xin phép và việc xử lý kỷ luật buộc người lao động thôi việc có vi phạm Bộ luật lao động hay không? Người lao động làm việc cho doanh nghiệp thành lập từ năm 2014 có phải chi trả BHTN cho người lao động khi người lao động chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng băn khoăn về vấn đề người lao động làm việc theo hợp đồng khi họ tự ý nghỉ việc, các khoản trợ cấp thất nghiệp được giải quyết như thế nào là đúng luật. Đồng thời, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không báo trước với doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chụp ảnh lưu niệm với đại diện Korcham, Tổng lãnh sự Đại Hàn Quốc tại TPHCM
Liên quan đến các câu hỏi mà doanh nghiệp đặt ra, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp và lãnh đạo Vụ pháp chế, Vụ Bảo hiểm Xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã giải đáp cụ thể, rõ ràng từng vấn đề, đồng thời ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất để tiến tới đưa vào dự thảo sửa đổi trong các điều khoản của Bộ Luật lao động sắp tới, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Qua hội nghị đối thoại lần này, đa số cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã hiểu rõ hơn về chính sách pháp luật lao động và Bảo hiểm xã hội của Việt Nam để họ thực thi, chấp hành ngày càng tốt hơn đối với quyền và lợi của người lao động cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Hoàng Cảnh
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08