Tháng Hành động vì trẻ em cùng với dịp đợt kiểm tra đánh giá cuối năm đã kết thúc, kỳ nghỉ hè của học sinh bắt đầu cũng được khoảng gần 2 tuần với các bạn không phải học sinh cuối cấp. Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian quý giá được các em mong chờ bao ngày để được vui chơi thoải mái và nghỉ ngơi sau những ngày tháng học hành miệt mài. Tuy nhiên, việc các em nghỉ hè, ở nhà trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm, nên trẻ có xu hướng sử dụng internet nhiều hơn rất nhiều so với thời gian trong năm học, đồng nghĩa với việc các em có thể sử dụng Internet quá mức và gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng. Chính vì thế, toạ đàm “SNET - Online chuẩn, mùa hè vui" thảo luận về thực trạng các rủi ro trẻ em có thể gặp phải trên môi trường mạng và các bí kíp cho phụ huynh đồng hành cùng trẻ em an toàn trên môi trường mạng.
Theo chia sẻ của các diễn giả, theo số liệu khảo sát của UNICEF năm 2022, 87% trẻ em từ 12 – 17 tuổi sử dụng Internet ít nhất 1 lần/ngày, 74% các em sử dụng Internet tại trường học, thời lượng sử dụng Internet từ 5-7h ngày. Trong khi đó, các khuyến cáo trước đại dịch COVID, trẻ chỉ nên sử dụng Internet từ 2-3 giờ/ngày. “Trẻ em có quyền sử dụng Internet nhưng cân đối dung lượng sử dụng Internet phù hợp để đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ, tối ưu hoá sự phát triển của các em là rất quan trọng. Chúng ta phải rất lưu tâm khi mùa hè, không phải đi học, ít sự quản lý của cha mẹ, trẻ có thể gia tăng hơn nữa thời lượng sử dụng Internet, khiến các em dễ gặp các bệnh về mắt, đặc biệt là cận thị, ít vận động, ít giao tiếp với bên ngoài". Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, trẻ sử dụng Internet quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng nghiện và trở thành bệnh rất khó chữa. Ngoài ra, khi lên mạng, bên cạnh các lợi ích, các con rất dễ gặp các rủi ro như xem các hình ảnh, thông tin nội dung độc hại, không phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, lộ bí mật đời sống riêng tư, bắt nạt trên mạng, bị lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo tham gia các hành vi không phù hợp, vi phạm pháp luật…
Với vai trò người bố, anh Lê Xuân Đức - nhà sáng tạo nội dung kênh Bố con Sâu chia sẻ bí kíp để kiểm soát thời gian sử dụng Internet với bé Sâu 8 tuổi. Theo anh Đức, ngoài thời gian dành cho học tập, bố con Sâu đã thoả thuận con có nửa tiếng một ngày để xem các chương trình giải trí, và con sẽ được xem các chương trình này sau khi hoàn thành xong các nhiệm vụ học tập và công việc trong ngày. “Cả nhà cùng phải tuân thủ các kỷ luật và nguyên tắc thì Sâu cũng sẽ học được nề nếp để sử dụng Internet phù hợp" - anh Đức chia sẻ.
Nhất trí với phương pháp của bố Sâu, bà Nga và bà Linh cho chia sẻ: Trẻ em có quyền tham gia và cùng thảo luận, quyết định thời gian, dung lượng sử dụng Internet, bố mẹ nên cùng con thảo luận về thời gian biểu sử dụng Internet cùng con, và cùng con nói chuyện phân tích và tuân thủ lịch trình sử dụng Internet “Chính cha mẹ cũng cần tuân thủ các nguyên tắc này, ví dụ theo thoả thuận thời gian ăn tối không ai sử dụng Internet thì bố mẹ cũng cần tuân thủ chứ không chỉ yêu cầu một chiều từ con cái. Trẻ con học bằng cách bắt chước nên rất cần bố mẹ làm gương cho con"
Thảo luận về một số các rủi ro trẻ em hay gặp trên môi trường mạng, nhiều phụ huynh lo lắng nhất về việc con có thể xem các nội dung thông tin độc hại hoặc tham gia các thử thách nguy hiểm trên mạng, gây nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng thể chất tinh thần của trẻ.
“Thường thì chúng ta nhìn những thử thách ở trên mạng đa phần là tiêu cực, tuy nhiên, với nỗ lực của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp nền tảng, thực tế 90% thử thách trên mạng là vô hại, còn có các thử thách rất tích cực như: bảo vệ môi trường; sống tích cực, vui vẻ… Tuy nhiên, chỉ với 10% thử thách nguy hiểm có thể còn xuất hiện, các bạn nhỏ khi chưa có kiến thức kỹ năng số, có tư duy phản biện, không biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là cái phù hợp, hay nguy hiểm với bản thân mình thì các bạn cũng rất dễ bắt chước theo” – theo bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD. Bà Linh phân tích một số nguyên nhân trẻ có thể bắt chước hoặc tham gia các thử thách như sự tò mò của trẻ, muốn trải nghiệm, áp lực cùng trang lứa (vì các bạn hay thần tượng thực hiện), muốn nổi tiếng, tăng view, tăng like mà chưa có sự cân nhắc suy nghĩ. Chính vì thể, việc trang bị cho trẻ em các kiến thức về tư duy phản biện rất quan trọng. Bà Linh khuyên cha mẹ cần cho con xem các kênh phù hợp lứa tuổi, cùng con thảo luận các tình huống thử thách trên mạng và cùng con xem bản thân có nên tham gia hay không, sẽ tăng tư duy phản biện và phản xạ tình huống cho các con “suy nghĩ trước khi hành động”.
Bố Sâu chia sẻ “Hiện tại xã hội, người dùng mạng cũng đã có tư duy phản biện tốt hơn và tích cực lên án, bài trừ các nhà sáng tạo nội dung có các thông tin độc hại, không phù hợp hoặc thử thách nguy hiểm. Đây là điều rất tốt để chúng ta cũng khuyến khích và giáo dục trẻ em có tư duy phản biện; đồng thời khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung đưa các thông tin nhân văn, tích cực và có tính giáo dục trên mạng”. Bố Sâu cũng lưu ý việc giáo dục cho thế hệ công dâ số nhí cần theo hướng sáng tạo, vui nhộn, không giáo điều, gần gũi với các bạn nhỏ sẽ mang tính giáo dục tốt hơn và tiếp cận tới được các bạn nhỏ và được các bạn tiếp nhận.
Bà Nguyễn Thị Nga khẳng định ngoài vai trò của gia đình và trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang nỗ lực hết sức để cùng đồng hành với các gia đình, bảo vệ trẻ em an toàn khỏi các nội dung xấu độc, giảm thiểu các rủi ro cho trẻ em. Các doanh nghiệp được khuyến kích thành lập, hoạt động ở Việt Nam, tuy nhiên phải chấp hành pháp luật Việt Nam. Về việc bảo vệ trẻ em, thì chúng ta có Luật tiếp cận thông tin, Luật an ninh mạng, Luật trẻ em… Chính phủ cũng đã ban hành một số nghị định, đặc biệt là các nghị định trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Một trong những hoạt động được đẩy mạnh gần đây là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp làm tốt thì phát huy, những thông tin xấu, tiêu cực liên quan đến đời sống riêng tư của trẻ em, các nội dung xấu độc không phù hợp với trẻ sẽ từng bước được loại bỏ.
Tại chương trình toạ đàm, các diễn giả đã cùng chia sẻ các giải pháp để đồng hành và bảo vệ con an toàn trên môi trường mạng. Theo đó, không bao giờ là quá sớm để đồng hành cùng con trên môi trường mạng, và cũng không bảo giờ là quá muộn. Bố mẹ nên đồng hành cùng con càng sớm càng tốt, ngay từ khi con bắt đầu tiếp cận Internet nhưng nếu đã trót bỏ qua giai đoạn vàng để đồng hành cùng con ngay từ đầu thì bố mẹ cũng có thể bắt đầu ngay hôm nay. Đồng là phương pháp tốt, tức là không phải tìm cách dạy dỗ con, bắt ép con, kiểm soát con, mà bằng tình yêu thương, hỏi han và tìm hiểu các trải nghiệm của con trên môi trường mạng, học tập từ con, cùng nói chuyện, tâm sự và tìm ra các giải pháp cho các tình huống, các vấn đề con có thể gặp phải trên môi trường mạng. Ngoài ra, hãy cho con biết là dù con có rắc rối hay trải nghiệm gì không hay trên mạng, con cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bố mẹ “Hãy cho con biết rằng con an toàn, cha mẹ ở ngay đây".
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần sẵn sàng học tập, tốt nhất chúng ta hãy bắt đầu học tập cách làm cha mẹ từ tiền hôn nhân và cả quá trình lớn lên cùng con. Gần đây, Cục trẻ em và các cơ quan chức năng khác có rất nhiều các chương trình học trực tuyến làm cha mẹ mà các gia đình nên cùng học tập. Ngoài ra, các gia đình không hề đơn độc, khi cần, hãy tìm kiếm tư vấn và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 - đây là người bạn đồng hành 24/7, miễn phí và luôn tận tình hỗ trợ các gia đình.
Đăng Doanh
-
Quảng Ngãi nỗ lực thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai
23-12-2024 22:42 50
-
38 cá nhân Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh thiếu niên 2 được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố vinh danh
23-12-2024 22:22 36
-
Bình Dương: Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội
23-12-2024 22:20 15
-
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng
20-12-2024 14:09 26
-
Những tấm gương thương binh ở Nam Định vươn lên chiến thắng đói nghèo
23-12-2024 14:08 07
-
Chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
07-12-2024 14:11 39