Đồng Tháp: Chú trọng bảo vệ trẻ em trong môi trường an toàn
(LĐXH)-Đồng Tháp có dân số 1.600.170 người, trong đó có 341.070 trẻ em được cập nhật, theo dõi, quản lý trên phần mềm An sinh xã hội, chiếm 21,31% trên tổng dân số trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) là 2.812 trẻ, chiếm tỷ lệ 0,82% trên tổng số trẻ em; trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB là 37.155 trẻ, chiếm tỷ lệ 10,89%; trẻ em có hoàn cảnh khác là 15 trẻ, chiếm 0,004%; trẻ em trong gia đình bình thường 301.115 trẻ, chiếm tỷ lệ 88,286%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các kế hoạch chuyên đề về bảo vệ trẻ em được tổ chức Hội nghị triển khai ngay từ đầu năm 2023, các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được các ngành, các cấp quan tâm, lồng ghép vào hoạt động chuyên môn, công tác truyền thông nâng cao năng lực cho cán bộ, gia đình, người nuôi dưỡng trẻ được triển khai thực hiện và đi vào chiều sâu. Riêng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện 03 chuyên mục Vì trẻ em, phát sóng 02 tháng 01 lần và 03 chuyên trang Vì trẻ em trên Báo Đồng Tháp; tăng cường tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em số 111 và đường dây Tư vấn, bảo vệ trẻ em của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 0277 8516171, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, địa chỉ tin cậy tại các địa phương để mọi người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Sở còn tổ chức Hội nghị triển khai các kế hoạch chuyên đề về công tác trẻ em và Bình đẳng giới năm 2023 với có 181 đại biểu tham dự. Tổ chức 40 lớp tập huấn: kỹ năng chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng hoặc nhiễm HIV/AIDS cho cha, mẹ, người nuôi dưỡng trẻ tại 12 huyện, thành phố; cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ em và cha mẹ, người đang trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em về phòng tránh xâm hại, bạo lực trẻ em năm 2023.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện và tiếp nhận 422 lượt cuộc gọi tổ chức, cơ quan, gia đình và cá nhân. Tổ chức 03 lớp truyền thông, tư vấn nhóm cho trẻ em đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp. Ngoài ra Trung tâm còn tham vấn, tư vấn thông qua các phương tiện công nghệ thông tin như: mail, zalo, facebook..., chi hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP đối với 85 hồ sơ theo kinh phí năm 2022 với số tiền là 210,9 triệu đồng và thanh toán 28 hồ sơ theo kinh phí 2023 (huyện Thanh Bình) với số tiền 61.740.000 đồng; Phối hợp với địa phương vãng gia, tư vấn cho 05 trẻ em bị xâm hại. Tại Đồng Tháp, hiện có 05 cơ sở đang nuôi dưỡng 73 trẻ, gồm Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 15 trẻ, 04 cơ sở Chùa, Tịnh thất hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 58 trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ nghèo không có khả năng nuôi dưỡng. Các cơ sở bảo trợ xã hội thường xuyên thực hiện rà soát, lập danh sách trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi đủ điều kiện để gửi Sở Tư pháp tìm gia đình chăm sóc thay thế bằng hình thức nuôi con nuôi. Các em ở đây được chăm sóc, nuôi dưỡng và đi học văn hóa tại địa phương. Có 67/73 em đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng.
Các đơn vị, ngành còn lại và UBND 12/12 huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các phòng, ban ngành liên quan và UBND xã, phường, thị trấn phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền tập trung cao điểm trong Tháng hành động vì trẻ em như: Tổ chức xe hoa cổ động, thực hiện treo băng rôn tuyên truyền tại trụ sở, cơ quan, các tuyến đường chính tuyên truyền các thông điệp Tháng hành động vì trẻ em năm 2023; Trạm truyền thanh cấp xã viết và phát các tin, bài tuyên truyền về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa nguy cơ tai nạn thương tích...
Đối với trẻ em khuyết tật, Đồng Tháp luôn thực hiện hỗ trợ các em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng; Thường xuyên theo dõi quản lý, cập nhật thông tin hồ sơ sức khỏe người khuyết tật nói chung, trong đó có trẻ khuyết tật và trẻ nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV vào hệ thống quản lý chung của Bộ Y tế; hướng dẫn các Trung tâm Y tế, các bệnh viện, các Trạm y tế tiếp nhận khám bệnh, điều trị cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và chia sẻ thông tin liên quan đến trẻ em với người chịu trách nhiệm quản lý (cán bộ bảo vệ trẻ em) và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh cũng tổ chức 24 lớp tập huấn nâng cao năng lực hỗ trợ, chăm sóc trẻ em cho cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ và trẻ em với 740 người tham dự (360 cha mẹ, nguời nuôi dưỡng và 480 trẻ em). Hiện trên địa bàn Tỉnh có 1.924 trẻ em khuyết tật, chiếm 0,56% trên tổng số trẻ em và có 111 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức 36 lớp tập huấn cho khoảng 1.000 người là cha, mẹ, người nuôi dưỡng trẻ tại các xã điểm thực hiện tiêu chí Ngôi nhà an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em, in ấn 74.000 bảng kiểm tiêu chí Ngôi nhà an toàn cấp phát cho 36 xã điểm thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em năm 2023. Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã triển khai 800 lớp dạy bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương. Các sở, ngành khác và các địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền, hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, tình hình tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em còn xảy ra nhiều, trong 06 tháng đầu năm, trong tỉnh đã xảy ra khoảng 4.200 vụ tai nạn thương tích và 11 vụ đuối nước trẻ em làm 13 em tử vong (trong đó, có 06 em từ 6 tuổi trở xuống chiếm 46%).
Bên cạnh việc thực hiện các Đề án, Kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói trên, trong 6 tháng qua, tỉnh Đồng Tháp cũng tích cực thực hiện kế hoạch Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng; Kế hoạch Phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; các dự án, chương trình, mô hình hợp tác quốc tế, vận động xã hội. Cùng vơi đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động hơn 1.4 tỷ đồng, đạt 40% so với kế hoạch năm 2023; trợ giúp cho 1.803 lượt trẻ em, thông qua các hình thức như: hỗ trợ quà Tết; xe đạp; thực hiện các chương trình học bổng; hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ khó khăn đột xuất cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ…
Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình, đề án, hoạt động trọng tâm và các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em để đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra trong năm 2023 là: Duy trì tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống dưới 3%. Giảm số trẻ em bị xâm hại, bạo lực; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời; trên 91% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; phấn đấu giảm ít nhất 8% trẻ em tử vong do đuối nước so năm 2022; 100% huyện, thành phố duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em./.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Ninh Thuận: Đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
13-12-2024 15:52 15
-
Quảng Ngãi: Tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm
23-12-2024 15:36 54
-
Ninh Thuận phấn đấu để người có công có mức sống ổn định so với cộng đồng
02-12-2024 15:43 31
-
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
17-12-2024 14:10 45
-
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
04-12-2024 14:07 23
-
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
02-12-2024 14:00 12
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00