Kinh tế
ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu
02:38 PM 20/11/2024
(LĐXH)- Thực hành các tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị) trong hoạt động ngân hàng cũng như hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết, bên cạnh các cơ hội, thuận lợi trong triển khai thực hiện tiêu chuẩn này vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho cả cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các đơn vị thực thi đòi hỏi các bên cần nhận thức và hành động nhanh.
Ngày 19/11/2024, tại Hà Nội, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo ESG trong ngành ngân hàng. Hội thảo tập trung vào các nội dung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đẩy mạnh thực thi tiêu chuẩn ESG trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy truyền thông thực thi ESG, các kinh nghiệm quốc tế và lộ trình thực thi ESG phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Hội thảo có sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và sự tham gia của lãnh đạo các định chế tài chính nước ngoài, các ngân hàng thương mại, cùng các chuyên gia về lĩnh vực này; được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp, trực tuyến livestream trên các nền tảng website và fanpage của Báo Đầu tư.
Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”
Ngân hàng đóng vai trò mắt xích quan trọng trong thực thi ESG
Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một thách thức rất lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, đảm bảo thực hiện tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị).
Với ngành ngân hàng Việt Nam, lĩnh vực có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, việc tiên phong trong thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.
Trên thực tế, việc thực thi ESG trong lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây đã có nhiều bước tiến đáng kể, từ việc xây dựng khung khổ pháp lý tới các chương trình hành động cụ thể như nâng cao chất lượng quản trị hướng tới chuẩn mực quốc tế cao, chuyển đổi số, tín dụng xanh, áp dụng cơ chế đánh giá rủi ro môi trường với các khoản vay… Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các định chế tài chính hàng đầu các thị trường đều là các tổ chức thực thi ESG tốt nhất.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, tài chính xanh tại Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng và ngành ngân hàng, với tư cách là nguồn cung cấp vốn chủ đạo của nền kinh tế, có thể đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các nỗ lực toàn diện hướng tới sự phát triển bền vững. Bằng việc áp dụng các chính sách trong hoạt động cung cấp tín dụng, ngân hàng đóng vai trò mắt xích quan trọng trong thực thi ESG.
Tích hợp các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) – bộ ba tiêu chuẩn đo lường tính hiệu quả và bền vững, phản ánh sự tương tác và là công cụ hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, theo khảo sát của PwC, các ngân hàng đang ưu tiên yếu tố G (quản trị) hơn E (môi trường) và S (xã hội).
Cũng theo Tổng Biên tập Báo Đầu tư, từ những phân tích và qua những bài học kinh nghiệm hữu ích tại các quốc gia khác, các giải pháp dự kiến được gợi mở để hoàn thiện khung khổ pháp lý, hỗ trợ cả doanh nghiệp và ngân hàng xử lý các vấn đề liên quan tới chi phí trong quá trình chuyển đổi xanh, thực hành và đánh giá rủi ro ESG, phát triển đội ngũ nhân sự đặc biệt là ở các mảng E và S, nâng cao nhận thức của hệ thống và cả cộng đồng...
Các nội dung tại Hội thảo sẽ là các thông tin hữu ích góp phần giúp các cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng chính sách, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp lãnh đạo doanh nghiệp có điều chỉnh định hướng hoạt động. Đặc biệt thông tin được truyền thông còn góp phần thay đổi hành vi của xã hội trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Cần liên tục cập nhật các qui định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội
Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội, tác động đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân, do đó, việc tập trung tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ quyền con người hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện.
Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” 
Việt Nam cũng là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai các cam kết quốc tế nêu trên thông qua việc ban hành khung chính sách, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược tài chính `toàn diện quốc gia; Các chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Luật Bảo vệ môi trường (2020)... Các quy định này đã tạo điều kiện thúc đẩy các công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh, thúc đẩy ESG như tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, yêu cầu quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Tăng trưởng bền vững đang là vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong đó, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD (về tín dụng, thị trường, thanh khoản, chiến lược, danh tiếng...), do vậy, việc thực hành ESG sẽ giúp các TCTD cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận.
Tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các TCTD phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội. Mặt khác, thực hành các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của TCTD thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phó thống đốc gợi ý Hội thảo cần thảo luận làm rõ 3 vấn đề, trong đó làm rõ tình hình triển khai và những ưu tiên trong thực hành ESG tại các TCTD Việt Nam phù hợp với bối cảnh vĩ mô, năng lực tài chính, trình độ quản trị hiện nay. Những chính sách, chương trình của các ngân hàng từ hỗ trợ kỹ thuật tới cung ứng vốn cho doanh nghiệp phát triển xanh, bền vững. Cùng với đó, những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ và những đề xuất, kiến nghị để góp phần thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cũng là nội dung cần phân tích.
Cần có thêm chế tài để thúc đẩy thực thi ESG
Trao đổi tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”, nhiều chuyên gia quốc tế khuyến nghị ngân hàng Việt Nam coi thực thi ESG là cơ hội kinh doanh thay vì trách nhiệm. Tuy vậy, cũng có chuyên gia cho rằng, muốn thúc đẩy thực thi ESG, cần có thêm chế tài.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả tại các quốc gia phát triển trên thế giới, thúc đẩy thực thi ESG trong ngành ngân hàng chủ yếu bằng cách thúc ép, không phải do bản thân các ngân hàng nhìn thấy cơ hội. Đối với các quốc gia đang phát triển, gặp khó khăn về nguồn vốn, đang bị “cái khó bó cái khôn” như Việt Nam, khuyến khích các ngân hàng thực thi ESG vì “cơ hội kinh doanh” là rất khó. Vì thực tế, khi thực thi ESG, các ngân hàng thường phải hi sinh lợi ích ngắn hạn, nhìn về mục tiêu dài hạn.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh thực thi ESG, nhiều chuyên gia cho rằng, cần cảnh báo về các rủi ro mà ngân hàng, doanh nghiệp có thể gặp phải nếu không áp dụng.
Theo bà Lê Mai, Giám đốc Quan hệ khách hàng kiêm Giám đốc Quốc gia về Tài trợ bền vững, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam: Dư địa tăng trưởng tín dụng xanh ở Việt Nam còn rất lớn song cũng rất thách thức, trong đó rào cản lớn nhất là nhận thức. Với doanh nghiệp, thực thi ESG đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, đánh giá lợi ích dài hạn” ./.
Thảo Lan