Gần 316 nghìn lượt hộ được vay vốn từ Dự án Quỹ tín dụng xóa đói giảm nghèo theo hướng tự cứu KFW
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động –TBXH phát biểu khai mạc Hội nghị
Tới dự có ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động- TBXH; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; ông Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cùng đại diện một số các bộ, ngành và cán bộ 16 tỉnh thực hiện Dự án.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH đánh giá cao trách nhiệm của các bên trong việc tham gia Dự án, sự đóng góp của hai ngành Lao động- TBXH và Agribank, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, các Sở Lao động- TBXH với vai trò là chủ dự án đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời mong rằng các bên nhìn lại toàn diện vấn đề đặt ra, thảo luận cho ý kiến từ thực tiễn thực hiện dự án, chất lượng dự án, giúp các cơ quan trung ương có cách thức thúc đẩy các chương trình tín dụng khác. Dự án được hai Chính phủ cam kết đã tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các cam kết như đối tượng cho vay, thời hạn cho vay, mức lãi suất. Các mục tiêu cơ bản hoàn thành, cung cấp nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, chỉ có 22 triệu DM trong 20 năm đã quay vòng được 10 lần, nhờ vậy đã đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, Dự án góp phần nâng cao nhận thức của người nghèo tự vươn lên thoát nghèo, từng bước hoàn thiện cơ chế điều hành hoạt động cho vay của một tổ chức tín dụng. Từ các mô hình ban đầu, ngân hàng có các định chế cho vay ưu đãi hộ nghèo. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trung ương, bộ ngành trong công cuộc giảm nghèo chung ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Ngân hàng xuống tận địa phương tìm hiểu đối tượng cho vay, xử lý nợ xấu là rất tốt, tạo phương thức hoạt động hỗ trợ nhau; Chứng minh đồng vốn không mất đi mà còn lớn lên.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, hạn chế là mức cho vay còn thấp, lãi suất cho vay cao ngang với lãi suất thị trường, gây khó khăn trong quá trình triển khai; chưa gắn kết thường xuyên giữa vấn đề cung cấp vốn, hướng dẫn kỹ thuật. Từ thực tiễn thực hiện, kinh nghiệm rút ra là đây là chương trình có ý nghĩa kinh tế xã hội nhân văn sâu sắc, địa phương cần có cơ chế cấp bù lãi suất; phải có sự phối hợp giữa các bên; duy trì tốt chế độ báo cáo ở các địa phương; cần linh hoạt mức vay để đảm bảo hiệu quả; các chương trình tín dụng phải được lồng ghép, gắn kết về cơ chế, nguồn lực để đảm bảo chính sách an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Agribank luôn giữ vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam với quy mô tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động trên 930 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ trên 760 nghìn tỷ đồng, mạng lưới hoạt động rộng khắp trên toàn quốc. Đến ngày 31/3/2017, Agribank có quan hệ đại lý với 847 ngân hàng tại 88 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời triển khai thực hiện trên 40 dự án tín dụng quốc tế từ các nhà tài trợ WB, ADB, AFD, KFW...
Agribank tham gia Dự án xóa đói giảm nghèo KFW pha I, II, III từ năm 1995 và là ngân hàng thương mại duy nhất tại Việt Nam giải ngân nguồn vốn Dự án. Agribank đã triển khai thực hiện dự án tới các Chi nhánh thuộc phạm vi Dự án với hiệu suất cao, doanh số cho vay lũy kế đạt trên 1.200 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Dự án đã tạo thêm trên 120 nghìn việc làm cho người lao động, đưa nguồn vốn tới tận tay các hộ nông dân nghèo, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Agribank và có ảnh hưởng sâu rộng tới các Chi nhánh thuộc các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Thông qua nguồn vốn Dự án, Agribank đã mở rộng thêm hoạt động cho vay nông nghiệp, nông thôn, dần tăng tỷ lệ vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn lên 70% tổng dư nợ cho vay.
Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng mong rằng, trong thời gian tới Ngân hàng Tái thiết Đức KFW, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động – TBXH quan tâm hỗ trợ thêm nhiều dự án nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được triển khai ở Việt Nam.
Dự án Quỹ tín dụng xóa đói giảm nghèo theo hướng tự cứu được Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam từ năm 1994 đến năm 2015, với tổng số tiền 22 triệu DM, trong đó cơ quan chủ Dự án là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan thực hiện dự án Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Dự án được chia thành 3 pha: Pha I thực hiện từ năm 1994 -2009 tại 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, triển khai ở 18 huyện, 116 xã, số tiền 52,6 tỷ đồng; Pha II thực hiện từ 1995-2009 tại 6 tỉnh (nay là 8 tỉnh): Điện Biên Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên và Bắc Kạn, với 33 huyện, 130 xã, tổng kinh phí 35,2 tỷ đồng. Pha III thực hiện từ năm 2001-2015 tại các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, với 27 huyện, 200 xã, tổng kinh phí 75,6 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Nguyên tắc của Dự án là Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức ủy thác Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) giải ngân, theo dõi, giám sát đánh giá dự án. Chính phủ Việt Nam giao Bộ LĐTBXH là cơ quan tiếp nhận và quản lý dự án, thực hiện dịch vụ tín dụng dự án (cho vay, giải ngân đến tận tay hộ vay vốn, thu gốc, thu lãi...) được ủy thác qua Agribank. Theo đó, KFW trực tiếp ký thỏa thuận với Bộ LĐTBXH, cơ quan tiếp nhận dự án và Agribank, cơ quan thực hiện dịch vụ tín dụng. Dự án cung cấp nguồn tín dụng đến tận tay hộ vay vốn với lãi suất thương mại (mức lãi suất của Agribank tại thời điểm theo vùng có áp dụng mức giảm lãi suất theo khu vực III,II). Theo thỏa thuận, trong thời gian (15 năm với 10 năm ân hạn) dự án phải tuân thủ những nguyên tắc đã được ký thỏa thuận giữa KFW với Bộ LĐTBXH và Agribank và chịu sự giám sát đánh giá định kỳ của KFW. Với 15 năm đó, nếu được KFW đánh giá thực hiện nghiêm túc các cam kết, khi kết thúc dự án nguồn vốn của dự án mới hoàn toàn thuộc về ngân sách Việt Nam.
Trao tặng Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho 7 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án KFW
Về bộ máy quản lý Dự án: Bộ LĐTBXH không thành lập Ban quản lý Dự án mà giao nhiệm vụ theo dõi quản lý cho các đơn vị chuyên môn (Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục Bảo trợ xã hội), các Sở LĐTBXH nơi triển khai dự án cũng chỉ giao cho các phòng ban chuyên môn thực hiện công tác theo dõi, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Dự án.
Mục tiêu của Dự án là cung cấp các khoản vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nông thôn tại các địa bàn thực hiện Dự án đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kể cả mua sắm phương tiện sản xuất trong khu vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo theo hướng tự cứu. Đối tượng là những hộ nghèo, cận nghèo có lao động nhưng thiếu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Đánh giá về kết quả Dự án, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH), Chủ Dự án cho biết: Kết quả thực hiện Dự án Quỹ tín dụng xóa đói giảm nghèo theo hướng tự cứu sau 20 năm đã tạo điều kiện cho gần 350.000 hộ nông dân, trong đó có 315.986 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất, chủ yếu khoản vay là đầu tư cho chăn nuôi, tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, Dự án cũng đã ra hơn 120.404 việc làm mới và giúp cho 630.000 lao động có thêm việc làm, cao gấp 2 lần mục tiêu ban đầu số hộ được vay vốn từ dự án; Dự án cũng đã giúp cho các hộ gia đình vay vốn tăng thêm thu nhập khoảng 20% sau mỗi chu kỳ vay vốn và gần 20% số hộ vay vốn đã thoát nghèo. Tính đến 30/12/2015, ngân hàng đã thực hiện rút vốn và giải ngân hết nguồn vốn đã rút, đồng thời tiến hành cho hộ nghèo, cận nghèo vay với hiệu suất cao, trong đó tổng số vốn rút lũy kế: 199 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế: 1.255 tỷ đồng, hệ số quay vòng vốn trung bình đạt: 6,3 lần, tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì ở mức dưới 1%.
Tác động về mặt kinh tế: Dự án là nguồn vốn tín dụng quan trọng đối với các hộ nghèo để đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xoá đói giảm nghèo theo hướng tự cứu, đóng góp đáng kể vào kết quả giảm nghèo của các địa phương được dự án hỗ trợ. Hoạt động của dự án góp phần giảm bình quân khoảng 5%/năm tỷ lệ hộ nghèo vay vốn. Việc thực hiện tốt dự án cũng đã góp phần phát triển kinh tế, thay đổi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động của vùng dự án theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề, dịch vụ tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới. Một số tỉnh nguồn vốn dự án góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác được thế mạnh của địa phương như cây chè, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc ở các tỉnh như Yên Bái, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, cây mía ở Hòa Bình, Nghệ An và đầu tư vào nuôi trồng thuỷ, hải sản ở các tỉnh ven biển Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nam Định…Thông qua dự án, các hộ nghèo vay vốn đã dần tiếp cận với dịch vụ tín dụng, biết tính toán đầu tư sản xuất, kinh doanh, biết chi tiêu trong gia đình. Việc trợ giúp họ vay vốn tín dụng đầu tư sản xuất, tạo thu nhập đã làm thay đổi nhận thức của hộ nghèo, phát huy được nội lực tự mình vươn lên, tự cứu mình trong sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội và của Nhà nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm`
Còn về xã hội, thông qua hoạt động dự án, các hộ nghèo an tâm vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, từng bước loại bỏ tình trạng đi vay nặng lãi, vay nóng, bán lúa non, góp phần ổn định an ninh xã hội. Việc thành lập các tổ vay vốn đã tạo lên một tổ chức của những người nghèo có cùng mục đích vay vốn để sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập XĐGN, họ gắn bó với nhau, thi đua phấn đấu giúp đỡ nhau thực hiện tốt dự án, tình làng nghĩa xóm. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã có sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Làm vườn..., tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hộ nghèo với cán bộ đoàn thể, giữa Ban XĐGN với các tổ chức xã hội. Mặt khác, cũng qua việc thực hiện dự án đã làm cho nội dung hoạt động của các Hội ở cơ sở có nội dung phong phú, nâng cao trách nhiệm cộng đồng xã hội đối với hộ nghèo giúp đỡ họ hoà nhập cộng đồng. Đối với các hộ nghèo, một bộ phận hộ vay vốn thoát nghèo đã thay đổi nhận thức, xoá bỏ mặc cảm và phát huy tinh thần tự cứu của người nghèo trong cộng đồng. Đối với các cấp chính quyền, đã thấy rõ thêm trách nhiệm là phải phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ đói nghèo là góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Để xoá đói giảm nghèo đạt kết quả phải tạo đầy đủ môi trường và các điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo tự vươn lên, phải có một quy trình phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, địa phương và khả năng tiếp nhận của đối tượng nghèo.
Hồng Phượng